Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đề xuất cho phép phạm nhân gọi điện thoại về nhà

Cơ quan soạn thảo đề xuất cho phép phạm nhân được dùng điện thoại gọi về cho người thân, cước phí do phạm nhân chi trả từ tiền lưu ký theo hình thức ký sổ.

Bộ Quốc phòng đang dự thảo thông tư quy định cho phạm nhân gặp thân nhân; nhận, gửi thư; nhận quà và liên lạc với thân nhân bằng điện thoại; trong đó, quy định cụ thể về việc phạm nhân liên lạc với thân nhân bằng điện thoại.

Theo đó, cơ sở giam giữ phối hợp với cơ quan bưu chính viễn thông địa phương lắp đặt máy điện thoại và tổ chức cho phạm nhân liên lạc điện thoại với thân nhân. Cước phí gọi điện thoại được tính theo giá của cơ quan bưu chính viễn thông và do phạm nhân chi trả từ tiền lưu ký theo hình thức ký sổ.

pham nhan dung dien thoai lien lac voi nguoi than anh 1
Phạm nhân tại một cơ sở giam giữ. Ảnh: Lê Hiếu.

Phạm nhân là người dưới 18 tuổi được liên lạc bằng điện thoại theo quy định tại Khoản 2 Điều 76 Luật Thi hành án hình sự.

Nếu phạm nhân chấp hành tốt nội quy cơ sở giam giữ, có thành tích trong lao động, học tập, lập công hoặc do yêu cầu của công tác giáo dục phạm nhân, công tác thi hành án phạt tù thì Thủ trưởng cơ sở giam giữ quyết định tăng thêm mỗi tháng 1 lần không quá 10 phút.

Phạm nhân thường xuyên vi phạm nội quy cơ sở giam giữ bị giam riêng, đang bị thi hành kỷ luật, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm có thể bị hạn chế việc liên lạc điện thoại với thân nhân nhưng không quá 3 tháng. Các phạm nhân đang trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử về những hành vi phạm tội khác thì không được liên lạc điện thoại với thân nhân.

Khi liên lạc điện thoại với thân nhân, phạm nhân phải liên lạc đúng số điện thoại và nội dung đã đăng ký; sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt, trừ phạm nhân là người dân tộc thiểu số và là người nước ngoài không biết tiếng Việt.

Thủ trưởng cơ sở giam giữ bố trí buồng gọi điện thoại có thiết bị giám sát và cử cán bộ giám sát chặt chẽ nội dung trao đổi của phạm nhân với thân nhân khi liên lạc điện thoại. Nếu phát hiện nội dung trao đổi không đúng với đăng ký thì phải dừng cuộc gọi, trường hợp xét thấy cần thiết phải lập biên bản, đề xuất xử lý kỷ luật.

pham nhan dung dien thoai lien lac voi nguoi than anh 2
Người thân đến thăm phạm nhân tại dịp đặc xá 2/9/2015 trại giam Hồng Ca ở huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái. Ảnh: Lê Hiếu.

Về việc thăm trực tiếp, cơ quan soạn thảo đề nghị các đối tượng được thăm gặp phạm nhân gồm: Ông, bà nội; ông, bà ngoại; bố, mẹ đẻ; bố, mẹ vợ (hoặc chồng); bố, mẹ nuôi hợp pháp; vợ hoặc chồng; con đẻ, con dâu, con rể, con nuôi hợp pháp; anh, chị, em ruột; anh, chị, em dâu, rể; anh, chị em vợ (hoặc chồng); cô, dì, chú, bác, cậu, cháu ruột. Mỗi lần đến thăm gặp phạm nhân tối đa không quá 3 người.

Đại diện cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân khác ngoài những người được quy định trên được thăm gặp phạm nhân nếu Thủ trưởng cơ sở giam giữ xét thấy phù hợp với yêu cầu công tác phòng, chống tội phạm và công tác quản lý, giáo dục cải tạo phạm nhân.

Ngoài ra, Bộ Quốc phòng cũng đang dự thảo thông tư quy định về đồ vật thuộc danh mục cấm đưa vào nơi chấp hành án phạt tù và việc thu giữ, xử lý đồ vật thuộc danh mục cấm.

Theo dự thảo, đồ vật thuộc danh mục cấm đưa vào cơ sở giam giữ gồm: Các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, các chất ma tuý, tiền chất ma túy hoặc có chứa chất ma túy, chất cháy và các loại thiết bị kỹ thuật, điện tử.

Các thiết bị dùng để đun nấu, các đồ dùng hoặc đồ vật có thể làm hung khí gây nguy hiểm đến tính mạng, sức khoẻ của phạm nhân cũng nằm trong danh mục cấm. Ngoài ra, các loại tiền giấy và vàng, bạc, đá quý hay thẻ ATM, thẻ thanh toán bằng hình thức điện tử cũng không được phép mang vào cơ sở giam giữ.

Nguyên cán bộ quản giáo bị khởi tố vì hai bị can bỏ trốn

Cán bộ quản giáo nhà tạm giữ công an huyện ở Đồng Tháp bị cáo buộc chưa làm hết trách nhiệm trong ca trực dẫn đến việc hai bị can bỏ trốn.

Nguyên An

Bạn có thể quan tâm