Sáng 7/7, thí sinh trên cả nước đã hoàn thành bài thi môn Ngữ văn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022. Kết thúc thời gian làm bài, nhiều thí sinh đánh giá đề thi vừa sức.
Trong khi đó, các thầy cô nhận định đề thi năm nay có độ phân hóa hơn so với năm trước đó, thí sinh khó đạt điểm cao ở môn thi này.
Đề thi môn Ngữ văn kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022. |
Đề thi không đổi mới, thiếu sáng tạo
Chia sẻ với Zing, thạc sĩ Hồ Tấn Nguyên Minh, tổ trưởng tổ Ngữ văn trường THPT chuyên Lương Văn Chánh (Phú Yên), nhận định cấu trúc đề thi tốt nghiệp THPT môn Ngữ văn năm 2022 quen thuộc với 2 phần là đọc hiểu và làm văn (gồm câu nghị luận xã hội và câu nghị luận văn học). Đây là cấu trúc ổn định trong những năm gần đây.
Phần đọc hiểu cung cấp ngữ liệu là một đoạn thơ trong Con đường của những vì sao của tác giả Nguyễn Trọng Tạo với 4 câu hỏi nhỏ. Thầy Minh đánh giá hai câu đầu tiên trong phần đọc hiểu có mức độ nhận biết, thí sinh sẽ thấy ngay câu trả lời khi làm bài. Câu 3 (mức độ thông hiểu) tương đối nhẹ nhàng; câu 4 (mức độ vận dụng) đòi hỏi học sinh phải suy ngẫm và có óc khái quát mới làm được.
Đồng quan điểm, thầy Trịnh Đình Chung, giáo viên môn Ngữ Văn, THPT chuyên Quang Trung (Bình Phước), đánh giá hai câu đầu ở phần đọc hiểu có mức độ dễ và phù hợp với năng lực của học sinh bậc THCS hơn. Đây là hai câu hỏi để thí sinh lấy điểm, chống liệt.
"Theo tôi, 4 câu hỏi ở phần đọc hiểu đã bao phủ được cả nội dung và hình thức nghệ thuật của đoạn trích. Tuy nhiên, các câu hỏi còn rời rạc, vụn vặt, chưa cho người đọc cái nhìn toàn cảnh, hệ thống về nội dung, ý nghĩa, đặc sắc nghệ thuật của đoạn trích đó", thầy Chung nói.
Ở phần làm văn, câu nghị luận xã hội yêu cầu viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về "trách nhiệm của thế hệ trẻ trong việc tiếp bước các thế hệ đi trước". Thạc sĩ Hồ Tấn Nguyên Minh đánh giá đây là một vấn đề cũ, quen thuộc với học sinh.
Cả hai giáo viên đều đánh giá đề thi có độ phân hóa cao ở câu hỏi nghị luận văn học, yêu cầu trình bày cảm nhận về một đoạn văn trong Chiếc thuyền ngoài xa của tác giả Nguyễn Minh Châu, đồng thời liên hệ giữa hình ảnh chiếc thuyền trong đoạn trích với hình ảnh chiếc thuyền trong một đoạn khác.
"Trong hai yêu cầu của câu này, yêu cầu thứ nhất ở mức độ cơ bản, yêu cầu thứ hai ở mức độ cao hơn để phân hóa học sinh. Sự liên hệ giữa hai ý này linh hoạt và có hiệu quả hơn so với đề thi năm trước. Đây là một tác phẩm được học trong chương trình, các em đã được ôn tập kỹ nên khá nhẹ nhàng", ông Minh nói.
Đánh giá chung, thạc sĩ Hồ Tấn Nguyên Minh cho rằng đề thi năm nay tốt hơn năm trước, nhưng vẫn đi theo lối mòn quen thuộc như các năm, chưa thể hiện được sự đổi mới, sáng tạo.
"Tôi nghĩ đề thi này vẫn quen thuộc, chỉ khác một chút ở câu nghị luận văn học là liên hệ, so sánh, đối chiếu. Nó trở lại với dạng đề thi năm 2018, 2019. Phần so sánh, liên hệ, thí sinh nắm chắc kiến thức sẽ phát huy được khả năng. Đề không có gì sáng tạo hay đột phá vì những phần này đều là các kiến thức thầy, cô đã dạy", thầy Chung nói.
Đánh giá chung về đề thi, thạc sĩ Nguyễn Phú Hải, giáo viên THCS & THPT Lương Thế Vinh, nhận định đề thi môn Ngữ văn tốt nghiệp THPT 2022 là đề thi cơ bản, vừa sức với học sinh, không đánh đố hay đòi hỏi những kiến thức cao siêu.
Đề đảm bảo đúng cấu trúc đề tham khảo do Bộ GD&ĐT công bố, đáp ứng đủ yêu cầu về nhận biết, vận dụng thấp, vận dụng cao. Đề thi có tính phân hóa, phát huy được sự sáng tạo của học sinh, đặc biệt là ở câu nghị luận văn học.
