Đề thi Địa lý về biển đảo gây chú ý bởi tính thời sự
Sau môn thi Địa lý, dư âm để lại không chỉ là việc đề thi nhẹ nhàng khiến nhiều thí sinh hy vọng với điểm số khá, mà còn là việc đề thi có nhiều nội dung nói về vấn đề biển đảo, an ninh quốc phòng.
>> Đề thi và gợi ý đáp án môn Lịch sử, Địa lí
>> 'Vượt ải' Địa lí dễ dàng, thí sinh phấn khởi
>> Môn Lịch sử: Gặp khó ở câu 2, sĩ tử vẫn hài lòng với bài thi
Để đánh giá về nội dung đề thi này, chúng tôi đã có một số cuộc trao đổi với các thầy cô giáo và thí sinh. Phần lớn các ý kiến cho rằng, đề thi có những câu hỏi mang tính thời sự, khơi gợi nên trách nhiệm của những người trẻ đối với biển, đảo nước nhà.
Đề thi nhẹ nhàng
Kết thúc môn thi Địa lý sáng ngày 3/6, môn thi Địa lý. Theo nhiều thí sinh, đề thi tuy hơi dài nhưng tương đối dễ lấy điểm, nhiều câu hỏi chỉ cần lật Atlat ra là có thể có điểm. Những câu hỏi về biển, đảo đã gây được nhiều sự chú ý của thí sinh với giới truyền thông.
Đề thi ở hệ PTTH, trong phần 2 của câu 2, đề thi yêu cầu thí sinh trình bày ý nghĩa của việc đánh bắt hải sản xa bờ đối với kinh tế và an ninh quốc phòng. Theo nhiều ý kiến, tình hình ở Biển Đông gần đây khiến nội dung này của đề thi đã tạo nên sự chú ý. Trong phần 2 của câu 4, đề thi cũng yêu cầu thí sinh phân tích ý nghĩa của hệ thống cảng biển của duyên hải Nam Trung Bộ đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của cả vùng.
Đề thi tốt nghiệp năm 2012 môn Địa lý ở hệ THPT |
Trong đề thi ở hệ GDTX, câu 3 phần 1 cũng yêu cầu thí sinh phải dựa vào Atlat đại lý Việt Nam để kể tên các trung tâm du lịch và hai quần đảo xa bờ của vùng duyên hải Nam Trung Bộ (huyện đảo Hoàng Sa của thành phố Đà Nẵng và huyện đảo Trường Sa của tỉnh Khánh Hòa). Nội dung của câu 3 phần 2 ngay sau đó cũng yêu cầu thí sinh trình bày các điều kiện tự nhiên thuận lợi cho việc phát triển tổng hợp kinh tế biển ở nước ta.
Đề thi Địa lý ở hệ GDTX |
Nhìn chung, hầu hết thí sinh được hỏi đều cho rằng những câu hỏi trên không quá khó vì đều nằm trong chương trình giảng dạy ở lớp 12. Những kiến thức cũng được các thầy cô giảng dạy môn Địa lý hết sức quan tâm trong thời gian gần đây. Do đó, việc đa số thí sinh hoàn thành bài thi một cách khả quan cũng là điều dễ hiểu.
Nhận xét về đề thi, thầy Lê Đăng Lâm, tổ trưởng tổ Địa lý, trường THPT Nguyễn Huệ, Đăk Đoa, tỉnh Gia Lai cho rằng: “Đây là một dạng câu hỏi hay. Nước ta có nguồn lợi thủy, hải sản lớn chưa khai thác hết. Đề thi đòi hỏi các em phải nắm rõ ưu thế nguồn lợi hải sản trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương trong phát triển kinh tế. Đánh bắt xa bờ cũng là một hoạt động có thể hỗ trợ nắm bắt tình hình phục vụ công tác an ninh biển đảo”.
Bên cạnh đó, theo thầy Lâm, hoàn thành bài thi cũng là cơ hội để các em ý thức rõ thực trạng an ninh quốc phòng và trách nhiệm của các em với việc bảo vệ chủ quyền đất nước.
