Đề thi vào lớp 10 ở Sài Gòn sáng 2/6. |
Gợi ý lời giải
Thầy giáo Nguyễn Phi Hùng (Hệ thống Giáo dục Hocmai.vn) gợi ý lời giải bài thi môn Ngữ văn vào lớp 10 ở Sài Gòn.
CÂU 1 (3 ĐIỂM)
a. Những thành tích của Joseph Schooling và Jack Nicholson chứng tỏ họ vợt qua hẳn thần tượng:
- Joseph trong cuộc tranh tài nội dung bơi bướm tại Thế vận hội màu hè 2016, cậu ấy không những vượt qua thần tượng mà còn buộc thần tượng chấp nhận chịu thua, nhường lại chiếc huy chương vàng cho mình.
- Jack Nicholson đã vượt qua thần tượng Marlon Brando của mình trong diễn xuất khi giành tới 3 giải Oscar so với 2 giải của Marlon.
b. HS chọn một trong các phép liên kết sau:
- Phép nối: Quan hệ từ “nhưng”
- Phép lặp: “Cậu bé, thần tượng”
- Phép thế: “Michael phelps – thần tượng”, “Joseph Schooling - cậu bé”
c. Thông điệp chung: “Khi làm bất cứ việc gì, nếu có ý chí và đam mê, một ngày nào đó ta không chỉ thành công mà còn có thể vượt qua chính thần tượng của mình hôm nay”
d. Gợi ý:
* Hình thức:
+ Cần viết chuẩn cấu trúc của một đoạn văn: câu nêu chủ đề, các câu triển khai và câu kết luận.
+ Câu văn trong sáng, dễ hiểu, giữa các câu cần có sự liên kết, mạch lạc + không vượt quá giới hạn quy định: 4-6 dòng.
* Nội dung:
- Câu giới thiệu vấn đề: Cách thể hiện sự hâm mộ của các bạn trẻ ngày nay đối với thần tượng - các câu nhận xét, bàn luận cần có các ý:
+ Thể hiện tình cảm với thần tượng là một nét văn hóa chứ không phải việc làm xấu.
+ Nhưng hiện nay nhiều bạn trẻ đang thể hiện sự hâm mộ một cách thái quá, không phù hợp truyền thống văn hóa, với những nguyên tắc ứng xử văn minh dẫn đến những hành động không đẹp, đến sự lãng phí tiền bạc, thời gian, sa sút học tập và ảnh hưởng đến sức khỏe.
+ Người hâm mộ cần phải biết điều chỉnh, kiểm soát những hành vi ứng xử, thể hiện sự hâm mộ với thần tượng một cách phù hợp.
+ Mỗi người có thần tượng riêng nên cần cố gắng học hỏi theo thần tượng dể ngày càng phát triển và hoàn thiện nhân cách, cũng như tài năng của mình.
- Câu kết luận: Trân trọng, thần tượng cái đẹp nhưng không được thái quá.
CÂU 2 (3 ĐIỂM)
Mở bài. Dẫn dắt, nêu được vấn đề cần nghị luận: “Tuổi trẻ có cần sống khác biệt?”.
Thân bài:
a. Giải thích khái niệm
- “Tuổi trẻ” là những người trong độ tuổi thanh niên, tràn đầy sức sống, nhiệt huyết, ước mơ… Họ là chủ nhân tương lai của đất nước.
- “Khác biệt” nghĩa là khác nhau, có những nét riêng làm cho có thể phân biệt với nhau.
- Giải thích cả câu: Với hình thức câu hỏi, đề bài đặt ra vấn đề tầm quan trọng của việc nhận thức và cách thể hiện sự khác biệt của các bạn trẻ hiện nay.
b. Bình luận, chứng minh: Tuổi trẻ cần sống khác biệt:
+ Tuổi trẻ cần sống khác biệt bởi khi còn trẻ, chúng ta có những suy nghĩ độc lập, táo bạo, thể hiện được cá tính của bản thân.
+ Cần sống khác biệt bởi mỗi cá nhân là một màu sắc khác nhau, không ai giống ai. Tránh dập khuôn, một màu một cách sáo rỗng.
+ “Tuổi trẻ cần sống khác biệt” là một suy nghĩ đúng đắn, phù hợp với giới trẻ trong xã hội hiện nay.
c. Bình luận mở rộng:
- “Tuổi trẻ cần sống khác biệt” nhưng không vì thế mà cho phép bản thân được sống một cách tự do, vượt ngoài những quy chuẩn về đạo đức và thuần phong mĩ tục của xã hội.
- “Sống khác biệt” là sống đúng với những lí tưởng, quan niệm đúng đắn, đẹp đẽ và cao cả. “Khác biệt” không đồng nghĩa với “dị biệt”, “không phép tắc”.
d. Bài học nhận thức và hành động.
- Mỗi cá nhân, ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường cần thể hiện được cá tính, suy nghĩ và phong cách sống của bản thân.
- Sống khác biệt nhưng cũng cần có những điểm chung, hoà hợp với trường lớp, bạn bè.
- Cần biết cách làm nổi bật “cái riêng” trên nền “cái chung”.
