Đó là nội dung trong dự thảo hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị quyết quy định một số chính sách đặc thù đối với cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh các trường THCS trọng điểm trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.
Theo đó, đối tượng áp dụng là cán bộ, quản lý, giáo viên và học sinh đang giảng dạy và học tập tại trường THCS trọng điểm, giáo viên bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi cấp tỉnh cho các trường THCS trọng điểm.
Đối với giáo viên, dự thảo đề xuất mức hỗ trợ 2,4 triệu đồng/tháng cho mỗi cán bộ quản lý; giáo viên dạy các môn: Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học (môn Khoa học tự nhiên), Tin học, Ngữ văn, Tiếng Anh, Lịch sử, Địa lý (môn Lịch sử & Địa lý), Tiếng Anh.
Giáo viên giảng dạy các môn học khác được hưởng hỗ trợ 1,2 triệu đồng/tháng. Thời gian được hưởng 9 tháng/năm cùng với kỳ lương hàng tháng.
Giáo viên trong và ngoài trường THCS trọng điểm được mời dạy bồi dưỡng đội tuyển đi thi học sinh giỏi cấp tỉnh các môn văn hóa, thi Khoa học kỹ thuật cấp tỉnh được bồi dưỡng 800.000 đồng/buổi (số buổi bồi dưỡng đội tuyển không quá 40 buổi/đội tuyển/năm).
Đối với học sinh các trường THCS trọng điểm, dự thảo đưa ra mức thưởng 2 triệu đồng/năm học đối với học sinh đạt xếp loại cả năm hạnh kiểm tốt, học lực giỏi trở lên.
Số lượng học sinh được thưởng tối đa 30% tổng số học sinh theo khối của trường, xếp ưu tiên từ cao xuống thấp lần lượt theo điểm tổng kết năm học; gia đình chính sách; thành tích thi học sinh giỏi cấp tỉnh, tham gia đội tuyển thi học sinh giỏi cấp tỉnh.
Ngoài ra, chính sách còn hỗ trợ một lần với mức 100% lệ phí thi đối với học sinh thi đạt một trong các chứng chỉ ngoại ngữ: TOEIC, TOEFL, IELTS trình độ tương đương bậc 4 (B2) trở lên theo khung năng lực ngoại ngữ Việt Nam.
Dự thảo Nghị quyết này đang được lấy ý kiến rộng rãi của dư luận trong thời gian 30 ngày kể từ ngày 23/3/2021.
Dự thảo đưa ra mức thưởng 2 triệu đồng/năm học đối với học sinh đạt xếp loại cả năm hạnh kiểm tốt, học lực giỏi trở lên. Ảnh minh họa: VietNamNet. |
Theo báo cáo đánh giá thực trạng của Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc, hiện nay, trung ương và địa phương chưa có chính sách ưu đãi đặc thù đối với các đối tượng kể trên. Tỉnh Vĩnh Phúc cũng mới chỉ có cơ chế chính sách cho trường THPT chuyên Vĩnh Phúc.
Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu phát triển, đưa trường THPT chuyên Vĩnh Phúc trở thành trường trọng điểm quốc gia nói riêng với quy mô 1.500 học sinh cần đảm bảo nguồn tuyển sinh chất lượng cao, mà chủ yếu là từ các trường THCS trọng điểm.
Do đó, Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc cho rằng chính sách này nếu được ban hành sẽ góp phần tạo động lực, điều kiện để đội ngũ tại các trường nói trên tập trung nghiên cứu, giảng dạy, phấn đấu chuyên môn; giúp cho các trường THCS trọng điểm trở thành mô hình giáo dục kiểu mẫu tiên tiến, hiện đại, trung tâm rèn luyện, bồi dưỡng đội ngũ của các huyện, thành phố, thu hút được các giáo viên giỏi về công tác.
Đối với học sinh, chính sách này sẽ khuyến khích các em nỗ lực học tập, rèn luyện, phấn đấu đạt thành tích cao trong học tập, nâng cao năng lực ngoại ngữ theo chuẩn quốc tế.
Báo cáo đánh giá tác động của Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc cũng chỉ ra nhiều năm qua, mô hình trường THCS trọng điểm đã được hình thành và quy hoạch, được các địa phương trong tỉnh quan tâm đầu tư. Học sinh các trường THCS trọng điểm có tỷ lệ thi đỗ cao vào các lớp của THPT chuyên Vĩnh Phúc cũng như đoạt giải cao trong các kỳ thi văn hóa quốc gia, quốc tế.
Năm học 2020-2021, tổng số 221 học sinh các trường THCS trọng điểm trên toàn tỉnh thi đỗ vào lớp 10 THPT chuyên Vĩnh Phúc, chiếm 17,1% tổng số học sinh tốt nghiệp THCS của các trường này.
Trong đó, tỷ lệ học sinh đỗ vào THPT chuyên Vĩnh Phúc cao nhất là các trường THCS trọng điểm của TP Vĩnh Yên (40,1%), tiếp theo là huyện Tam Dương (24,2%), huyện Bình Xuyên (22,6%), huyện Vĩnh Tường (18,8%)…