Công đoàn Giáo dục Việt Nam cho biết đã có văn bản gửi ngành GD&ĐT Phú Thọ, Hà Giang đề xuất tạo điều kiện cho thầy Nguyễn Đại Đình Nam, giáo viên trường Tiểu học Đường Thượng, nạn nhân trong vụ tai nạn hôm 3/5 ở Yên Minh, Hà Giang, về công tác gần nhà.
Trong ngày 6/5, Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam Nguyễn Ngọc Ân đã đại diện Ban Cán sự Đảng Bộ Giáo dục và Đào tạo và Công đoàn Giáo dục Việt Nam đến thăm hỏi, chia buồn với gia đình cô giáo Mai Thị Yến, giáo viên trường Mầm non Đường Thượng (huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang).
Cô Mai Thị Yến là giáo viên tử nạn trên đường trở lại trường sau kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5. Chồng cô là thầy giáo Nguyễn Đại Đình Nam, giáo viên trường Tiểu học Đường Thượng, huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang, bị thương trong vụ tai nạn này. Cả hai thầy cô là giáo viên đã có hàng chục năm "cắm bản" và cống hiến cho sự nghiệp giáo dục vùng cao Yên Minh, Hà Giang.
Tới thăm hỏi, chia buồn với gia đình cô Mai Thị Yến, ông Nguyễn Ngọc Ân đã chuyển lời thăm hỏi, động viên, chia buồn của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đến với gia đình, người thân của cô Yến, thầy Nam.
Công đoàn Giáo dục Việt Nam thăm hỏi, hỗ trợ gia đình thầy cô 10 triệu đồng. Các đơn vị Công đoàn trực thuộc Công đoàn Giáo dục Việt Nam, gồm: Báo Giáo dục và Thời đại, Đại học Kinh tế Quốc dân, Đại học Kinh tế TP.HCM - mỗi đơn vị hỗ trợ 5 triệu đồng. Đại học Cần Thơ, Phòng GD&ĐT quận Thanh Xuân (Hà Nội) - mỗi đơn vị hỗ trợ 2 triệu đồng.
Trao đổi với Báo Giáo dục và Thời đại, ông Nguyễn Ngọc Ân cho biết trong buổi thăm hỏi, chia buồn với gia đình, bà Tạ Thị Luận - mẹ của thầy giáo Nguyễn Đại Đình Nam - đã đề xuất Công đoàn Giáo dục Việt Nam nguyện vọng được chuyển công tác cho con về gần nhà. Công đoàn Giáo dục Việt Nam ủng hộ nguyện vọng nói trên.
Sau nỗi đau mất vợ, thầy Nam sẽ gặp rất nhiều khó khăn vì sức khỏe đau yếu, không đủ điều kiện để nuôi 2 con nếu phải công tác xa nhà. Hiện nay, thầy Nam là giáo viên tổng phụ trách đội trường Tiểu học Đường Thượng, cách quê nhà gần 400 km. Thầy Nam đã công tác tại huyện Yên Minh, Hà Giang, từ năm 2011, đến nay đã hơn 12 năm.
Thầy Nam và cô Yến có 2 con, cháu trai sinh năm 2013 và cháu gái sinh năm 2018. Do hoàn cảnh gia đình, cháu trai được gửi về sống cùng bà nội tại huyện Thanh Sơn, Phú Thọ, từ năm 2 tuổi, còn cháu gái sống cùng bố mẹ tại Hà Giang. Sau vụ tai nạn ngày 3/5, cháu gái đã được gửi về sống cùng bà nội.
Hai cháu bé con của thầy Nam và cô Yến. Ảnh: Giáo dục và Thời đại. |
Trước đó, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đã gửi thư chia buồn và thăm hỏi tới gia đình cô giáo Mai Thị Yến. Trong thư, Bộ trưởng viết lãnh đạo Bộ GD&ĐT xin được bày tỏ sự tiếc thương trước sự ra đi của cô và xin gửi lời chia buồn sâu sắc tới gia đình, đồng nghiệp của cô; mong gia đình và các đồng nghiệp của cô sớm vượt qua nỗi đau này, sớm ổn định cuộc sống và công việc, tiếp tục thực hiện những ý nguyện còn đang dang dở của cô; xin trân trọng ghi nhận những đóng góp và hy sinh của cô, của gia đình và đồng nghiệp của cô cho sự nghiệp giáo dục.
Bộ trưởng đề nghị Sở GD&ĐT Hà Giang, Công đoàn Giáo dục Hà Giang, cấp ủy, chính quyền, đoàn thể tại địa phương cần quan tâm, chia sẻ, giúp đỡ gia đình cô giáo sớm ổn định cuộc sống; động viên, hỗ trợ các đồng nghiệp của cô giáo tại trường Mầm non Đường Thượng yên tâm công tác; đặc biệt lưu ý tăng cường quan tâm, hỗ trợ đời sống, sinh hoạt cho các thầy giáo, cô giáo công tác ở địa bàn khó khăn.
Sách về nghề giáo
Nếu độc giả có hứng thú với nghề giáo - một nghề nghiệp đặc biệt và đang trải qua những biến động lớn, mục Giáo dục giới thiệu một số lựa chọn:
Xin được nói thẳng (GS Hoàng Tụy) và Ước vọng cho học đường (GS Huỳnh Như Phương): Cuốn sách của hai nhà giáo tiên phong tại Việt Nam với nhiều suy nghĩ và những trăn trở của hai ông về tương lai nền giáo dục nước nhà.
Nghề giáo qua các tác phẩm thiếu nhi nổi tiếng: Tình thầy trò trong các tác phẩm văn chương nổi tiếng khiến độc giả cảm động bởi các nhân vật đã làm được những việc lớn lao, vượt xa chức trách của một giáo viên.