Trong thời gian qua, Hà Nội đã ghi nhận một số ổ dịch có diễn biến tương đối phức tạp. Đáng chú ý, ổ dịch Thanh Xuân Trung (Thanh Xuân) từ ngày 23/8 tới nay đã vượt mốc 300 trường hợp dương tính với nCoV.
Một số ổ dịch lớn khác cũng được Sở Y tế Hà Nội thống kê trong đợt dịch thứ 4 là Văn Miếu (từ 30/7) với 103 ca nhiễm, Văn Chương (từ 17/7) có 88 trường hợp, chung cư HH4C Linh Đàm (từ 8/8) ghi nhận 48 người, ngõ 24 Kim Đồng (từ 24/8) có 44 ca. Mới nhất, ổ dịch tại chợ Ngọc Hà được phát hiện từ ngày 28/8 đến nay đã ghi nhận 13 người dương tính.
Trao đổi với Zing, PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, Phó chủ tịch Hội Kiểm soát Nhiễm khuẩn Hà Nội, nhận định việc các ổ dịch trên liên tiếp ghi nhận số ca nhiễm nCoV phần nào thể hiện sự tuân thủ 5K bên trong khu vực đó chưa tốt. Lúc này, vai trò của chính quyền cơ sở là rất quan trọng. Bên cạnh đó, thành phố cũng cần có những sự thay đổi nhất định trong vấn đề tiêm chủng và quá trình cách ly, điều trị.
Tập trung bao phủ vaccine cho người cao tuổi
Theo số liệu được cập nhật trên Cổng Thông tin Tiêm chủng Covid-19, Hà Nội đến nay đã thực hiện tổng cộng hơn 2,9 triệu mũi tiêm vaccine phòng Covid-19. Với số lượng đó, chỉ khoảng 45% dân số tại Hà Nội trên 18 tuổi đã được tiêm mũi 1. Tỷ lệ người được tiêm mũi 2 cũng mới dừng ở ngưỡng hơn 5%.
Hà Nội cần đẩy mạnh và tập trung tiêm vaccine Covid-19 cho người cao tuổi. Ảnh minh họa: Quỳnh Danh. |
PGS Hùng cho rằng nếu đẩy nhanh được tốc độ tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 tương tự TP.HCM, Hà Nội sẽ có cơ hội chủ động kiểm soát tình hình dịch bệnh trong thời gian tới. Tuy nhiên, trong điều kiện nguồn vaccine còn hạn chế, thành phố cần tập trung tiêm chủng cho nhóm người cao tuổi, mắc bệnh nền.
Vị chuyên gia này cho biết việc tiêm chủng vaccine Covid-19 có 2 mục đích chính: Giảm tỷ lệ mắc bệnh Covid-19 và giảm tỷ lệ tử vong. Thời gian qua, chúng ta đang tiêm chủng trên diện rộng để hướng tới mục tiêu đầu tiên. Giá trị lớn nhất của các loại vaccine Covid-19 hiện có lại là giảm tỷ lệ bệnh nhân diễn biến nặng, nhập viện và tử vong.
“Sau nhóm ưu tiên số 1 là các nhân viên y tế, nhóm người cao tuổi, có bệnh lý nền là các đối tượng cần được xếp mức độ ưu tiên thứ 2. Nguyên nhân là họ thường mắc bệnh nền, sức đề kháng kém hơn người trẻ, từ đó dễ diễn biến nặng phải nhập viện và nguy cơ tử vong cao nếu không may nhiễm SARS-CoV-2”, ông Hùng cho biết.
Do đó, vị chuyên gia này cho rằng tới đây thành phố cần tập trung toàn bộ nguồn lực về vaccine cho nhóm này.
PGS Hùng nói: “Tôi nghĩ hiện nay với số lượng vaccine hạn hẹp, chúng ta nên tập trung tiêm toàn bộ cho đối tượng người cao tuổi, mắc bệnh lý nền. Những người trẻ phải tạm lui lại, tiêm đợt sau. Như vậy mới đảm bảo đúng ý nghĩa và phát huy hết giá trị của vaccine Covid-19. Ban chỉ đạo cũng cần có chủ trương quán triệt toàn thành phố thay vì chỉ thực hiện ở một số điểm tiêm cụ thể”.
Cách ly, theo dõi F1 và F0 diễn biến nhẹ tại chỗ
Hiện nay, Hà Nội vẫn áp dụng phương pháp cách ly tập trung với các trường hợp F1. Trong khi đó, tất cả F0 được phát hiện sẽ được đưa tới bệnh viện điều trị. Tuy nhiên, với các ổ dịch phức tạp đã được khoanh vùng và phong tỏa, việc làm này có thể chưa thực sự tối ưu.
“Tại các ổ dịch này, việc chúng ta cần làm là đảm bảo người dân bên trong không được ra ngoài. Phong tỏa vốn là biện pháp tách F0 và người tiếp xúc khỏi cộng đồng. Tuy nhiên, việc chuyển các F0, F1 đến khu cách ly hay cơ sở y tế có thể gây ra nguy cơ lây nhiễm trong quá vận chuyển hoặc tại chính khu cách ly tập trung”, vị chuyên gia này giải thích.
Một số người tại ổ dịch Thanh Xuân Trung chuẩn bị đồ đi cách ly tập trung. Ảnh: Nhật Sinh. |
Do đó, theo Phó chủ tịch Hội Kiểm soát Nhiễm khuẩn Hà Nội, tại những ổ dịch đã được phong tỏa, thành phố nên xem xét cho F0 chưa có triệu chứng, diễn biến nhẹ và F1 cách ly tại chỗ.
Ông nói: “Giải pháp này thời gian qua đã được TP.HCM áp dụng trên phạm vi toàn thành phố. Với Hà Nội, chúng ta có thể làm nhỏ gọn ở ngay trong khu vực phong tỏa, nhất là các ổ dịch đã ghi nhận số lượng ca nhiễm nCoV lớn”.
Theo PGS Hùng, việc làm trên sẽ giúp tâm lý của người dân thoải mái hơn, nhân viên y tế tại các khu cách ly và bệnh viện được giảm tải, nguy cơ lây lan SARS-CoV-2 cũng giảm xuống.
“Khi đó, chúng ta có thể tiếp tục tính tới giải pháp hỗ trợ, bổ sung nhân lực y tế tới khu vực phong tỏa để chăm sóc, điều trị F0 tại nhà. Ngoài ra, thành phố cũng cần hỗ trợ người dân trong khu vực phong tỏa về mặt xã hội như thực phẩm, đồ dùng thiết yếu...”, ông Hùng nói.
Vị chuyên gia này cũng nhấn mạnh ở thời điểm hiện tại, phương pháp hữu hiệu nhất để sớm khống chế tình hình dịch là phát huy vai trò, trách nhiệm của lãnh đạo phường, tổ dân phố, ban quản lý tòa nhà, tổ Covid-19 cộng đồng, trong việc tuyên truyền, giám sát, vận động, hỗ trợ người dân tuân thủ nghiêm nguyên tắc 5K, giữ khoảng cách thay vì chỉ tập trung kiểm soát chặt ở cổng vào khu phong tỏa.