Trong ngày 30/11 và 1/12, hàng nghìn người xếp hàng tại trung tâm IIG TP.HCM (quận 3) để đăng ký dự thi chứng chỉ TOEIC vì lo ngại từ ngày 15/2/2019 cấu trúc đề thi mới sẽ khó hơn. Số người xếp hàng đông đến nỗi nhiều bạn trẻ phải đến đây từ 0h để giữ chỗ.
Nhiều giáo viên, học viên, sinh viên tại TP.HCM xác nhận họ chưa từng thấy cảnh tượng chen chúc đăng ký thi chứng chỉ tiếng Anh như hai ngày 30/11 và 1/12.
Phải thi vì lỡ ôn tập theo cấu trúc đề cũ
Là một trong những người xếp hàng đăng ký đầu tiên trong ngày 30/11, Nguyễn Hoàng Thương, sinh viên ĐH Tôn Đức Thắng, cho biết bạn phải cố gắng đăng ký thi TOEIC trước thời điểm đổi cấu trúc đề thi vì sợ ảnh hưởng điểm số.
"Mình ôn thi TOEIC 6 tháng, giờ đổi cấu trúc, phần nghe với đọc hiểu có thể khó hơn nữa. Mình sợ không đủ điểm, ôn thi thì mất thời gian nên cố gắng làm luôn cho xong", Thương chia sẻ.
Nhiều bạn trẻ tranh thủ dự thi trước ngày 15/2/2019 vì lo ngại đề thi mới khó hơn, mất thời gian ôn tập. Ảnh: Mỹ Linh. |
Theo thầy Nguyễn Đức, giáo viên luyện thi TOEIC tại TP.HCM, nhiều học trò của thầy cũng cố gắng đăng ký thi trước thời gian đề thi có sự thay đổi. Nhiều sinh viên lo lắng dạng đề mới có nhiều câu hỏi lạ, ảnh hưởng điểm số, mất thêm thời gian ôn thi.
"Là giáo viên dạy tiếng Anh ở TP.HCM, tôi chưa từng thấy cảnh đăng ký thi TOEIC đông như thế. Mùa cao điểm thi để có chứng chỉ xét tốt nghiệp ở các trường đại học cũng chỉ ngồi chờ tầm 60 phút là được", thầy Đức cho biết.
Bài thi TOEIC mới đảm bảo giữ nguyên độ khó
Trao đổi với Zing.vn sáng 3/12, ông Đoàn Hồng Nam, Chủ tịch Tổ chức giáo dục IIG Việt Nam, cho hay theo lộ trình do Tổ chức giáo dục IIG Việt Nam - đại diện chính thức và duy nhất của Viện Khảo thí Giáo dục Hoa Kỳ (ETS) tại Việt Nam, Lào, Campuchia và Myanmar, ngày 15/2/2019, bài thi TOEIC quốc tế sẽ được triển khai với cấu trúc cập nhật tại Việt Nam.
Hình ảnh vào lúc 4h sáng ngày 30/11, nhiều bạn trẻ xếp hàng bên ngoài trung tâm IIG TP.HCM chờ lấy số thứ tự đăng ký dự thi. Ảnh: Miss Thanh. |
“TOEIC là bài thi đánh giá năng lực sử dụng tiếng Anh trong môi trường làm việc toàn cầu với ngữ cảnh thực tế. Dạng thức của bài thi TOEIC sẽ được thay đổi với nội dung cập nhật và phù hợp hơn với xu thế giao tiếp hiện đại. Mặc dù có một số thay đổi trong dạng thức các câu hỏi, bài thi TOEIC đảm bảo giữ nguyên độ khó", ông Nam nói.
Theo đó, ETS không thay đổi cách đánh giá và tính điểm của bài thi. Thí sinh chỉ cần trang bị kiến thức và kỹ năng ngôn ngữ đầy đủ là có thể chinh phục thành công bài thi TOEIC cập nhật mà không phải hoang mang về độ khó của bài thi. Bài thi TOEIC đánh giá năng lực sử dụng tiếng Anh của thí sinh nên việc cập nhật dạng thức không ảnh hưởng nhiều tới kết quả bài thi của thí sinh.
Ông Nam khuyên thí sinh không nên vội vàng thi trước 15/2/2019 mà chuẩn bị kỹ càng, trang bị đầy đủ kiến thức, rèn luyện kỹ năng sử dụng tiếng Anh vừa chắc chắn đạt điểm cao, vừa không phải vất vả đăng ký thi vào thời điểm này.
