Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Đề tài đồng tính nữ không được khai thác với mục đích trong sáng?

Đằng sau những dự án phim lịch sử có nội dung về đồng tính nữ đang có nhiều điều để bàn luận.

phim dong tinh nu anh 1

Nửa đầu thập niên 2010, series phim lịch sử Downton Abbey (2010-2015) là tác phẩm hiếm hoi kết hợp từ khóa “đồng tính” với “lịch sử” và gặt hái thành công.

Sáu năm sau Downton Abbey, điện ảnh thế giới chứng kiến làn sóng những bộ phim lịch sử lấy đề tài đồng tính nữ nối nhau ra đời. Tình yêu lứa đôi trở thành cách để không ít phụ nữ cận đại phá vỡ các rào cản xã hội trên màn ảnh.

Tuy nhiên, về lâu dài, dòng phim không tránh khỏi việc đi vào lối mòn trong cả nội dung lẫn cách thể hiện. Thêm vào đó, việc đưa hình ảnh người đồng tính nữ lên màn ảnh trong những bộ phim cổ trang cũng bị không ít người đặt câu hỏi nghi ngờ về tính trong sáng.

Thể loại phim được lòng giới phê bình

Giáo sư ngành Xã hội học Liz Stanley tại Đại học Edinburgh chỉ ra cụm từ “đồng tình nữ” chưa hề xuất hiện cho tới trước thế kỷ XIX. Vì chưa có khái niệm đồng tính nữ, văn hóa đồng tính nữ cũng chưa hề tồn tại từ thế kỷ XIX trở về trước.

phim dong tinh nu anh 2

The Favourite đề cập đến quan hệ tình cảm phức tạp của Nữ hoàng Anh với hai phụ nữ. Ảnh: Fox Searchlight.

Tuy nhiên, đây lại là giai đoạn thường được lựa chọn làm bối cảnh cho các câu chuyện tình đồng tính nữ trong phim lịch sử. Vì đặc trưng lịch sử này, các bộ phim cổ trang lấy đề tài đồng tính nữ có thể tự tách mình khỏi những chủ đề mang tính thời đại như bản dạng giới, sự kỳ thị hay phân biệt đối xử.

Theo quan điểm của cây bút nữ Meggie Gates từ Collider, chùm tác phẩm khai thác đề tài đồng tính nữ lấy bối cảnh thế kỷ XIX hoặc xa hơn thường tập trung tái hiện bối cảnh xã hội đương thời cũng như tác động của nó lên mối quan hệ giữa chị em phụ nữ nói chung và tình yêu nói riêng.

Theo Reader’s Lesbian and Gay Studies Guide, phụ nữ thời này giữ kín quan hệ đồng tính không nhất thiết vì hổ thẹn. Thay vào đó, họ lo sợ những hậu quả khi quan hệ ngoài luồng ấy bị các đức ông chồng phát giác. Ở thế kỷ XIX, đồng tính không phải tội. Ngoại tình mới là tội.

Năm 2015, Carol - bộ phim chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết phát hành năm 1952 của Patricia Highsmith - đã ra đời. Tác phẩm lấy bối cảnh nước Mỹ thập niên 1950, xoay quanh hai người phụ nữ tên Carol (Cate Blanchett) và Therese (Rooney Mara).

Carol đã lập gia đình còn Therese mới lên thành phố lập nghiệp. Tình yêu dẫn cả hai tới quyết định chia tay với chồng/người yêu dị tính. Bộ phim nhận 6 đề cử tại Oscar 2016.

Tuy nhiên, phải tới sau năm 2018, thành công của The Favourite mới giúp làn sóng tác phẩm lịch sử đề tài đồng tính nữ bùng nổ. Trong bộ phim lấy bối cảnh thời kỳ Trung hưng quân chủ tại Anh, Nữ hoàng Anne (Olivia Coleman) đã cùng lúc yêu hai người phụ nữ: Sarah Churchill (Rachel Weisz) và Abigail Masham (Emma Stone).

Trong khi Sarah yêu Anne thật lòng, Abigail lại muốn đổi tình lấy quyền lực. Abigail đe dọa nữ hoàng, yêu cầu Anne xua đuổi Sarah nếu không sẽ phanh phui chuyện tình cảm của ba người.

Với The Favourite, trọng tâm câu chuyện không phải nỗi thống khổ của nhân vật khi là người đồng tính. Phim mô tả gánh nặng trách nhiệm và kỳ vọng đặt trên vai người phụ nữ đứng trên vạn người.

The Favourite nhận 10 đề cử Oscar và chiến thắng hạng mục Nữ diễn viên chính xuất sắc (Olivia Coleman). Phim cũng đoạt hai giải tại Liên hoan phim quốc tế Venice, chiến thắng 10 hạng mục của Giải điện ảnh Độc lập Anh, nhận 5 đề cử Quả Cầu vàng…

Từ năm 2018 tới nay, điện ảnh thế giới chào đón nhiều bộ phim khai thác tình yêu giữa hai người phụ nữ sống ở thời cận đại như Wild Nights with Emily (2018), Vita & Virginia (2018), Colette (2018), Lizzie (2018), Gentleman Jack (2019), Portrait of a Lady on Fire (2019), Ammonite (2020)... Tuy nhiên, không tác phẩm nào trong số này đạt tới tầm ảnh hưởng của The Favourite.

