Dạy tiếng Việt cho con em thực sự là bài toán rất khó với nhiều gia đình Việt kiều, nhất là ở những cộng đồng ít người Việt Nam như ở Ai Cập. Nhưng không vì vậy mà các cháu không biết tiếng Việt. Dù không có trường lớp dạy tiếng Việt, nhưng nhiều chị em Việt kiều ở Ai Cập đã thành công trong việc dạy con em tiếng Việt để ngôn ngữ, bản sắc văn hóa đất mẹ không bị lãng quên.
Hai con nhỏ của chị Tạ Thị Quỳnh Vân, chồng quốc tịch Pháp có thể nghe hiểu và nói tiếng Việt, thậm chí các cháu còn thuộc nhiều bài hát tiếng Việt. Không chỉ hiểu những lời mẹ nói mà các cháu còn có thể nói, đọc và viết được tiếng Việt, tiếng Pháp và cả tiếng Anh.
Chị Tạ Thị Quỳnh Vân muốn các con giữ mối quan hệ với gia đình ở Việt Nam. |
Chị Tạ Thị Quỳnh Vân chia sẻtiếng Việt là bản sắc của dân tộc Việt Nam, chị muốn các con của mình biết tiếng Việt để có thể giữ được truyền thống và các mối quan hệ với gia đình ở Việt Nam và để làm được điều này phải có sự kiên trì.
Chị chia sẻ: “Như cháu nhỏ nhà tôi năm nay 4 tuổi, khi cháu còn nhỏ tôi đã dạy cháu tiếng Việt. Cháu có hỏi là tại sao mẹ bắt con nói tiếng Việt trong khi mọi người xung quanh nói tiếng Anh và tiếng Pháp.
Tôi giải thích cho con rằng, ông bà ngoại, anh chị ở Việt Nam đều nói tiếng Việt nếu con không biết tiếng Việt thì về Việt Nam con không thể nói chuyện được. Như thế mọi người sẽ buồn và nếu con không muốn mẹ buồn con cần học tiếng Việt bởi điều đó rất quan trọng đối với mẹ. Từ đó cháu hiểu và thích học tiếng Việt. Nhưng bản thân tôi luôn tự nhủ rằng phải nói tiếng Việt với các cháu”.
Chị Hoàng Lý - một Việt kiều khác - cho rằng dù các cháu mang quốc tịch gì, lớn lên ở đâu cũng đều phải biết tiếng Việt bởi đó là ngôn ngữ của mẹ đẻ, như vậy các con sẽ gần gũi với mẹ, với bên ngoại hơn.
Chị Hoàng Lý đã nói chuyện với con bằng ngôn ngữ tiếng Việt ngay từ khi mang bầu và chỉ nói tiếng Việt khi ở nhà.
Bên cạnh đó, chị mua nhiều loại sách tiếng Việt về dạy cho các con từ bảng chữ cái tới tập đánh vần, ghép con chữ và tạo điều kiện cho các con về Việt Nam nghỉ hè. Có như vậy các cháu có sự gắn kết hơn với mẹ và tiếng Việt cũng ngày càng giỏi hơn.
Chị Hoàng Lý và gia đình dự Tết cộng đồng ở Đại sứ quán Việt Nam tại Ai Cập. |
Chị Hoàng Lý chia sẻ: “Mình nên sử dụng tiếng mẹ đẻ từ khi mình mang thai con. Như vậy nó sẽ thẩm thấu tình yêu thương giữa mẹ và con, có sự gắn kết bằng ngôn ngữ mẹ đẻ. Từ lúc cháu còn nhỏ mình dạy cháu tiếng Việt, nhất là trong sinh hoạt hàng ngày, nhất là lúc gia đình ăn cơm. Lúc đó là lúc con tập trung nhất. Khi con hiểu được ngôn ngữ, con sẽ hiểu văn hóa Việt hơn”.
Như bao chị em khác, điều thôi thúc đối với chị Bùi Thu Huyền dạy con tiếng Việt bởi đó là ngôn ngữ của mẹ, nó bao gồm cả văn hóa Việt Nam. Không chỉ dạy con nói tiếng Việt, chị Huyền còn dạy con cả đọc và viết tiếng Việt để sau này con có thể về Việt Nam thăm gia đình, nói chuyện với mọi người, đọc sách để hiểu nền văn hóa Việt Nam.
Gia đình chị Bùi Thu Huyền chụp ảnh chung với Đại sứ Việt Nam tại Ai Cập - ông Trần Thành Công. |
Chị Bùi Thu Huyền tâm sự: “Khó khăn là cộng đồng bên này ít. Khoảng cách xa nên mọi người gặp nhau cũng ít, chỉ có các dịp Quốc khánh hay Tết nên con không có môi trường để giao tiếp. Vì thế, mình càng phải nỗ lực dạy và nói chuyện với con ở nhà nhiều hơn, dạy con cách đọc, cách viết thường xuyên hơn để con không quên tiếng Việt. Năm nay cháu 10 tuổi, nhưng cháu có thể đọc, viết và giao tiếp bằng tiếng Việt”.
Dạy con tiếng Việt chính là sự kết nối bền chặt trong các gia đình Việt kiều ở nước ngoài và cũng là để văn hóa Việt Nam ngày càng hội nhập quốc tế. Tiếng Việt sẽ không bị lãng quên trong thế hệ thứ hai, thứ ba người Việt Nam ở nước ngoài khi mỗi gia đình, mỗi bà mẹ bằng tình yêu và sự kiên trì dạy bảo để một ngày gặt hái những trái ngọt hạnh phúc và giản đơn khi con nói “Con yêu mẹ” bằng chính tiếng Việt.