Sau 90 phút làm bài trắc nghiệm môn Toán chiều 25/6, nhiều thí sinh rời phòng thi trong trạng thái lo lắng. Thậm chí, có thí sinh đã bật khóc vì không làm bài tốt.
TS Trần Nam Dũng, giảng viên ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) nhận xét đề Toán năm nay thất bại trong việc định hướng cách dạy và học môn này trong nhà trường. Zing.vn xin giới thiệu bài viết của ông.
Đề thi khó và dài
Với một bài thi có 50 câu hỏi làm trong 90 phút như vậy là hơi quá sức. Thông thường, ta phải hy sinh một trong hai tính chất này: Dài thì không khó, mà khó thì cần gọn gàng hơn, vì 90 phút trôi qua rất nhanh. Nhưng có thể nói, đề thi đã quá "tham lam", vừa dài vừa khó.
Thí sinh bật khóc sau khi kết thúc thời gian làm bài môn Toán. Ảnh: Liêu Lãm. |
Nếu đi chi tiết hơn, 25 câu hỏi đầu dễ và có thể giải quyết nhanh gọn (học sinh khá có thể làm trong 20 phút). Tuy nhiên, từ đây, tốc độ đã chậm lại và để giải quyết 10 câu sau, thí sinh có lẽ cũng phải mất 20 phút nữa. Do kỹ thuật trộn đề, các câu khó không phải xuất hiện từ câu 46 (5 câu cuối), hay câu 41 (10 câu cuối) mà từ câu 36 (15 câu cuối).
Không phải câu nào trong 15 câu cuối cũng khó nhưng việc sắp những câu này sớm dễ làm thí sinh mất tinh thần hoặc mất thời gian. Thí sinh nào có kinh nghiệm thì đi tìm những câu quen, có hướng để làm trước, chứ không phải giải tuần tự.
Số lượng câu hỏi khó cũng nhiều hơn. Có thể nói không quá phóng đại rằng từ các câu hỏi của một mã đề có thể chọn ra 15 câu để làm đề tự luận cho 180 phút.
So với đề minh họa, đề thi chính thức có cấu trúc tương thích. Phần hỏi định tính, thiên về lý thuyết khá ít, đa số là câu hỏi định lượng. Đề chính thức đã xuất hiện một số bài toán có yếu tố thực tế. Xu hướng tham số hóa vẫn được sử dụng để chống lạm dụng máy tính cầm tay. Cố gắng này có vẻ hiệu quả vì thực tế máy tính cầm tay chỉ giúp ích chứ không thay thế được tư duy trong lời giải các bài toán. Tuy nhiên, việc sử dụng tham số hóa khiến mất đi bản chất toán học của các câu hỏi.
Với đề thi này, tôi cho rằng học sinh có học lực trung bình khá dễ dàng đạt điểm 5. Học sinh khá có thể được 7 điểm. Học sinh giỏi có thể đạt 8-8,5. Điểm từ 9 trở lên đã phải rất giỏi hoặc rất may mắn. Sẽ vẫn có điểm 10 nhưng ít hơn rất nhiều so với năm ngoái.
Đề Toán vẫn hướng thí sinh luyện thi, bắt tủ
Vấn đề cần bàn thêm không chỉ là khó - dễ hay phổ điểm. Kỳ thi nào rồi cũng sẽ có học sinh đạt điểm cao, điểm thấp, phổ điểm trắc nghiệm thì cơ bản cũng đẹp.
Thí sinh tỏ ra mệt mỏi sau khi kết thúc môn thi. Ảnh: Trương Khởi. |
Câu hỏi quan trọng hơn là đề thi này có giúp chọn được học sinh có năng lực học toán không? Có giúp định hướng dạy và học tốt hơn ở trường phổ thông hay không? Tôi nghĩ không chắc.
Thứ nhất, những câu hỏi khó ở đây vẫn sa đà vào chiêu thức, mẹo vặt, ai biết dạng thì làm được, không thì thôi. Cách làm khó này sẽ định hướng cho kiểu học luyện thi, bắt tủ, luyện giải đề chứ không phải học toán. Vì vậy, các học sinh đạt điểm toán cao chưa chắc đã giỏi môn này.
Thứ hai, đề thi vẫn thiếu vắng câu hỏi về bản chất các khái niệm, ứng dụng của toán học (có nhưng rất ít). Điều này dẫn đến dạy học máy móc, thiên về công thức, thuật giải chứ không thông qua việc hiểu khái niệm, cũng như động cơ để đưa ra những khái niệm đó. Nó cũng dẫn đến sự lãng phí lớn: Học sinh thi xong sẽ quên hết và lên đại học phải học lại từ đầu.
TS Trần Nam Dũng có hơn 30 năm kinh nghiệm giảng dạy chuyên Toán. Ông là huấn luyện viên trưởng đội tuyển Toán trường Phổ thông Năng khiếu (1997-2003).
Ông đoạt huy chương bạc Toán quốc tế năm 1983 tại Paris, Pháp và được nhiều bằng khen của Chủ tịch nước, Thủ tướng, Trung ương Đoàn, Bộ trưởng GD&ĐT, Chủ tịch UBND TP.HCM, Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, Hiệu trưởng ĐH Tổng hợp Quốc gia Matxcova (Nga), Hiệu trưởng ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM.