Tại Hội nghị tuyển sinh đại học, cao đẳng sư phạm năm 2021, vấn đề xác định mức thu, chi kinh phí xét tuyển được đưa ra bàn luận.
Ông Hoàng Minh Sơn, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, khẳng định đây không phải là vấn đề trọng tâm trong công tác tuyển sinh nhưng rất đáng quan tâm.
Các năm trước, Bộ GD&ĐT thống nhất mức thu chung là 30.000 đồng/nguyện vọng đăng ký xét tuyển. Tuy nhiên, năm nay, theo quy định, bộ không đứng ra xác định. Các trường cần thỏa thuận, thống nhất phương án thu, chi kinh phí xét tuyển với Sở GD&ĐT.
Năm 2021, các cơ sở đào tạo cần thỏa thuận, thống nhất với sở GD&ĐT về phương án thu, chi kinh phí xét tuyển. Ảnh minh họa: Việt Linh. |
Ít đầu mối để tránh phức tạp
Tại hội nghị, PGS.TS Nguyễn Phong Điền, Phó hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội, đánh giá việc đăng ký xét tuyển là công việc phức tạp. Năm ngoái, cả nước có mức thu chung giúp thí sinh có thể yên tâm đăng ký mà không phải bận tâm về lệ phí.
"Năm nay, nếu trường thực hiện đúng nguyên tắc, công việc này sẽ rất phức tạp cho trường, tốn công và có những chí phí không cần thiết. Thí sinh cũng phức tạp vì có mức phí khác nhau cho nguyện vọng vào các trường khác nhau", ông Điền nói.
Do đó, ông đề xuất các trường tạo nhóm, cử đại diện làm việc với các bên liên quan. Tuy nhiên, ông thừa nhận biện pháp này vẫn chưa thể giải quyết được vấn đề vì khó đạt thống nhất giữa các trường.
Vì thế, ông đề nghị Bộ GD&ĐT xem xét hỗ trợ, có đơn vị sự nghiệp đứng ra chủ trì, thống nhất với các sở GD&ĐT trên toàn quốc.
Đồng ý với đề xuất của ông Nguyễn Phong Điền, PGS.TS Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Đào tạo, ĐH Kinh tế Quốc dân, cho rằng cần có cơ chế kinh phí, hạch toán. Trong đó, khâu thanh toán nên được ủy quyền, càng ít đầu mối, công tác càng thuận lợi.
Ông Triệu mong muốn ĐH Bách khoa Hà Nội gánh thêm trách nhiệm này, thanh toán cho các trường thành viên trong nhóm xét tuyển miền Bắc.
Ông Nguyễn Văn Đại, Phó giám đốc phụ trách Sở GD&ĐT Hà Nội, cho rằng giao công tác xác định phương án thu, chi kinh phí xét tuyển cho các trường là một thuận lợi của tuyển sinh năm nay.
Trong khi đó, đại diện Sở GD&ĐT Hưng Yên, khẳng định sở sẽ bố trí lực lượng để hỗ trợ các trường THPT, học sinh đăng ký xét tuyển, trong đó có vấn đề lệ phí. Với công tác xác định mức thu, tỷ lệ phân bổ, ông đồng ý với đề xuất của các trường.
Các trường đề xuất giảm lệ phí xét tuyển xuống 25 nghìn đồng/nguyện vọng để chia sẻ với thí sinh trong năm khó khăn vì Covid-19. Ảnh: Việt Hùng. |
Mức thu 25 nghìn đồng/nguyện vọng
Liên quan đến mức thu xét tuyển, PGS.TS Nguyễn Phong Điền đề nghị có thể giảm so với năm ngoái để chia sẻ với thí sinh các khó khăn do Covid-19 gây ra. Ông gợi ý thu 25 nghìn đồng/nguyện vọng thay vì 30.000 đồng như năm ngoái.
Đồng thuận với ý kiến này, PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng, Hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội, cho rằng mức giảm 5 nghìn đồng/nguyện vọng không lớn nhưng sẽ tạo hiệu ứng xã hội tốt, cho thấy sự chia sẻ từ trường, bộ với thí sinh.
Đại diện các trường đại học tham dự hội nghị Tuyển sinh đại học, cao đẳng sư phạm năm 2021 tại đầu cầu Đà Nẵng, Cần Thơ cũng đưa ra đề xuất giảm lệ phí xét tuyển.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Nhung, Phó hiệu trưởng ĐH Mở Hà Nội, cho rằng nên giữ nguyên mức thu như năm ngoái.
Trước ý kiến từ các trường và sở GD&ĐT về lệ phí xét tuyển, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn đồng thuận với đề xuất giảm mức thu đối với thí sinh. Ông cho rằng các năm trước, một phần trong mức thu được sử dụng để nâng cấp phần mềm. Năm nay, phần mềm cơ bản ổn định. Vì vậy, mức thu có thể giảm và số tiền giảm đó sẽ rơi vào chi phí chung thuộc bộ.
Nói rõ hơn về vấn đề kinh phí xét tuyển, TS Phạm Như Nghệ, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT, cho biết theo quy định, công tác tuyển sinh là trách nhiệm của trường.
Song nếu mỗi trường làm một kiểu, thí sinh đăng ký với từng trường sẽ khó khăn. Do đó, sở GD&ĐT hỗ trợ thí sinh đăng ký, bộ quản lý giữ liệu chung.
Các trường cũng đề xuất giữ nguyên cho năm nay. Nhưng theo luật, việc thu và sử dụng lệ phí tuyển sinh là của các trường đại học. Sở và bộ tiếp tục hỗ trợ. Trường phân bổ lệ phí cho các đơn vị hỗ trợ.
Vụ cũng có một số tham mưu cho lãnh đạo bộ về kinh phí xét tuyển, trong đó có việc giảm lệ phí. Vụ đưa ra phương án giảm 5 nghìn đồng/nguyện vọng, tức mức thu là 25 nghìn/nguyện vọng. Theo thứ trưởng đề xuất, mức giảm rơi vào lệ phí chung thuộc bộ. Kinh phí cho địa phương và các cơ sở đào tạo được giữ nguyên.
Thí sinh vẫn nộp lệ phí tại địa phương. Sở GD&ĐT tiếp nhận và giữ lại 15 nghìn đồng/nguyện vọng. Sở chuyển 10 nghìn đồng/nguyện vọng về trường đại học. Sau đó, trường mới chuyển trả phần của bộ.
"Bộ không có thẩm quyền ra văn bản để các trường phải thực hiện như vậy. Do đó, các trường phải thỏa thuận, thống nhất với sở GD&ĐT về nội dung phối hợp trong công tác tuyển sinh, bao gồm việc thu, chi kinh phí xét tuyển", ông Nghệ cho hay.