Thầy Đỗ Đức Anh nhận xét về tổng thể, đề thi năm nay không có sự thay đổi so với năm ngoái. Nhiều học sinh, phụ huynh và xã hội kỳ vọng một đề thi mới mẻ hơn, yêu cầu học sinh thể hiện quan điểm “có đồng tình hay không” thay vì hỏi các biện pháp tu từ. Đề thi hiện tại khá an toàn cho thí sinh trên cả nước, ở thành thị cũng như vùng sâu, xa.
Giáo viên này cho hay câu đọc hiểu lựa chọn bản thơ, có câu hỏi tương đồng năm 2018 về thể thơ, hiệu quả của biện pháp tu từ. Tuy nhiên, cách hỏi của câu thứ 2, 3 đôi khi khiến học sinh mơ hồ.
“Nhiều học sinh nói với tôi, các em gặp khó khăn trong câu đọc hiểu, khi đọc mà không hiểu gì”, thầy Đức Anh nói.
Đề thi Ngữ văn THPT quốc gia 2019. Ảnh: Nguyễn Sương. |
Theo giáo viên, phần nghị luận xã hội yêu cầu học sinh viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) về sức mạnh của ý chí con người trong cuộc sống. Đây là vấn đề khá cũ, vì từ lớp 6, 7 học văn nghị luận, các em đã được làm. Thầy Đức Anh cho rằng học sinh có thể hoàn thành tốt câu này nếu như các bạn biết cách làm thành đoạn văn, chứ không viết theo dạng bài văn thu nhỏ.
Câu nghị luận văn học khiến học sinh lo lắng nhất. Đề thi hơi khác biệt so với năm 2018 và đề thi minh họa năm 2019. Cụ thể, năm 2018, đề thi có cả hai lớp 11 và 12. Đề thi trước đó cho học sinh so sánh hai chi tiết để đối chiếu nhưng ở đây chỉ chọn một hình tượng duy nhất là sông Hương ở thượng nguồn.
“Nhận xét về cách nhìn mang tính khác biệt của dòng sông” nhằm phân loại học sinh khá, giỏi. Cách chọn thể loại bút ký cũng gây khó khăn cho học sinh hơn thể loại thơ hay văn xuôi.
Thí sinh trao đổi sau giờ thi môn Ngữ văn. Ảnh: Việt Hùng. |
Cô Đặng Thị Huy Lam, giáo viên Ngữ văn trường THPT Nguyễn Hữu Huân, quận Thủ Đức, TP.HCM, nhận định đề thi THPT chưa hay.
Cụ thể, cả phần đọc hiểu và làm văn đều thuộc dạng câu hỏi với những vấn đề quen thuộc, truyền thống, chưa kích thích được nhiều hứng thú, sáng tạo với học sinh, nhất là học sinh khá, giỏi thi khối C, D.
Câu nghị luận xã hội yêu cầu học sinh viết về hành trình chinh phục, khát vọng cần có ý chí và nghị lực, sự kiên cường gây hứng thú nhất. Tuy nhiên, đề thi này chưa phát huy được tư duy phản biện của học sinh trước các vấn đề và hiện tượng có tính thời sự.