Đề xuất bỏ điểm sàn: ĐH dân lập nên xem lại chất lượng
Trước ý kiến một số đại diện lãnh đạo các trường ĐH ngoài dân lập muốn bỏ ba chung, bỏ điểm sàn, nhiều độc giả cho rằng trường cần nâng cao chất lượng để hút thí sinh, thay vì xét tuyển ào ạt.
Không nên cào bằng thí sinh
Tại Hội nghị của Hiệp hội các trường ngoài công lập diễn ra vào ngày 19/12 vừa qua, trước thực trạng quá thiếu thí sinh, đại diện một số trường đã đưa ra ý kiến trong việc tuyển sinh. Theo đó, có vị cho rằng cần bỏ 3 chung (chung đề, thời gian và điểm sàn). Thậm chí có ý kiến cho rằng nên bỏ điểm sàn, vì nếu các em đã tốt nghiệp có nhu cầu vào ĐH thì không nên hạn chế.
Trước các ý kiến trên, nhiều độc giả cũng đã chia sẻ quan điểm của mình. Điều bất ngờ là bên cạnh số ít đồng tình, đa số cho rằng không nên bỏ điểm sàn, bởi nó đánh giá năng lực của học sinh.
Chị Lê Khánh Chi chia sẻ quan điểm: "Theo tôi, việc này là do chất lượng dạy học của trường ngoài công lập chứ đâu phải đầu vào mà nói như vậy". Một độc giả khác thì có sự so sánh khá thực tế: "ĐHQG dư sức để "bá đạo" trong các ngành mà họ dạy. Nhất là CNTT. Còn trường tư tại sao ế thì đơn giản dạy thì lèo tèo mà học phí toàn khủng. Học phí một năm ở một trường dân lập có thể đủ cho một sinh viên cao đẳng KHTN đóng tiền đến tốt nghiệp. Còn chất lượng giữa hai trường thì "ai cũng biết".
Trong khi dư luận khá đồng tình với việc bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT thì đa số cho rằng không nên bỏ điểm sàn, bởi nó ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo, đầu ra cho nguồn nhân lực lao động. |
Anh Phạm Quý cũng cho rằng không nên bỏ điểm sàn: "Bây giờ Việt Nam toàn là "thầy". Học không nổi thì chuyển thành "thợ". Vậy các trường đó nên chuyển hình thức đào tạo nghề. Hạ điểm sàn là một hình thức không hợp lý". Anh Nguyễn Duy Hùng bày tỏ: "Bỏ điểm sàn khác gì bỏ đi chuẩn chung để xét học tập của thí sinh. Hiện tại trường ngoài công lập, không ít trường thí sinh chỉ cần đóng tiền (học phí rất cao - như RMIT) là được đi học. Không nên cào bằng những em không nỗ lực và em nỗ lực ngày đêm".
"Tôi nghĩ không nên bỏ điểm sàn, bởi vì đó là chuẩn mực tối thiểu để một học sinh được coi là đủ khả năng học ở hệ đại học. Nếu bỏ điểm sàn thì với một trường ngoài công lập với mức điểm chuẩn quá thấp thì thử hỏi có chất lượng hay không? Tôi nghĩ nếu chúng ta dễ dãi về vấn đề này thì chúng ta sẽ lại mắc vào bệnh thành tích và tạo cơ hội làm kinh tế cho các trường ngoài công lập" - một độc giả khác bày tỏ quan điểm.
Trong khi đó, cũng có một số bày tỏ sự sẻ chia đối với khó khăn của các trường ngoài công lập. Anh Nguyễn Phương Hiếu cho rằng: "Nếu có thể nên để các trường ngoài công lập xét tuyển vào trường. Bên cạnh đó, bộ cũng có thể theo sát vấn đề xét tuyển của các trường đó".
Một độc giả khác thì cho rằng nên giảm điểm sàn đối với các trường. "Nhiều ý kiến đưa ra tại cuộc họp mình thấy bất hợp lý. Mình nghĩ nên giảm một chút so với mức chung. Ví dụ điểm sàn là 13 thì những trường ngoài công lập có mức là 11 điểm. Như vậy nhà trường sẽ có thêm học sinh và chất lượng đầu vào cũng không quá thấp".