Kết bài
CÂU 3 (4 ĐIỂM)
Đề 1. Nghị luận về đoạn thơ trong bài Đoàn thuyền đánh cá (Huy Cận).
b. Mở bài: Giới thiệu tác giả, bài thơ “Đoàn thuyền đánh cá” và giới thiệu khái quát nội dung hai khổ thơ phân tích.
b. Thân bài:
* Cảm nhận nội dung đoạn thơ:
- 4 câu thơ đầu: Cảnh ra khơi của đoàn thuyền đánh cá.
+ Bức tranh thiên nhiên trên biển đẹp huy hoàng, tráng lệ nhưng cũng hết sức thơ.
+ Tâm thế ra khơi tràn đầy sức sống, lạc quan, hăng say của những người lao động biển.
+ Đặc sắc nghệ thuật: So sánh (“mặt trời xuống biển - hòn lửa”), nhân hóa và liên tưởng độc đáo (“sóng biển - then cửa”, cánh cửa chính là màn đêm. Vũ trụ như ngôi nhà lớn đang chìm sâu vào giây phút nghỉ ngơi).
- 4 câu thơ sau: Cảnh những đoàn thuyền đánh cá quay về lúc rạng động.
+ Bức tranh thiên nhiên lúc rạng đông đầy sức sống, huy hoàng, tráng lệ.
+ Hình ảnh người lao động trong khí thế khẩn trương đầy hứng khởi khi quay về sau một đêm lao động hăng say hiệu quả.
+ Nghệ thuật tạo dựng kết cấu đầu cuối tương ứng (hình ảnh mặt trời, biển, đoàn thuyền và âm thanh tiếng hát căng buồm cùng gió khơi xuất hiện ở cả đoạn thơ đầu và đoạn thơ cuối), các hình ảnh thơ mới mẻ, độc đáo mang cảm hứng lãng mạn (đoàn thuyền chạy đua cùng mặt trời, mắt cá huy hoàng...).
Đánh giá chung: Đoạn thơ thể hiện sự đẹp giàu của biển quê hương và vẻ đẹp của những người lao động biển, tình yêu thiết tha của những người dân chài lưới với quê hương.
Liên hệ với tác phẩm khác: HS có thể liên hệ với tác phẩm Cô Tô của Nguyễn Tuân, bài thơ Quê hương của Tế Hanh.
Liên hệ thực tế cuộc sống: Vẻ đẹp giàu của biển đảo quê hương và vai trò, trách nhiệm của mỗi người để giữ gìn chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, giữ cho biển mãi xanh, sạch, đẹp.
Đề 2. Nghị luận về một ý kiến bàn về văn học: Đọc một tác phẩm - Đi muôn dặm đường.
Thí sinh có thể trình bày bài viết theo nhiều cách khác nhau song cần đảm bảo các yêu cầu sau:
1. Về hình thức:
- Bài văn đảm bảo cấu trúc ba phần (mở bài - thân bài - kết bài), thân bài được trình bày thành các đoạn văn.
- Bố cục mạch lạc, diễn đạt lưu loát, hệ thống luận điểm, luận cứ sáng rõ.
- Không mắc các lỗi chính tả, lỗi dùng từ, đặt câu, không mắc các lỗi về diễn đạt.
2. Về nội dung:
a. Mở bài: Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: Vai trò, ý nghĩa to lớn của việc đọc các tác phẩm văn học đối với mỗi người.
b. Thân bài:
- Giải thích lời nhận định:
+ Giải thích các khái niệm: Tác phẩm, đọc tác phẩm.
+ Giải thích hình thức so sánh giàu hình ảnh và cách nói tăng cấp (một tác phẩm - muôn dặm đường): Đọc một tác phẩm văn học như đi được muôn dặm đường, học thêm được nhiều điều bổ ích, trải nghiệm bao điều thú vị, quý giá.
+ Giải thích vấn đề cần nghị luận: Việc đọc tác phẩm văn học mang lại cho ta bao điều bổ ích: Tri thức, tình cảm, kinh nghiệm... Ta không phải bước chân khỏi nhà để “đi một ngày đàng” nhưng vẫn học được rất nhiều. Mỗi tác phẩm văn chương là một cuộc hành trình, là cả một thế giới mới mẻ, thú vị.
- Bàn luận, chứng minh vấn đề:
+ Tác phẩm văn chương mở ra cho ta chân trời kiến thức vô hạn về thế giới, về con người và về chính bản thân ta. Đọc một tác phẩm giúp ta hiểu cuộc đời, hiểu con người và hiểu rõ chính mình.
+ Tác phẩm văn học giúp ta vượt qua những giới hạn của bản thân (về không gian, về thời gian, về điều kiện vật chất) để được sống nhiều hơn, sống sâu sắc hơn, sống ý nghĩa hơn và sống đẹp hơn. Văn chương giúp ta hoàn thiện bản thân.
+ Đọc một tác phẩm văn học hay cũng cho ta niềm vui bất tận trong việc tìm hiểu và khám phá, như tham gia một chuyến hành trình, một cuộc phiêu lưu. Qua đó, ta có được những khoảnh khắc thư giãn, tìm được sự bình yên, phát triển trí tưởng tượng ...
