Theo đó, trước khi đăng ký kết hôn, các cặp vợ chồng sẽ có thêm một khoảng thời gian để suy nghĩ lại, nhằm mục đích tìm hiểu kỹ hơn về đối phương và tránh đưa ra lựa chọn sai lầm.
Trong giai đoạn này, các đôi sẽ có quyền truy cập một số thông tin cá nhân của vợ/chồng tương lai, đặc biệt là tình trạng sức khỏe và thông tin tín dụng, đồng thời có thể suy nghĩ lại xem có nên tiếp tục quy trình đăng ký kết hôn hay không, luật sư Xu Shanshan cho biết.
Đề xuất này sẽ tiếp tục được hoàn thiện để có thể được đưa ra thảo luận tại Lianghui - một trong những sự kiện kinh tế chính trị quan trọng nhất của thành phố Thượng Hải.
Ý tưởng về một "giai đoạn nguội lạnh trước hôn nhân" đã lan truyền trên mạng xã hội Trung Quốc vào ngày 15/1, với rất nhiều sự ủng hộ từ cư dân mạng.
"Giai đoạn nguội lạnh" cho phép các đôi suy nghĩ lại quyết định kết hôn. Ảnh: Think China. |
Nhiều người dùng Weibo đã hoan nghênh đề xuất này và cho rằng các đôi cần dành thời gian tìm hiểu về điều kiện của đối phương để tránh bị lừa đảo.
“Em gái tôi là nạn nhân của một 'cuộc hôn nhân chớp nhoáng'. Chỉ vài tháng sau khi kết hôn, cô ấy phát hiện ra rằng người đàn ông vũ phu đó từng ngồi tù. Bi kịch này có thể sẽ tránh được nếu có thêm thời gian suy nghĩ", một người bình luận.
Tuy nhiên, một số chuyên gia hôn nhân và gia đình không ủng hộ đề xuất này. "Tìm hiểu đầy đủ về nhau trước khi tiến đến hôn nhân là tốt. Nhưng đề xuất này không thực tế", Liu Wenrong, một nhà nghiên cứu cộng tác tại Viện Xã hội học cho biết.
Liu giải thích trên thực tế, có rất ít các kênh để các cặp vợ chồng có được thông tin họ cần, chẳng hạn như tình trạng sức khỏe, các khoản nợ, tín dụng và tiền án. "Luật pháp Trung Quốc bảo vệ quyền riêng tư cá nhân của công dân", cô nói thêm.
Thay vì đặt ra một khoảng thời gian chờ làm đám cưới, Liu gợi ý rằng chính quyền địa phương có thể tăng cường giáo dục hôn nhân. "Trước khi đăng ký kết hôn, các cặp vợ chồng có thể học một số kỹ năng, bao gồm giao tiếp, quản lý tài sản và nuôi dạy con cái tại các lớp đào tạo", Liu nói.
Trước đề xuất này, quy định "30 ngày hòa giải" để các cặp vợ chồng suy nghĩ về quyết định ly hôn đã có hiệu lực trên khắp Trung Quốc từ ngày 1/1. Trước đó, một số tỉnh và thành phố báo cáo số trường hợp ly hôn cao kỷ lục. Theo cơ chế mới, nhiều người tin rằng sẽ khó ly hôn hơn trước.
Tại nhiều tỉnh thành, một số lượng lớn các cặp vợ chồng đã vội vã đến cơ quan dân sự để ly hôn vào tháng 12/2020 nhằm tránh "30 ngày hòa giải".