Cần công khai số liệu và có kiểm định chất lượng các trường
Không chỉ dư luận mà ngay chính trong nội bộ các trường khối ngoài công lập cũng cảm thấy việc năm nào cũng kiến nghị lên Bộ GD - ĐT hạ điểm sàn do khó khăn trong công tác tuyển sinh, và năm nào cũng không được thông qua. Chính vì thế, ông Phan Trọng Phức, Nguyên Viện phó Viện Đại học Mở, Hiệu trưởng Đại học Đại Nam, cho rằng: “Tôi nghĩ chính Hiệp hội các trường ngoài công lập cũng không biết năm nay cụ thể từng trường tuyển được bao nhiêu phần trăm”.
Theo ông, nếu Hiệp hội các trường ngoài công lập muốn kiến nghị lên Ban Tuyên giáo, Chính phủ thì số liệu đó sẽ có tác dụng hơn việc chỉ nói chung chung rằng “năm nay các trường ngoài công lập không tuyển sinh được khó khăn lắm, cơ sở vật chất, con người, đội ngũ giáo viên vẫn phải đảm bảo”.
Ông Phan Trọng Phức - Hiệu trưởng Đại học Đại Nam tại hội nghị. |
Từ thực trạng đó, ông Phan Trọng Phức nêu ý kiến: “Tôi đề nghị chúng ta muốn kiến nghị với Bộ GD – ĐT và khiến Bộ phải suy nghĩ thì chúng ta phải có số liệu thống kê. Hiệp hội cũng phải mạnh dạnh thu thập số liệu và các trường cũng phải mạnh dạn thông báo trường mình tuyển được bao nhiêu chỉ tiêu”.
Ông nhấn mạnh: “Nếu chúng ta thống kê và đưa ra số liệu chính xác thì Bộ cũng phải suy nghĩ mà Chính phủ, Trung ương càng phải suy nghĩ nhiều hơn”.
Nhiều ý kiến cho rằng, hiện nay các trường ngoài công lập khó khăn trong công tác tuyển sinh là do chất lượng đào tạo kém, học phí cao. Ông Lê Viết Khuyến, Nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Đại học, cũng nhận thấy các trường muốn tuyển sinh được cần phải khắc phục những hạn chế trong chương trình, cách tổ chức đào tạo mà hiện nay các trường ngoài công lập đang thực hiện.
Cụ thể, ông cho rằng các trường ngoài công lập hiện nay vẫn còn hạn chế trong việc xây dựng chương trình không xuất phát từ nhu cầu thực tế; và việc tổ chức đào tạo theo kiểu cuốn chiếu cho xong đã làm giảm chất lượng đào tạo.
Những bất cập này ông cho rằng tất cả các trường đại học, cao đẳng hiện nay vẫn còn tồn đọng. Nhưng theo ông, các trường ngoài công lập dễ dàng thay đổi những bất cập này hơn để nâng cao chất lượng giáo dục.
Ông Lê Viết Khuyến - Nguyên Vụ phó Vụ Giáo dục đại học. |
Đặc biệt ông nhấn mạnh các trường phải mạnh dạn đăng ký kiểm định chất lượng mạnh dạn đăng ký kiểm định chất lượng. Nếu các trường làm được việc này thì không thể nói rằng vì chất lượng kém mà mà khó khăn trong công tác tuyển sinh.
Ông Khuyến nhấn mạnh: “Chúng ta phải kiến nghị với Bộ GD – ĐT ưu tiên các trường ngoài công được kiểm định chất lượng trước…Chúng ta phải nhìn lại chúng ta trước đã rồi mới đổ cho hoàn cảnh khách quan”.
Thực tế cũng cho thấy trong hơn 80 trường đại học, cao đẳng ngoài công lập mới chỉ một vài trường đăng ký và được kiểm định chất lượng.
Hoàng An
Theo Infonet