Đề Văn về 8X Việt kiều ví rỗng đã có điểm tuyệt đối
Thông tin từ Hội đồng chấm thi ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM cho biết hiện tại đã có thí sinh đạt điểm tuyệt đối câu nghị luận xã hội về câu nói của chàng trai xuyên Việt với ví rỗng.
Năm nay, câu nghị luận xã hội của đề thi môn Văn khối C, D về lối sống của người Việt Nam được các thí sinh rất thích thú. Bởi đây là cơ hội để các bạn thể hiện quan điểm sống của bản thân mình. Vì vậy, công tác chấm thi môn này đang được dư luận chú ý.
Thí sinh hài lòng với bài thi môn Ngữ văn sáng 10/7 . Hình ảnh tại ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM. Ảnh Như Quỳnh. |
Thầy Đoàn Lê Giang – Trưởng ban chấm thi môn Văn ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) cho biết: “Trường bắt đầu chấm thi từ 12/7. Hiện tại, trong số các bài thi môn Văn khối C, D đã có những thí sinh đạt điểm 8,5; tuy nhiên chưa xuất hiện điểm 9, 10”.
Thầy Giang cho biết, có một tín hiệu đáng mừng là mặc dù đề thi năm nay khó, khác nhiều với dạng đề truyền thống nhưng chưa có học sinh đạt điểm 0, dù một số thí sinh chỉ viết được vài dòng.
Đối với câu hỏi mở năm nay, vị giám khảo này đánh giá: “Đề nghị luận xã hội có tầm tư tưởng, sáng tạo và đã có thí sinh đạt điểm tuyệt đối trong câu hỏi này”. Hiện tại, phổ điểm môn Văn mà các thí sinh của trường đạt được từ 4-5 điểm.
Tương tự, tại ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội, một giáo viên chấm thi cho biết đã xuất hiện điểm 8,75 môn Văn khối C và chưa có thí sinh để giấy trắng khi làm bài.
Theo ông Nguyễn Văn Kim, Phó hiệu trưởng nhà trường, dự kiến ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội sẽ hoàn thành công tác chấm thi vào ngày 17/7. Sau đó, trường sẽ tiếp tục chấm thanh tra trước khi công bố điểm.
Trước đó, ĐH Ngoại thương Hà Nội cũng đã công bố kết quả sơ bộ chấm thi môn Văn với 778 điểm 8 trở lên, trong đó có 14 điểm 9.
Đối với câu hỏi nghị luận trong đề Văn năm nay, đáp án của Bộ GD - ĐT cũng khá rõ ràng và phù hợp.
Về câu hỏi nghị luận của khối D, ngoài việc yêu cầu học sinh giải thích ý kiến (thụ động là gì, biểu hiện như thế nào) chỉ chiếm 0,5/3 điểm, thì phần lớn đáp án nhấn mạnh vào việc thí sinh thể hiện quan điểm cá nhân của mình.
Trong đó nêu rõ: “Thí sinh có thể đồng tình, không đồng tình hoặc chỉ đồng tình phần nào với ý kiến của Trần Hùng John. Dù theo khuynh hướng nào thì khi trao đổi cũng phải có lí lẽ, có căn cứ xác đáng và có thái độ bàn luận nghiêm túc, thiện chí”.
Còn đáp án của câu nghị luận trong đề Văn khối C cũng khá rõ ràng khi yêu cầu thí sinh chỉ ra hai mặt tích cực và tiêu cực của việc đề cao lối sống khôn khéo.
Trên cơ sở phân tích các ý kiến trong đề thi, đáp án cũng cho phép thí sinh được tự do bày tỏ quan điểm sống của bản thân, nhưng vẫn cần có thái độ chân thành, nghiêm túc, cầu tiến.
Như vậy với cách ra đề mở và chấm mở không chỉ kích thích các bạn học sinh phát huy sự sáng tạo của bản thân mà còn hạn chế cách học thụ động, thầy đọc trò chép, nặng về học thuộc đã trở nên lạc hậu.
Nhận định về đề văn của khối C, D năm nay, cô Trịnh Thu Tuyết – giáo viên trường THPT Chu Văn An (Hà Nội) cho rằng: "Đề thi môn ngữ văn năm nay tuy vẫn giữ nguyên cấu trúc cơ bản nhưng có thể thấy đã có những thay đổi khá tích cực trong cách đặt vấn đề và yêu cầu làm bài.
Đặc biệt, câu hỏi nghị luận xã hội ở cả ban C và D đều đưa ra những nhận xét về cách sống của một bộ phận người hiện đại. Những nhận xét ấy chứa đựng khoảng trống khá lớn cho suy nghĩ riêng của thí sinh, các em không bị định hướng gò bó trong những ý kiến luôn luôn là chân lí như trước đây, có thể thẳng thắn bày tỏ quan niệm của mình".
Ngoài ra, cô Tuyết còn tin rằng qua bài làm của các em học sinh, chúng ta sẽ nhận được những phản hồi khá trung thực về thực trạng giáo dục cũng như thực trạng cuộc sống xã hội. Bởi các câu hỏi nghị luận văn học đã đề cập được những vấn đề hay, làm mới những kiến thức quen thuộc trong nếp dạy của giáo viên và nếp học của học sinh, đưa đến những bất ngờ lí thú.
Đối với đề văn khối C, Trần Đình Hượu là một nhà văn hóa có tầm hiểu biết rất uyên bác, từ những lối sống hàng ngày đã được ông nâng lên thành những vấn đề mang tính khái quát chung. Vì vậy, với tầm hiểu biết của học trò, có lẽ các bạn sẽ cảm giác hơi xa lạ. Nhưng quan điểm này sẽ giúp các bạn nhìn nhận một cách đa chiều về lối sống của người Việt Nam. Bởi các bạn phải nhìn thấy mặt xấu, sự vụ lợi, ích kỷ và cả những mặt tốt trong quan điểm này.
Còn quan điểm của Trần Hùng John lại là nhận định của một người trẻ đương thời, tạo nên sự gần gũi, hiện đại, hiển ngôn, ý mạch lạc, dễ hiểu, chiếm được cảm tình và gây hứng thú cho các thí sinh khi làm bài. Mặc dù vậy, ý kiến của chàng trai này chỉ là sự lên án một chiều cách sống thụ động, theo đám đông. Đây lại là cơ hội để các bạn nói lên chính kiến, thậm chí phản bác lại quan điểm này.
An Hoàng
Theo Infonet