Đệ nhất phu nhân Mỹ và những tranh cãi về chuyện váy áo
Chủ nhật, 24/12/2017 11:56 (GMT+7)
11:56 24/12/2017
Gần một năm sau khi trở thành đệ nhất phu nhân Mỹ, bà Melania dường như vẫn chưa quên mình là vợ của một tỷ phú khi luôn chọn những bộ trang phục xa xỉ cho mỗi lần xuất hiện.
Sau một năm ở cương vị Đệ nhất phu nhân Mỹ, bà Melania Trump nhận được không ít tranh cãi về cách ăn mặc mỗi lần xuất hiện trước công chúng. Nhiều người cho rằng bà chọn trang phục theo kiểu mình là vợ của một doanh nhân chứ không phải một chính trị gia. Trong ảnh, bà Melania xuất hiện tại lễ nhậm chức của Tổng thống Donald Trump hồi tháng 1 trong bộ váy xanh mang đậm phong cách cố Đệ nhất phu nhân Jackie Kennedy. Điều này khiến nhiều người tin tưởng rằng bà Malenia sẽ trở thành một biểu tượng thời trang mới.
Trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông chủ Nhà Trắng, bà chọn một chiếc váy kín đáo khi xuất hiện tại Saudi Arabia, một quốc gia vốn mang nhiều tư tưởng bảo thủ đối với phụ nữ. Việc đệ nhất phu nhân Mỹ không dùng khăn trùm đầu khiến bà nhận được nhiều tranh cãi.
Trong cuộc gặp với Giáo hoàng Francis ngày 24/5 tại Tòa thánh Vatican, Đệ nhất phu nhân Melania mặc trang phục đen và dùng mạng che mặt theo đúng quy định. Điều này giúp bà ghi điểm trong mắt công chúng.
Nhiều người vốn tin tưởng vào phong cách thanh lịch của đệ nhất phu nhân Mỹ dần thất vọng khi bà xuất hiện với những bộ trang phục xa xỉ trong hàng loạt sự kiện. Hồi tháng 5, bà mặc chiếc áo khoác trị giá 51.500 USD trong khi xuất hiện tại Italy. Chiếc áo đắt tiền, lộng lẫy và nổi bật nhưng dường như không phù hợp với một sự kiện chính trị.
Đỉnh điểm của những tranh cãi xoay quanh trang phục của bà Melania là việc bà mang giày cao gót để thăm nạn nhân của cơn bão Harvey hồi tháng 8. Thông thường, đệ nhất phu nhân Mỹ được nhận quà và trang phục từ các nhà thiết kế. Sau khi sử dụng, số trang phục này trở thành tài sản quốc gia và được gửi vào kho. Tuy nhiên, bà Melania được cho là đã bỏ tiền túi để mua quần áo. Trước đó, Đệ nhất phu nhân Michelle Obama thường dùng trang phục của mình như một cách khích lệ các nhà thiết kế trẻ tuổi của nước Mỹ tham gia nhiều hơn vào ngành công nghiệp thời trang.
Lần đầu tiên xuất hiện tại Liên Hợp Quốc, bà Melania mặc chiếc váy có giá khoảng 3.000 USD trong lúc nhận định "không nên để bất cứ trẻ em nào đói khát". Theo các chuyên gia, cách chọn trang phục của đệ nhất phu nhân Mỹ không cho thấy bà gắn kết với tiêu chí "nước Mỹ trên hết" do chính ông Trump đề ra bởi bà thường có xu hướng chọn những nhà thiết kế từ châu Âu.
Trong chuyến công du châu Á vừa qua, bà không cho thấy bất cứ nỗ lực đối ngoại nào qua các bộ váy áo. Những nhà mốt xa xỉ từ châu Âu như Fendi, Dolce & Gabbana, Valentino và Alexander McQueen luôn là lựa chọn hàng đầu. Các chuyên gia ước tính đệ nhất phu nhân Mỹ đã chi gần 43.000 USD cho vấn đề trang phục trong chuyến công du này. Điểm sáng duy nhất trong một tuần ở châu Á là chiếc váy mang họa tiết kiểu Trung Hoa được bà mặc trong quốc yến do vợ chồng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chủ trì.
Nguyên tắc ngoại giao hiện đại đề cao việc kết nối giữa trang phục của các chính trị gia với những vấn đề mà họ hướng tới. Một chiếc váy rẻ tiền hay chiếc áo len cũ đều có thể kết nối họ với những cử tri.
Với xuất thân đặc biệt, Melania được xem là đệ nhất phu nhân hiếm có trong lịch sử Mỹ. Đời sống khép kín của bà làm dấy lên nhiều đồn đoán về quan hệ với Tổng thống Donald Trump.
Dưới bàn tay của đệ nhất phu nhân Melania, ngôi nhà ở số 1.600 đại lộ Pennsylvania trở nên lộng lẫy hơn thường ngày với những món đồ trang trí truyền thống mùa Giáng Sinh.
Tổng cộng, bà Melania Trump đã sử dụng 71 vòng hoa, 53 cây thông, 18.000 bóng đèn, 12.000 món đồ trang trí... để "phù phép" Nhà Trắng theo chủ đề "truyền thống đi cùng năm tháng".