Cô Cù Thùy Linh, Trường Châu Á Thái Bình Dương, TP.HCM cũng nhận định, đề thi Địa lý năm nay không quá khó. Tuy nhiên đề hơi dài, đòi hỏi học sinh phải nắm kiến thức vững và phân bố thời gian hợp lí mới làm hết đề, không thể “học tủ”. Nhiều câu hỏi mang tính thời sự, hay và thú vị. Đặc biệt là các câu liên quan đến biển đảo, không chỉ đòi hỏi kiến thức lý thuyết mà phải vận dụng hiểu biết thực tế, đồng thời cũng cho học sinh có cơ hội thể hiện ý thức của mình trong vấn đề chủ quyền lãnh thổ.
Thầy Nguyễn Hữu Phong, giáo viên Địa lý, trường THPT Thị xã Quảng Trị nhận xét thêm: “Đề thi này đòi hỏi học sinh nắm kiến thức cơ bản về nguồn lợi thủy hải sản và đặc điểm của hoạt động đánh bắt xa bờ. Qua đó, học sinh nhìn nhận được nguồn lợi kinh tế của đất nước, khơi gợi cho học sinh nhận thức về chủ quyền biển đảo”.
Không hào hứng về cách đưa vấn đề an ninh quốc phòng biển đảo vào đề thi Địa lý, Tiến sỹ Huỳnh Văn Thông, trưởng khoa Báo chí và Truyền thông, Đại học KHXH&NV TP.HCM cho rằng, nếu chủ ý của nhóm ra đề là đem vấn đề mang tính thời sự này vào đề thi ở dạng câu hỏi tư duy thì nên đi kèm một mệnh đề trước đó về tình hình thời sự để thí sinh có hướng giải quyết.
Theo tiến sỹ Huỳnh Văn Thông, có nhiều cách truyền thông hiệu quả về biển đảo nước nhà chứ không nhất thiết phải đưa vào đề thi của một kỳ thi quan trọng như thế.
Cô Cù Thùy Linh, Trường châu Á Thái Bình Dương, TP.HCM lại có ý kiến khác: “Không thể hô khẩu hiệu với học sinh rằng phải yêu tổ quốc hay thế này thế kia. Thông qua những câu hỏi như của đề thi Địa lý, phần nào những người làm giáo dục biết được thái độ, sự quan tâm của giới trẻ đối với vấn đề biển đảo. Giáo dục nước nhà đang hướng đến mục đích cao hơn của việc học , học không chỉ để biết, để khẳng định mình mà học để chung sống”.
Theo cô Linh, cô đang dạy ở một trường quốc tế ở Việt Nam và biển đảo nước nhà là một trong những vấn đề thường được đưa ra tranh luận sôi nổi.
Thí sinh ở TP.HCM hoàn thành tốt môn thi Địa lý |
Không gặp nhiều khó khăn với đề thi, tuy nhiên theo Thùy Trang, hội đồng thi THPT Nguyễn Thị Minh Khai – TP.HCM, việc đặt vấn đề ý nghĩa của việc đánh bắt hải sản xa bờ đối với an ninh quốc phòng đối với em là quá mới. Hầu hết các câu hỏi của đề bài Địa lý, Trang đều có thể đưa ra được dẫn chứng, số liệu cụ thể trong bài làm, nhưng với câu hỏi này thì Trang không nêu được. Khi được hỏi về những diễn biến mới tại Biển Đông thời gian gần đây, Trang cũng cho biết em hoàn toàn không được cập nhật.
Giao Thị Cẩm Linh, học sinh lớp 12C1, trường THPT Hồng Ngự 3, tỉnh Đồng Tháp sau khi kết thúc bài thi môn Địa lý cũng cho biết em gặp khó khăn với câu hỏi trên khi làm lạc đề. Theo Linh, các bạn của em làm được câu hỏi này chủ yếu cũng là trình bày các ý đã được nêu ra trong đề cương ôn tập chứ không có dẫn chứng.
Cẩm Linh cho biết, trước khi đi thi em đã được các thầy cô lưu ý cần học kỹ về các bài có liên quan đến biển đảo, tuy nhiên, em không được thầy cô cung cấp những thông tin mới về tình hình biển đảo hiện nay. Thầy cô của Linh chỉ lưu ý học những kiến thức trong đề cương ôn tập và lúc vào thi thì triển khai đúng như những gì đề cương ôn tập đã ghi, nghĩa là chỉ trình bày từng ý gạch đầu dòng, không có dẫn chứng cụ thể.
Hương Thi
Theo Infonet