(Học sinh lấy dẫn chứng từ các tác phẩm văn học đã học hoặc đã đọc để chứng minh cho các luận cứ trên).
- Bàn luận mở rộng:
+ Không phải mọi tác phẩm đều là những tác phẩm có giá trị cao về nghệ thuật, về nội dung. Trong thị trường sách văn học đa dạng hiện nay, phải biết chọn lựa những cuốn sách hay, phù hợp với lứa tuổi, mục đích, sở thích ... của mình.
+ Đọc sách nói chung, đọc sách văn học nói riêng, luôn là một việc làm thú vị nhưng cũng không dễ dàng. Vậy ta phải kiên nhẫn và có phương pháp đọc phù hợp để khám phá cái hay cái đẹp của tác phẩm văn chương.
+ Đọc sách phải gắn với thực tế, áp dụng vào thực tế cuộc sống.
c. Kết bài
'Đề thi có nhiều câu hỏi hay'
Lan Anh (THCS Trần Văn Ơn) phấn khởi nói: "Đề Ngữ văn khá sát với những gì em ôn tập trước đó. Em làm hết đề thi và viết cũng khá tốt".
Câu 1 của đề thi dạng câu hỏi đọc hiểu, yêu cầu thí sinh đọc 2 đoạn văn bản cho trước và thực hiện những yêu cầu của đề. Câu nghị luận xã hội, với đề bài "Tuổi trẻ có cần sống khác biệt?", được nhận xét là khơi gợi được cảm hứng của thí sinh, thể hiện được góc nhìn riêng của mỗi em.
Câu 3, thí sinh được chọn làm một trong hai đề. Tại điểm thi THPT Trưng Vương, đa số thí sinh chọn làm đề 1.
Thầy giáo Nguyễn Phi Hùng nhận xét cấu trúc đề thi môn Ngữ văn tuyển sinh vào lớp 10 của TP.HCM năm nay khá quen thuộc. Đề gồm 3 câu hỏi: Đọc hiểu văn bản (3 điểm), nghị luận xã hội (3 điểm), nghị luận văn học (4 điểm).
Đề thi năm nay có nhiều điểm mới, cả hình thức câu hỏi lẫn nội dung kiến thức, kỹ năng được hỏi. Câu 1 (đọc hiểu văn bản) đề cập cách ứng xử của các bạn trẻ với thần tượng của mình. Điểm mới là đề thi yêu cầu học sinh đọc hiểu hai văn bản (chứ không phải một văn bản như các đề năm trước). Mỗi văn bản, bên cạnh chữ, còn có các bức ảnh nhân vật thực tế để tăng tính trực quan, sinh động và tạo cảm hứng làm bài cho thí sinh.
Cũng theo thầy Hùng, câu 2 (nghị luận xã hội) đặt vấn đề "Tuổi trẻ có cần sống khác biệt?". Vấn đề nghị luận vừa gần gũi với giới trẻ, đồng thời cũng sâu sắc, có ý nghĩa trong việc định hình suy nghĩ, lối sống của các bạn tuổi teen. Nhiều học sinh sẽ rất tâm đắc với chủ đề này. Cách nêu vấn đề dưới dạng câu hỏi tạo độ mở cho phép thí sinh được tự do tỏ bày quan điểm cá nhân.
Bên cạnh đó, đề thi còn có thêm hình minh hoạ để khơi gợi những suy nghĩ, hướng triển khai bài làm cho học sinh.
Lịch thi các môn tuyển sinh vào 10 ở Sài Gòn. Đồ họa: Phượng Nguyễn. |
Câu 3 (nghị luận văn học) năm nay cho phép thí sinh chọn một trong hai đề. Đề 1 là dạng bài nghị luận về một đoạn thơ trong bài Đoàn thuyền đánh cá của Huy Cận, qua đó, khẳng định tình yêu thiết tha của mỗi người Việt Nam với biển quê hương và nhắc nhớ ta về trách nhiệm với chủ quyền biển đảo Tổ quốc. Đây là dạng đề quen thuộc, dành cho những bạn muốn chọn "giải pháp an toàn".
Đề 2 mang tính lý luận, đề cập bản chất của quá trình tiếp nhận (đọc) tác phẩm văn chương và ý nghĩa của văn học với cuộc sống. Muốn làm tốt đề này, thí sinh phải có phông kiến thức rộng, chắc về các tác phẩm văn học, nắm chắc kỹ năng trình bày bài văn nghị luận về một vấn đề văn học, đồng thời nêu được những rung cảm sâu xa trong quá trình tiếp nhận, khám phá vẻ đẹp của tác phẩm. Có như vậy, bài viết mới đảm bảo sự phong phú về nội dung, chặt chẽ trong lập luận và có cảm xúc.
"Đánh giá chung, đề thi thể hiện những nỗ lực làm mới để gần gũi hơn với cuộc sống, khơi gợi cảm hứng làm bài của học sinh. Các bạn ôn tập kỹ càng và có kiến thức chắc chắn sẽ có thể đạt điểm 7 với đề thi này", nam giáo viên nhận xét.