Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 9/12 đã thông qua Nghị quyết về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thành lập thành phố Thủ Đức thuộc TP.HCM, trong đó có việc thành lập TAND, VKSND TP Thủ Đức.
Theo Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong, TP Thủ Đức được kỳ vọng là hạt nhân để dẫn dắt kinh tế TP.HCM và vùng kinh tế trọng điểm phía nam.
“Việc thành lập TP Thủ Đức là mô hình thành phố trong thành phố trực thuộc Trung ương đầu tiên của cả nước. Chúng tôi kỳ vọng khu vực này sẽ thiết lập chuỗi giá trị gia tăng trên nền tảng công nghệ cao, hạ tầng kỹ thuật - xã hội hiện đại theo tiêu chuẩn quốc tế, hỗ trợ hiệu quả cho các doanh nghiệp và là đòn bẩy góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân”, ông Phong nói.
Trước khi nghị quyết được thông qua, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình đưa ra 5 đề xuất về việc thành lập TAND TP Thủ Đức.
Đề nghị thành lập Tòa Kinh tế
Về thẩm quyền, TAND TP Thủ Đức có thẩm quyền của 3 tòa án cũ (TAND quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức).
Về tổ chức bộ máy, ngoài 4 tòa án chuyên trách (Tòa Hình sự, Tòa Dân sự, Tòa Gia đình và người chưa thành niên, Tòa Xử lý hành chính) và bộ máy giúp việc (văn phòng), TAND Tối cao đề nghị thành lập thêm Tòa Kinh tế, vì đây là địa bàn kinh tế rất năng động.
“Mỗi năm, 3 tòa án của quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức phải xét xử gần 1.100 vụ án kinh tế và tương lai có thể còn nhiều nữa”, ông Bình lý giải.
Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình đề xuất 5 vấn đề trong việc thành lập TAND TP Thủ Đức. Ảnh: Hải Ninh. |
Về biên chế, Chánh án Tòa tối cao cho hay số vụ, việc trung bình TAND TP Thủ Đức phải giải quyết là 6.300 vụ, việc/năm, mỗi năm tăng khoảng 10%.
Trong khi đó, tổng số biên chế hiện được giao cho 3 tòa án của quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức là 128 người, trong đó có 67 thẩm phán.
“Đội ngũ thẩm phán của 3 tòa án trên đang quá tải. Với đặc thù về quy mô đơn vị hành chính, tốc độ tăng trưởng kinh tế của TP Thủ Đức, dự báo số lượng vụ, việc phải giải quyết của TAND TP Thủ Đức sẽ gia tăng”, Chánh án Nguyễn Hòa Bình phân tích.
Ông ví von TAND TP Thủ Đức là “em của tòa cấp tỉnh, anh của huyện nhưng quy mô bằng tòa cấp tỉnh”. Do vậy, về biên chế, TAND Tối cao đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao bổ sung cho TAND TP Thủ Đức 180 biên chế, trong đó có 85 thẩm phán. Con số này nằm ngoài tổng số biên chế đã giao cho TAND từ năm 2012.
Về chế độ chính sách, Chánh án TAND Tối cao đề xuất chính sách “cao hơn cấp huyện một chút”, vì công việc ở đây không thể bằng cấp tỉnh, nhưng nếu bố trí tương đương cấp huyện thì rất khó khăn cho nhân sự. Theo ông Bình, đây là quy định đặc thù, không có trong luật.
Đề xuất cuối cùng Chánh án Tòa tối cao nêu là về cơ sở vật chất. Ông Bình khẳng định trụ sở của 3 tòa án quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức đều không đáp ứng được yêu cầu là trụ sở chính của TAND TP Thủ Đức, Chánh án Tòa tối cao đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo cơ quan có thẩm quyền cấp đất sạch, có vị trí tại Trung tâm hành chính của TP Thủ Đức và bố trí đủ ngân sách để kịp thời khởi công xây dựng trụ sở TAND TP Thủ Đức.
Trụ sở này phải có quy mô tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ, đáp ứng được nhu cầu về diện tích làm việc, diện tích khối xét xử, diện tích phòng chức năng, mang tính uy nghiêm của cơ quan tư pháp.
Chưa thống nhất biên chế nhân sự
Phúc đáp các đề xuất của Chánh án TAND Tối cao, bà Lê Thị Nga - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp (cơ quan thẩm tra), nhất trí với việc thành lập TAND TP Thủ Đức thuộc TP.HCM; đồng ý về thẩm quyền theo địa giới hành chính của TAND TP Thủ Đức.
