Ông Trinh nói đến thời điểm này, Bộ GD&ĐT hoàn thành nhiều việc chuẩn bị cho kỳ thi. Đề thi chính thức được chuyển giao về các địa phương để in sao theo kế hoạch.
Năm nay, Bộ GD&ĐT đã hoàn thiện các phần mềm phục vụ công tác tổ chức kỳ thi. Các phần mềm đã được nghiệm thu, kiểm thử, tập huấn và chuyển đến hội đồng thi ở địa phương.
Thí sinh dự thi THPT quốc gia. Ảnh: Việt Linh. |
- Thí sinh, phụ huynh đang quan tâm vấn đề đề độ khó của thi đợt 1 và đợt 2 thế nào, có đảm bảo công bằng cho thí sinh, thưa ông?
- Đề thi đợt 1 được tổ chức in sao ở các địa phương, đảm bảo hoàn thành để đến ngày 8/8 đề được chuyển đến các điểm thi ở xa.
Đề thi đợt 2 cũng do Bộ GD&ĐT ra với mức độ, yêu cầu tương đương với đề của đợt 1. Thí sinh dự thi đợt 2 hoàn toàn yên tâm, tập trung ôn thi thật tốt.
Đối với thí sinh dự thi đợt 2 có nguyện vọng sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển sinh, Bộ GD&ĐT chỉ đạo các cơ sở giáo dục đại học xem xét bố trí tỷ lệ chỉ tiêu và tuyển sinh phù hợp để đảm bảo quyền lợi cho thí sinh, trên tinh thần tự chủ đại học.
- Kỳ thi này giao cho các địa phương chịu trách nhiệm toàn diện. Vậy theo ông, các tỉnh, thành phố cần nâng cao vai trò, trách nhiệm ra sao để đảm bảo tính nghiêm túc an toàn dịch bệnh trong khi diễn ra?
- Thủ tướng Chính phủ đã giao UBND các tỉnh, thành phố chủ trì, chịu trách nhiệm toàn diện về tổ chức kỳ thi. Các tỉnh, thành phố cần chủ động nâng cao vai trò và chịu trách nhiệm cao nhất để đảm bảo an toàn cho học sinh, giáo viên và những người tham gia tổ chức thi.
Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 cấp tỉnh cần phối hợp với các sở, ban, ngành có thống kê, dự báo và đưa ra khuyến cáo cụ thể về các biện pháp phòng tránh dịch bệnh.
Mỗi người dân, học sinh, giáo viên và phụ huynh cần tự ý thức phòng tránh, bảo vệ mình trước nguy cơ dịch bệnh để góp phần thực hiện kỳ thi an toàn, nghiêm túc.
Kỳ thi năm nay đặc biệt, vì diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh. Thí sinh hãy bình tĩnh, ổn định tâm lý, sẵn sàng làm bài thi bình thường. Mọi công việc tổ chức kỳ thi không thay đổi.