Kết thúc 150 phút làm bài sáng 14/7, Phạm Quỳnh Anh và Võ Trần Thụy Kha, học sinh trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, TP.HCM, bàn luận sôi nổi về nội dung đề chuyên Văn trong lúc ra về.
Theo Quỳnh Anh, so với năm ngoái, đề thi môn Ngữ văn chuyên năm nay nhẹ nhàng hơn. Trong đó, câu 2 nghị luận văn học, dù mang tính lý luận, không quá nặng nề.
Nếu không có kiến thức lý luận văn học, thí sinh vẫn có thể diễn giải suy nghĩ, nhận định của mình, bởi đây là vấn đề khá gần gũi.
Đề thi vào lớp chuyên Văn của trường Phổ thông Năng khiếu (ĐH Quốc gia TP.HCM). Ảnh: Minh Nhật. |
Thụy Kha cho rằng câu 1 của đề khá hay. Dữ liệu là câu thơ, ngôn từ cô đọng, đòi hỏi thí sinh phải cắt nghĩa từ ngữ để hiểu yêu cầu, vì đề không đưa ra vấn đề cụ thể. Để làm tốt câu 1, thí sinh phải có vốn sống phong phú.
Trong 2 câu của đề, Lê Hồng Thanh Vy, học sinh trường THCS Đống Đa, đánh giá câu 2 dễ làm hơn. Vy chọn nhân vật Phương Định trong tác phẩm Những ngôi sao xa xôi, anh thanh niên trong Lặng lẽ Sa Pa và ông Hai trong tác phẩm Làng để phân tích.
Năm nay, trường Phổ thông Năng khiếu (ĐH Quốc gia TP.HCM) chỉ tuyển một lớp chuyên Văn với 35 em.
Điểm xét tuyển vào các lớp chuyên tại mỗi cơ sở là tổng điểm các bài thi không chuyên và điểm bài thi chuyên tương ứng lớp chuyên (đã nhân hệ số).
Điểm xét tuyển vào lớp không chuyên là tổng số điểm bài thi không chuyên (không nhân hệ số).
Thí sinh trúng tuyển phải tham gia đủ các bài thi, trong đó có ít nhất một bài thi chuyên, không vi phạm quy chế thi, không có bài thi nào dưới 2 điểm và đạt chuẩn do hội đồng tuyển sinh quyết định.
Thầy Võ Kim Bảo, giáo viên Ngữ văn, trường THCS Nguyễn Du (TP.HCM), cho rằng câu 1 của đề đưa ra vấn đề nghị luận rất hay và sâu sắc.
Việc sử dụng nội dung, ý nghĩa câu thơ của Nguyễn Trọng Tạo cho học sinh nghị luận, theo thầy Bảo, là vừa sức các em lớp 9. Tuy nhiên, học sinh phải có những trải nghiệm cuộc sống, để nhìn nhận được vấn đề nghị luận và đưa trải nghiệm đó vào bài làm.
Thầy Bảo đánh giá câu 2 khó, yêu cầu cao hơn so với đề thi học sinh giỏi của TP.HCM vừa qua.
“Đề ngắn nhưng lại đưa ra khá nhiều vấn đề, đòi hỏi học trò có kiến thức lý luận văn học một cách hệ thống. Các em cũng cần nhận diện yêu cầu của đề nằm ở mảng nào trong kiến thức lý luận văn học, sau đó tổng hợp để đưa ra lý giải. Cái khó thứ hai là thí sinh phải biết chọn dẫn chứng, hệ thống nhân vật văn học phù hợp yêu cầu của đề”, giáo viên trường THCS Nguyễn Du nhận định.