Song theo bà Nga, quy định TAND TP Thủ Đức có thẩm quyền như TAND cấp tỉnh là không đúng, mâu thuẫn với các luật về tố tụng và không thuộc thẩm quyền quyết định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Vì vậy, bà Nga đề nghị không quy định thẩm quyền về việc của TAND TP Thủ Đức trong nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội mà thực hiện theo quy định của Luật Tổ chức TAND và các luật về tố tụng.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga tán thành đề xuất lập Tòa Kinh tế thuộc TAND TP Thủ Đức. Ảnh: Hải Ninh. |
Về đề xuất thành lập thêm Tòa Kinh tế, Thường trực Ủy ban Tư pháp tán thành và đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định. Vì theo báo cáo, số lượng vụ việc về kinh doanh, thương mại mà TAND TP Thủ Đức có trách nhiệm giải quyết hàng năm khá lớn. Nếu tiếp tục giao cho Tòa Dân sự - TAND TP Thủ Đức giải quyết sẽ quá tải, ảnh hưởng tới việc thực hiện nhiệm vụ chung.
Với đề xuất giao cho TAND TP Thủ Đức 180 biên chế, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho rằng việc này không phải thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Hơn nữa, theo bà Nga, việc đề nghị bổ sung biên chế cho TAND cần được xem xét thận trọng vì hiện nay đang thực hiện sắp xếp, tinh giản biên chế theo các nghị quyết của Đảng.
Đồng thời, việc sắp xếp biên chế của VKSND và UBND TP Thủ Đức cần được đặt trong tổng thể, hiện nay các cơ quan này đều không đề nghị bổ sung biên chế.
Về cơ sở vật chất, Thường trực Ủy ban Tư pháp cho hay việc đầu tư cơ sở vật chất cho TAND TP Thủ Đức thuộc trách nhiệm và thẩm quyền quyết định của Chính phủ, vì vậy đề nghị TAND tối cao phối hợp với UBND TP.HCM rà soát, báo cáo Chính phủ xem xét theo thẩm quyền.
Giải thích thêm cho đề xuất về biên chế, Chánh án Nguyễn Hòa Bình muốn xin phép Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho định biên của TAND TP Thủ Đức là 180 người, vì nếu chờ duyệt tổng thể của cả nước thì “không biết đến bao giờ mới xong”.
“Chúng ta kỳ vọng TP này có nhiều đặc thù, kèm theo đặc thù cũng cần tạo thêm một số chế độ chính sách, điều kiện bảo đảm để TP hoàn thành tốt nhiệm vụ. TP được giao nhiệm vụ là kinh tế đầu tàu, thúc đẩy nhưng không có hỗ trợ gì thì chúng tôi thấy cũng khó”, ông Bình nói.
Đồng ý phải tính cho cán bộ tư pháp của TP Thủ Đức có chế độ đặc thù riêng so với cấp quận, huyện, song Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu lưu ý phải có tính đồng bộ trong cả hệ thống chính trị.
“Hiện khối cơ quan tư pháp mới có tòa án đề nghị, cơ quan điều tra, VKS, thi hành án chưa đề nghị. Vấn đề này cũng liên quan đến đề án đổi mới một cách căn bản chính sách, chế độ tiền lương của cán bộ, công chức của hệ thống chính trị và vị trí việc làm nên xin phép chánh án để lại cái này, giải quyết trong thời gian tới đây”, ông Lưu nói.
Về trụ sở tòa án, ông Lưu đề nghị giao Chính phủ, UBND TP.HCM tính toán đất, dự kiến kinh phí, đưa vào kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn tới để có thể bố trí trụ sở mới cho TAND TP Thủ Đức.
Đại diện VKSND Tối cao, Phó viện trưởng Thường trực Nguyễn Huy Tiến cũng cho rằng số lượng vụ, việc của VKS 3 quận: 2, 9 và Thủ Đức tương đương số lượng việc của VKSND cấp tỉnh. Nhưng thể chế hiện nay chưa có một chính sách nào cho cấp “thành phố thuộc thành phố”.
VKSND Tối cao đề nghị biên chế nên giữ nguyên ba đơn vị này trên cơ sở tổng biên chế và số lượng kiểm sát viên của VKSND đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định.
Về cơ sở vật chất, ông Tiến cũng nêu thực tế cơ sở của 3 VKS hiện không đáp ứng được yêu cầu của VKSND TP Thủ Đức nên đề nghị tạo điều kiện cho VKS như với tòa án.