Sáng 3/7, ghi nhận tại điểm thi ĐH Sư phạm TP HCM, nhiều thí sinh ra khỏi phòng thi sau 2/3 thời gian làm bài. Hầu hết thí sinh đánh giá đề thi năm nay tương đối dễ, chỉ có hai câu cuối khó.
Muốn làm được hai câu cuối, thí sinh phải hiểu biết kiến thức xã hội, phân tích và tổng hợp tốt. Nhiều em rất thích thú với câu chuyện xâm nhập mặn của các tỉnh miền Tây thời gian qua.
"Mình đã ôn vấn đề này khá kỹ nên làm tốt câu phân tích đặc điểm đồng bằng sông cửu long, đặc biệt là câu xâm nhập mặn", bạn Tường Vy, THPT Nguyễn Thái Bình (TP HCM), cho biết.
Tại Đà Nẵng, hết 2/3 thời gian làm bài, nhiều thí sinh đã rời khu vực thi với nụ cười rạng rỡ. Hầu hết thí sinh được hỏi đều cho rằng, đề thi Địa Lý năm dễ.
Thí sinh cười tươi sau giờ thi Địa lý sáng 3/7. Ảnh: Việt Hùng. |
"Em thích nhất câu hỏi liên quan quá trình đô thị hóa ở nước ta. Mặc dù không học khối C nhưng em tin mình được khoảng 8 điểm", Nguyễn Thị Mây (thi ở trường Cao đẳng Công nghệ Đà Nẵng), cho biết.
Theo báo cáo nhanh của Bộ GD&ĐT sau môn thi Địa lý sáng 3/7, tổng số thí sinh đăng ký dự thi là 436.534 em, trong đó cụm thi tốt nghiệp 218.479 em và cụm thi đại học có 218.055 người, tham gia thi tại 1.102 điểm trường
Theo thống kê, sáng nay, 30 thí sinh bị đình chỉ thi, 1 trường hợp bị khiển trách và 4 em bị cảnh cáo.
Bạn Nguyễn Thị Luyến (thi tại trường THPT Nguyễn Thượng Hiền), cho biết, đề thi năm nay hầu hết nằm trong chương trình sách giáo khoa. Đề thi không mang tính đánh đố, chỉ cần nắm vững kiến thức trong sách giáo khoa là có thể làm tốt bài thi.
"Em học ban C nên đề này em làm bài chỉ trong hơn 45 phút. So với mọi năm, đề thi năm nay dễ", Luyến tự tin cho hay.
Trao đổi với Zing.vn, thầy Nguyễn Văn Biên (giáo viên dạy Địa Lý trường Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng), cho biết, đề thi dễ nhưng có tính phân loại khá cao. Theo thầy Biên, câu hỏi liên quan những ảnh hưởng tích cực của quá trình đô thị hóa, đòi hỏi thí sinh phải có kiến thức phân tích, tổng hợp.
"Nếu câu hỏi này có một vế phân tích yếu tố tiêu cực của quá trình đô thị hóa nữa thì sẽ hay hơn", thầy Biên nói.
Cùng quan điểm, cô Nguyễn Thị Hòa - giáo viên dạy Địa lý - cho rằng, với đề thi này, những học sinh không theo khối C cũng có thể làm được bài. Tuy nhiên, với các câu hỏi ở phần 2 (câu I) và phần 2 (câu IV), không phải ai cũng làm được điểm tối đa.
Thí sinh trao đổi bài sau giờ thi Địa lý. Ảnh: Tiến Tuấn. |
"Hai câu hỏi này, ngoài kiến thức trong sách giáo khoa, đòi hỏi thí sinh phải có sự hiểu biết về kiến thức xã hội. Ngoài ra, thí sinh phải có ví dụ cụ thể để chứng minh yếu tối tích cực của quá trình đô thị hóa và sự tiêu cực của quá trình xâm nhập mặn ở đồng bằng Sông Cửu Long", cô Hòa phân tích.
Cô Lê Thị Kim Ngân, giáo viên Địa lý, Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An nhận xét: Đề thi năm nay có tính phân hóa cao so với năm ngoái, bám sát được các vấn đề thời sự có tính thực tiễn, như vấn đề bảo vệ đa dạng sinh học, tình trạng xâm nhập mặn.
Cô Ngân cho biết, câu dễ nhất là biểu đồ. Đây là dạng bài đã được ôn tập nhiều. Riêng với những thí sinh thi đại học, phổ điểm trung bình sẽ từ 6 – 8 điểm. Thí sinh muốn đạt điểm 9 trở lên không dễ bởi đề có nhiều ý, dễ sai sót, mất điểm.
Ví dụ, ở câu 1: Đây là câu kiến thức nhớ, dễ lấy điểm, nhưng không phải thí sinh nào cũng làm tốt.
"Đề khá hay và phân hóa tốt hơn thí sinh, đặc biệt là phân hóa thí sinh khá giỏi để xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng", giáo viên Ngân cho hay.
Thứ trưởng GD&ĐT Bùi Văn Ga kiểm tra thi tại Quảng Nam
Sáng 3/7, Thứ trưởng GD&ĐT Bùi Văn Ga – Phó trưởng ban Chỉ đạo quốc gia kỳ thi THPT quốc gia 2016, cùng thành viên đoàn công tác kiểm tra tình hình tổ chức thi tại Hội đồng thi cụm thi 41 do ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) chủ trì, phối hợp ĐH Quảng Nam và Sở GD&ĐT Quảng Nam tổ chức.
Trước khi làm việc với Hội đồng thi cụm thi 41, Thứ trưởng Bùi Văn Ga kiểm tra công tác tổ chức thi tại điểm thi ĐH Quảng Nam. Trực tiếp vào các phòng thi, Thứ trưởng đã động viên, hỏi thăm tình hình thi của thí sinh. Ông cũng trao đổi với cán bộ coi thi về tình hình thực hiện nhiệm vụ, điều kiện ăn ở trong suốt thời gian coi thi.
Tại buổi làm việc với Hội đồng thi cụm thi 41 và Hội đồng thi cụm thi số 30, Thứ trưởng cùng đoàn kiểm tra nghe PGS.TS Lê Kim Hùng – Hiệu trưởng ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) và ông Hà Thanh Quốc – Sở GD&ĐT Quảng Nam báo cáo công tác tổ chức thi.
So với các địa phương khác trong cả nước, số lượng thí sinh ở Quảng Nam lớn (gần 19.000 thí sinh) nên phải chia cụm thi đại học thành hai điểm tại thành phố Tam Kỳ và Hội An.
Thứ trưởng Bùi Văn Ga bày tỏ sự yên tâm với công tác chuẩn bị, tổ chức chu đáo kỳ thi tại tỉnh Quảng Nam. Ông đề nghị địa phương cần nắm lý do vì sao thí sinh vắng thi trong những môn thi vừa qua và có văn bản báo cáo cụ thể gửi về Ban chỉ đạo thi quốc gia 2016.