Theo thầy Hải, thông thường, học sinh ít có ý thức nhìn nhận, hiểu về một hình ảnh trong tổng thể văn bản. Đề thi năm nay yêu cầu thí sinh phân tích hình ảnh chiếc thuyền ngoài xa đầu văn bản, đồng thời liên hệ với hình ảnh chiếc thuyền ở cuối văn bản để rút ra thông điệp sâu sắc về mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc sống.
"Đề thi mang tính thời sự, gần gũi với những câu chuyện khó khăn trong thời kỳ dịch bệnh, từ đó thức tỉnh, giúp chúng ta trân quý sự sống và những năm tháng thanh xuân của cuộc đời", thầy Phú Hải đánh giá.
Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 ở TP.HCM. Ảnh: Duy Hiệu. |
Thí sinh khó đạt điểm cao
Đối với đề thi môn Ngữ văn, thạc sĩ Nguyễn Phú Hải dự đoán phổ điểm môn Ngữ văn sẽ dao động trong khoảng 5-7 điểm. Thí sinh có thể làm được bài nếu chú ý những kiến thức cơ bản đã được học trên lớp.
Đi vào chi tiết hơn, thầy Trịnh Đình Chung nhận định đa phần thí sinh sẽ làm được 2,5 điểm trở lên ở phần đọc hiểu; và đạt từ 1,5 đến 1,75 điểm ở câu nghị luận xã hội.
Riêng câu hỏi nghị luận văn học, thí sinh xét tuyển đại học tổ hợp C00 (Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý) và D00 (Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh) có khả năng đạt từ 4 điểm trở lên. Những thí sinh dự thi khối tự nhiên có thể đạt từ 3,5 điểm trở lại. Mức điểm chủ đạo ở câu hỏi này dao động từ 2,5 đến 3 điểm. Thí sinh khó đạt được điểm 9 trở lên đối với đề thi này.
Lý giải nguyên nhân thí sinh khó đạt điểm cao, thầy Chung cho biết đề thi có sự khác biệt với đề minh họa của Bộ GD&ĐT ở câu nghị luận văn học. Với đề minh họa, câu nghị luận văn học là phân tích đoạn trích sau đó nhận xét tư tưởng hoặc đặc sắc nghệ thuật, nhưng đề chính thức lại yêu cầu liên hệ với hình ảnh mang tính so sánh.
"Mấy năm nay, toàn quốc ôn thi theo hướng đề minh họa của Bộ GD&ĐT, chắc chắn, nhiều trường sẽ không ôn theo hình thức so sánh này vì hơi khó. Tôi nghĩ câu hỏi này sẽ phân hóa học sinh, thí sinh khó đạt điểm cao, đồng thời, đây cũng là chỗ bộc lộ sự không nhất quán giữa đề thi chính thức và đề minh họa", thầy Chung nói.
Ngoài câu hỏi nghị luận văn học gây khó cho thí sinh, thầy Chung cho biết câu hỏi 4 ở phần đọc hiểu cũng sẽ khiến thí sinh khó đạt điểm cao. Đối với câu hỏi này, thí sinh sẽ đa chiều trong cách làm, tuy nhiên, các em thường quên mất vế tác giả suy nghĩ về sự hy sinh trong đoạn thơ như thế nào, từ đó mới nhận xét được. Thông thường, các em sẽ nhận xét luôn và không phân tích những suy ngẫm của tác giả.
"Nhìn chung, đề thi Ngữ văn năm nay bám sát kiến thức của học kỳ 2, phù hợp với học sinh. Điều này cũng không nằm ngoài dự đoán của các trường, học sinh và giáo viên. Vì năm trước, học kỳ 2, học sinh chủ yếu học online, kiến thức của đề thi rơi vào học kỳ 1, năm nay thì ngược lại", thầy Chung nói.
Năm 2022, kỳ thi tốt nghiệp THPT được giữ ổn định về phương thức như năm 2021. Thời gian tổ chức kỳ thi là từ ngày 7 đến 9/7.
Theo thống kê chính thức của Bộ GD&ĐT, tổng số thí sinh đăng ký dự thi là 1.002.432 người. Trong đó, số thí sinh đăng ký trực tuyến là 933.510 (chiếm 93,12%); số thí sinh đăng ký trực tiếp là 68.922 (chiếm 6,88%).
Đây là năm đầu tiên Bộ GD&ĐT triển khai thực hiện đăng ký dự thi trực tuyến. Theo đó, thí sinh đang học lớp 12 năm học 2021-2022 thực hiện đăng ký dự thi trực tuyến trên hệ thống Quản lý thi; thí sinh tự do thực hiện đăng ký dự thi trực tiếp tại đơn vị đăng ký dự thi do Sở GD&ĐT quy định.