Nguy cơ đi vào lối mòn nội dung

Trong bài viết cho trang IN Magazine, cây bút Bianca Guzzo đề cập việc các bộ phim lịch sử khai thác đề tài đồng tính nữ tuy đáng quý nhưng đang đi vào lối mòn. Guzzo lấy ví dụ về Ammonite, tác phẩm phát hành tháng 11/2020 với sự góp mặt của Kate Winslet và Saoirse Ronan trong hai vai nữ chính.

phim dong tinh nu anh 3

Ammonite khắc họa tình yêu giữa hai phụ nữ cách biệt về tuổi tác, tính cách cũng như hoàn cảnh sống. Ảnh: See-Saw Films.

Phim lấy bối cảnh nước Anh thập niên 1840, khi nhà săn hóa thạch Mary Anning (Kate Winslet) đang làm việc một mình trên những bờ biển gồ ghề phía Nam. Bỏ lại quá khứ huy hoàng, giờ Mary sinh sống bằng nghề tìm bán các loại hóa thạch phổ biến cho khách du lịch. Cuộc sống của cô chẳng lấy gì làm dễ dàng, nhất là khi còn một người mẹ đau ốm cần chăm nuôi.

Do đó, khi Mary được một vị khách du lịch giàu có đề nghị giúp chăm sóc cho vợ ông, Charlotte Murchison (Saoirse Ronan), cô không thể từ chối. Tuy nhiên, nhiệt huyết của Mary với công việc nhanh chóng bị thử thách bởi vị khách không mời.

Sau những mâu thuẫn ban đầu, vượt qua lằn ranh giai cấp và tình cách trái ngược, Mary và Charlotte Murchison trở nên gắn bó bằng mối dây liên kết mãnh liệt hơn cả tình bạn hay tình chị em.

Theo Guzzo, cốt truyện của Ammonite có nhiều nét tương đồng với Portrait of a Lady on Fire, tác phẩm cùng chủ đề được đánh giá cao trong năm 2019. Trong Portrait of a Lady on Fire, nữ họa sĩ Marianne (Noèmie Merlant) được thuê tới vẽ chân dung đám cưới cho cô tiểu thư Hèloïse (Adèle Haenel). Hèloïse bị ép phải lấy một người đàn ông môn đăng hộ đối cô không hề yêu.

Trong quãng thời gian lưu lại nhà Hèloïse để họa chân dung cô tiểu thư, Marianne đã khiến mẫu vẽ phải lòng mình. Giới phê bình nhận xét Portrait of a Lady on Fire là một bộ phim đẹp và buồn, tô đậm những khám phá vô giá về tình yêu của một phụ nữ dành cho một phụ nữ khác, vào rất lâu trước khi khái niệm đồng tính nữ ra đời.

Có thể thấy, cả AmmonitePortrait of a Lady on Fire đều mở ra ở vùng duyên hải, dùng cái cớ một người phụ nữ được thuê tới làm việc cho một phụ nữ khác để bắt đầu câu chuyện.

Quan trọng nhất, ngoại hình của họ tuân theo công tức hai người da trắng, một tóc sáng, một tóc sẫm. Đây cũng là tạo hình nhân vật được sử dụng trong các bộ phim Carol, Vita & Virginia, Lizzie hay chính The Favourite.

Nhìn chung, tác phẩm lịch sử lấy đề tài đồng tính nữ đa phần tuân theo cùng một khuôn mẫu. Nhịp phim chậm rãi, tập trung khắc họa những biến đổi trong tâm lý hai nhân vật chính - từ chỗ đối đầu tới khi yêu nhau. Tình yêu của họ là bí mật và bị cấm đoán, thường bởi một trong hai đã lập gia đình.

Những cách trở trong tình yêu chính là gia vị giữ khán giả ở lại với tác phẩm cũng như xây dựng mối đồng cảm với nhân vật. Không khí chung của các bộ phim thường u ám, sầu cảm. Nhân vật không nói quá nhiều, nhưng mỗi ánh mắt hay cử chỉ họ dành cho nhau như ẩn chứa cả tá thư tình.

Và sau cùng, không nhiều tác phẩm lịch sử lấy đề tài đồng tính nữ khép lại bằng cái kết viên mãn, nơi những người yêu nhau đến được với nhau. Trong cả AmmonitePortrait of a Lady on Fire, tình yêu của đối phương sau cùng chỉ còn là một báu vật vô giá, giấc mơ hay chương đã mất của cuộc đời người phụ nữ. Biển xuất hiện trong phim như người bạn cũ, một nhân chứng bí mật cho tình yêu giữa hai người.

Lạm dụng hình ảnh đồng tính nữ?

Bianca Guzzo lo ngại sự quan tâm đặc biệt dành cho phim lịch sử có thể khiến nhiều vấn đề về người đồng tính nữ đương đại bị bỏ lỡ. Vì sao Hollywood chỉ lựa chọn kể đi kể lại những điều hư cấu thuộc về một quá khứ đã xa?

phim dong tinh nu anh 4

Portrait of a Lady on Fire là chuyện tình đẹp như tranh về nữ họa sĩ và nàng thơ của cô. Ảnh: Lilies Films.

Trong bài viết Shoehorning lesbian scenes into historical dramas is anything but progressive (tạm dịch: Gò ép hình ảnh đồng tính nữ vào các bộ phim chính kịch lịch sử không phải biểu hiện của sự cấp tiến) đăng trên The Telegraph, nữ nhà văn theo chủ nghĩa nữ quyền cực đoan Julie Bindel hoài nghi về tính trong sáng của việc đưa hình ảnh người đồng tính nữ lên màn ảnh.

Bà Bindel chỉ ra đồng tính nữ đã trở thành đề tài thời thượng được nhiều phim lịch sử khai thác trong khi ngoài đời thực, quyền lợi của họ đa phần vẫn chưa được bảo vệ. Nữ nhà văn cho rằng mục đích đằng sau lựa chọn này không hề trong sáng.

Theo bà, gò ép hình ảnh người đồng tính nữ vào các bộ phim cổ trang nhân danh “nữ quyền” thực chất chỉ nhằm lôi kéo sự chú ý của khán giả dị tính nam với các tác phẩm chính kịch hay tâm lý xã hội.

“Đàn ông dị tính thường thích cảnh phụ nữ làm tình. Hãy xem tập phim Friends trong đó hai anh chàng Chandler và Joey bỏ nhà bỏ cửa để đi xem hai người bạn dị tính nữ của họ hôn nhau một cách gượng gạo mà xem”, Julie Bindel viết.

Trên thực tế, Bindel không phải người duy nhất hoài nghi về tính trong sáng của các bộ phim lịch sử xoay quanh nhân vật đồng tính nữ.

Tháng 6/2020, gần nửa năm trước khi Ammonite ra mắt, hậu duệ của nhà nghiên cứu sinh vật cổ Mary Anning - nguyên mẫu đời thật của nhân vật do Kate Winslet thủ vai - đã bày tỏ bất bình về cách tổ tiên mình được mô tả trên màn ảnh.

Tờ The Guardian dẫn lời Barbara Anning - thành viên trong gia đình Mary Anning: “Tôi không tin nhà làm phim có bất kỳ bằng chứng nào chứng minh bà ấy là người đồng tính. Họ thay đổi giới tính của Mary chỉ nhằm thu hút khán giả”.

Đáp lại chỉ trích của gia đình nhân vật, đạo diễn Francis Lee giải thích trên Twitter: “Tôi không làm phim tiểu sử. Cuộc đời của Mary Anning là nguồn cảm hứng giúp tôi làm nên tác phẩm.

Từ đó, tôi có thể khai thác các khía cạnh về xã hội, tầng lớp, giới tính thời kỳ ấy. Tất nhiên, tôi cũng đã nghiên cứu về các mối quan hệ đồng tính nữ ở thời cận đại”.

Sau Ammonite, bộ phim lịch sử có yếu tố giật gân Anne Boleyn do Channel 5 sản xuất là tác phẩm tiếp theo bị đặt vào vòng nghi vấn. Phim đưa lên màn ảnh nụ hôn giữa Nữ hoàng Anne Boleyn và tình địch của bà, Vương hậu Jane Seymour.

Theo tờ Telegraph, bộ phim cũng sa đà vào việc mô tả đời sống vợ chồng giữa Anne Boleyn (Jodie Turner-Smith) và vua Henry. Trí thông minh và tài năng của nàng chỉ được tác phẩm đề cập ở hàng thứ yếu.

Thêm vào đó, việc lựa chọn diễn viên da đen Jodie Turner-Smith vào vai Anne Boleyn cũng hứng chịu phản đối từ dư luận. Trên Twitter, sau khi bộ phim phát sóng, nam diễn viên Laurence Fox đã bày tỏ bức xúc bằng bài đăng mở đầu với lời khẳng định: “Anne Boleyn là một phụ nữ dị tính da trắng!”. Hiện nhà sản xuất bộ phim chưa đưa ra giải thích về vấn đề này.

Kate Winslet đối diện với việc bị phàn nàn hình thể

Kate Winslet thừa nhận cô không còn thoải mái khi diễn cảnh nhạy cảm trên màn ảnh.

Kate Winslet biết ít nhất bốn ngôi sao che giấu giới tính thật

Minh tinh "Titanic" cho rằng sự kỳ thị ở Hollywood là trở ngại khiến nhiều ngôi sao che giấu giới tính thật.

Hollywood loay hoay trong mùa phim hè 2021

“The Conjuring: The Devil Made Me Do It” đã mở đầu mùa phim hè tại thị trường Bắc Mỹ. Sau hơn một năm lao đao, Hollywood vẫn đang tìm kiếm mô hình phát hành phim hiệu quả.

Hải Anh

Bạn có thể quan tâm