Thông tin thêm về vấn đề này, tổ chức IIG Việt Nam cho biết sẽ mở lịch thi Open Test (lịch thi mở rộng, tập trung được số lượng lớn thí sinh tham gia) trong tháng 12 này đến đầu tháng 2/2019 để đáp ứng nhu cầu của các tổ chức, cá nhân mong muốn dự thi.
IIG Việt Nam sẽ tạo điều kiện để thí sinh hoàn thiện một số thủ tục trước khi đến văn phòng IIG đăng ký trực tiếp, nhằm giúp thí sinh chủ động sắp xếp thời gian hợp lý hơn cũng như giảm khâu thủ tục tại quầy.
Không nên thi nếu chưa thực sự sẵn sàng
Thầy Nguyễn Đức khuyên thí sinh hãy ôn tập và thi theo cấu trúc mới của đề TOEIC nếu chưa thật sự cần gấp chứng chỉ này. Ông nhận định cấu trúc đề mới có thể khó hơn, nhưng không đáng kể.
"Nếu bây giờ đăng ký, các bạn chỉ có khoảng 1,5 tháng để ôn tập. Với kinh nghiệm gần 6 năm giảng dạy, tôi cho rằng nếu học tốt, có nền tảng sẵn, các bạn có thể đạt kết quả tốt. Ngược lại, nếu vẫn còn mông lung, nghe chưa tốt, từ vựng chưa chắc, chưa từng luyện tập kỹ năng làm bài, với 1,5 tháng ôn tập, kết quả chắc chắn không tốt được", thầy Đức khuyên.
Thầy Đức khuyên thí sinh không nên lo sợ mà vội vàng đăng ký dự thi nếu hoàn cảnh không bắt buộc. Ảnh: Nguyễn Đức. |
Giáo viên này nhận định so với đề thi hiện tại, đề mới sẽ có khoảng 10 câu nghe và 10 câu đọc khó hơn. Các câu còn lại không khác biệt so với cấu trúc đề cũ. Các câu khó là dạng câu hỏi mới, chỉ cần có thời gian luyện tập để làm quen, kết quả sẽ không ảnh hưởng nhiều.
Thầy Nguyễn Hoài Nam, giáo viên dạy TOEIC ở Hà Nội, cho biết đề thi theo cấu trúc mới sẽ làm khó những bạn “mất gốc” hoặc cố gắng lấy điểm theo kiểu học mẹo hay học kiểu “chiến thuật”.
“Đạt được số điểm nhất định với đề thi cấu trúc mới sẽ khó hơn rõ rệt so với đề cũ. Những phần được cho là gỡ điểm ở dạng đề cũ sẽ được bớt đi và tăng thêm nhiều câu khó, đòi hỏi trình độ đọc, nghe hiểu rất nhiều”, thầy Nam nói.
Theo thông báo từ IIG Việt Nam, ở cấu trúc đề thi mới, phần 1 và 2 của bài nghe câu hỏi sẽ giảm đi còn 6 và 25 câu (hiện lần lượt là 10 và 30 câu).
Thầy Nam cho rằng phần nghe tranh và hỏi đáp sẽ giảm đi, ảnh hưởng rất nhiều đến cách tiếp cận và chiến thuật làm bài. Phần này được đánh giá giúp gỡ điểm cho những bạn yếu.
Bên cạnh đó, phần 3 là các bài hội thoại được tăng lên thêm 9 câu, và cũng khó hơn với sự xuất hiện của nhân vật thứ 3 (thay vì 2 như trước). Giọng đọc cũng sẽ có thêm từ một số nước khác.
“Điều dễ thấy nhất là TOEIC đang hướng đến một chứng chỉ tiếng Anh giao tiếp toàn diện, xóa bỏ tình trạng học mẹo, thi mẹo mà các trung tâm đang hướng học viên”, thầy Nam lý giải.
Ông nhận định những bạn có nền tảng tiếng Anh cơ bản hoặc với cấu trúc đề cũ đạt được mức 700 đến 800 điểm, sẽ mất một khoảng thời gian không quá dài để thích nghi cấu trúc mới.
Nhưng những bạn đang bắt đầu làm quen với tiếng Anh hoặc không có nền tảng cơ bản sẽ rất khó để bắt đầu ngay với đề thi mới này. Các bạn sẽ mất một khoảng thời gian dài hơn để củng cố, sau đó mới có thể nghĩ đến học TOEIC được.
IIG là trung tâm cấp chứng chỉ tiếng Anh quốc tế, có giá trị tại nhiều quốc gia trên thế giới với thời hạn 2 năm. Từ nhiều năm nay, bằng TOEIC do IIG cấp đã trở thành tiêu chí cuối cùng để các sinh viên tốt nghiệp ra trường. Tại Việt Nam, trung tâm IIG có 3 chi nhánh, ở Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM.