Ngày 24/1, Bộ GD&ĐT công bố bộ đề tham khảo các môn thi THPT quốc gia. Đây là đề tham khảo duy nhất được công bố trong năm nay. Một số giáo viên của Hệ thống học trực tuyến Hoc24h.vn nhận định không nhiều thí sinh đạt được điểm cao với đề thi này.
Đề Toán: Học sinh dễ mắc bẫy
Giáo viên Nguyễn Tiến Đạt nhận xét nếu so độ khó của đề tham khảo với đề thi THPT quốc gia năm 2017, đề tham khảo năm nay khó hơn rất nhiều. Cụ thể, đề thi có độ khó tăng lên, kiến thức bao phủ chương trình lớp 11 và lớp 12, có câu kết hợp cả kiến thức 11 và 12 (câu 42).
Học sinh có thể dễ dàng đạt 6 điểm (từ câu 1 đến câu 30) thuộc phần kiến thức cực cơ bản. Mức 6-8 điểm (câu 31-40) đòi hỏi kỹ năng xử lý biến đổi bài tập tốt.
Để đạt được mức 8-10 điểm, học sinh phải giải được câu hỏi đan xen giữa kiến thức cơ bản, vận dụng, vận dụng cao, hiểu rõ bản chất vấn đề.
Giáo viên Nguyễn Tiến Đạt. Ảnh: NVCC. |
Đề thi sử dụng kiến thức lớp 11 phù hợp, rơi vào phần dãy số và lượng giác, xác suất. Nếu không phân tích kỹ, các em có thể mắc bẫy.
Nhìn chung, đề thi đáp ứng được yêu cầu thi THPT quốc gia, vừa dùng để xét tốt nghiệp, và có tính phân loại cao để làm căn cứ xét tuyển vào các trường đại học.
Tuy nhiên, đây chỉ là đề tham khảo. Các em vẫn cần học hết kiến thức lớp 11, tránh học tủ (mặc dù một vài chương lớp 11 không xuất hiện trong đề thi). Nhiều khả năng đề thi thật có đủ câu thuộc toàn bộ 6 chương lớp 11.
Kiến thức lớp 12 trong đề thì bao quát rộng. Nội dung trong đề cũng không ra vào phần giảm tải. Kiến thức bám sát theo sách cơ bản.
Đề thi Hóa học: 60% lý thuyết
Theo giáo viên Lê Phạm Thành, đề thi minh họa thể hiện đúng quan điểm mà Bộ GD&ĐT đã công bố trước đây, chủ yếu nằm trong chương trình Hóa 12 (khoảng 32 câu, chiếm 80%), có lồng ghép một phần kiến thức lớp 11 (khoảng 8 câu, chiếm 20%).
Lượng câu hỏi lý thuyết (60%) và bài tập (40%) khá hợp lý và nhìn chung không thay đổi so với đề thi năm ngoái.
Nhìn chung, đề thi có độ khó cao hơn hẳn năm 2017. Trong đó, 18 câu đầu khá đơn giản, nhưng 22 câu sau có độ khó tăng dần. Đặc biệt, 8 câu cuối phân loại cao, tính toán phức tạp.
Các dạng câu hỏi phân loại chủ yếu rơi vào:
Lý thuyết: Các câu hỏi đếm (đếm mệnh đề, đếm chất, đếm số thí nghiệm).
Bài tập hữu cơ: Hỗn hợp hữu cơ phức tạp; este phức tạp; peptit; bài toán đốt cháy; biện luận cấu tạo…
Bài tập vô cơ: Điện phân; bài toán hỗn hợp vô cơ phức tạp tác dụng với dung dịch H+, NO3-; bài toán có AgNO3…
Chỉ có một nhược điểm nhỏ là đề thi hơi nặng về tính toán. Trong bối cảnh đề thi 2017 phân hóa chưa tốt, giải pháp này có thể chấp nhận được trong hoàn cảnh hiện tại.
Qua đề minh họa có thể thấy, học sinh muốn đạt 5-6 điểm cần học chắc kiến thức trong SGK cơ bản và tập trung làm tốt các câu hỏi lý thuyết.
Với mục tiêu 7-8 điểm, các em cần bổ sung kỹ năng giải một số dạng toán hóa cơ bản trong đề thi (ứng với 32 câu đầu tiên).
Muốn đạt điểm 9-10 điểm, các em cần nắm vững các phương pháp và kỹ thuật giải toán quan trọng (quy đổi, xử lý bài toán đốt cháy, kỹ năng biện luận, đồng đẳng hóa…), cũng như vận dụng linh hoạt các kiến thức hóa học trong giải quyết tình huống.
Đề Vật lý có cả kiến thức lớp 11
Giáo viên Lê Thái Ngọ cho rằng khác những năm trước, đề minh họa có 7 câu liên quan kiến thức lớp 11, chiếm 1,75 điểm, chỉ ra ở mức nhận biết, thông hiểu và một câu vận dụng thuộc phần quang hình, không có câu nằm trong phần vận dụng cao.
Thầy Lê Thái Ngọ. Ảnh: NVCC. |
Đề thi không có câu nào giao thoa kiến thức lớp 11 và 12, chủ yếu kiến thức lớp 12 (8,25 điểm). Trong đó, kiến thức thuộc các phần điện xoay chiều, dao động cơ và sóng cơ.
Các câu hỏi vận dụng cao chỉ nằm trong 3 chương đầu Vật lý lớp 12, không có trong lớp 11.
Đề thi có tính phân loại cao, đòi hỏi học sinh phải học rộng cả chương trình 11 và 12 mới có thể đạt điểm tốt.
Học sinh muốn đạt điểm cao đề thi này cần phải học tốt phần cực trị, đồ thị (trong đề có 2 câu đồ thị).