Một tai nạn trực thăng đã khiến Kobe Bryant mãi mãi ra đi ở tuổi 41. Tin dữ trong ngày 26/1 (theo giờ Mỹ) khiến người hâm mộ bộ môn bóng rổ nói riêng, và công chúng trên toàn thế giới nói chung, không khỏi bàng hoàng, tiếc nuối.
Trên sàn đấu bóng rổ, danh thủ sinh ra tại Philadelphia (Mỹ) là một huyền thoại khi mang trên mình số áo 24 của Los Angeles Lakers. Cùng người đồng đội Shaquile O’Neal, anh đã dẫn dắt đội bóng của mình tới ba chức vô địch NBA liên tiếp trong khoảng 2000-2002.
Huyền thoại bóng rổ Kobe Bryant đã qua đời ở tuổi 41 sau một tai nạn trực thăng vào ngày 26/1. |
Sau những bê bối cá nhân, đặc biệt là cáo buộc tấn công tình dục vào năm 2003 khiến sự nghiệp lao đao, Bryant lại tiếp tục vươn lên vào cuối thập niên 2010 cùng đội Los Angeles Lakers, rồi đưa đội tuyển bóng rổ Mỹ giành huy chương vàng tại Olympic Bắc Kinh 2008 và London 2012, và cuối cùng quyết định giải nghệ hồi năm 2016.
Tại thời khắc chuẩn bị xa rời sân đấu, Kobe Bryant đã sáng tác bài thơ Dear Basketball để nói lên nỗi lòng của bản thân với bộ môn bóng rổ, từ lúc anh còn là một đứa trẻ 6 tuổi xỏ tất của cha để chơi bóng, tập luyện cùng bàn ghế ngoài sân, cho đến ngày bước lên bục vinh quang và rồi quyết định chia tay với “người bạn thân” suốt bấy nhiêu năm.
Có lẽ bản thân Kobe Bryant cũng không ngờ rằng Dear Basketball lại đem tới cho anh vinh quang tại một bộ môn khác: điện ảnh. Bài thơ sau đó được nhà làm phim Glen Keane chuyển thể thành một tác phẩm hoạt hình ngắn, với thời lượng dài gần 6 phút.
Trong lĩnh vực phim hoạt hình, tên tuổi Glen Keane thực tế cũng đáng kính trọng chẳng kém gì Kobe Bryant. Người đàn ông 65 tuổi đã có 37 năm đầu quân cho Disney trước khi nghỉ việc vào 2012. Trong gần bốn thập kỷ đó, Keane từng tạo ra nhiều nhân vật đáng nhớ, như nàng tiên cá Ariel ở The Little Mermaid, Quái vật ở Beauty and the Beast, đồng thời dìu dắt vô số tài năng hoạt hình vẽ tay thuộc thế hệ kế cận.
Việc Dear Basketball nhận đề cử, sau đó thắng giải Oscar, khiến chính bản thân Kobe Bryant và người cộng sự Glen Keane cũng cảm thấy ngạc nhiên. |
Đầu năm 2018, khi Dear Basketball nhận đề cử Oscar cho Phim hoạt hình ngắn xuất sắc, Kobe Bryant đã thốt lên trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí Variety rằng: “Chuyện này nằm ngoài sức tưởng tượng của cả tôi lẫn Glen”.
Để thực hiện Dear Basketball, cả hai còn cộng tác với John Williams - nhà soạn nhạc lừng lẫy với 52 đề cử và 5 lần giành chiến thắng tại Oscar trong sự nghiệp, và là tác giả của hàng loạt bản nhạc nền hùng tráng trong loạt Star Wars, Indiana Jones, Schindler’s List, Harry Potter…
Những nét vẽ tay uyển chuyển, phần nhạc nền giàu cảm xúc, bài thơ đầy chân thành, tất cả giúp tạo nên Dear Basketball. Khi thực hiện bộ phim, Glen Keane đã yêu cầu Kobe Bryant tái hiện một số động tác khó để ông cùng đội ngũ họa sĩ có thể làm việc. Nhà làm phim đồng thời buộc Bryant phải tiết lộ nhiều điều về cuộc đời, đặc biệt là thuở ấu thơ, để đưa vào trong phim.
Còn với các phân đoạn Kobe Bryant thi đấu cùng đối thủ, Glen Keane và ê-kíp đã theo dõi hàng trăm đoạn video tư liệu trên mạng Internet để chọn ra những khoảnh khắc đắt giá nhất của cựu danh thủ huyền thoại.
Quả thực, nhiều người ban đầu sẽ cảm thấy thắc mắc bởi làm sao chưa đầy 6 phút ngắn ngủi lại có thể tái hiện sự nghiệp hiển hách của Kobe Bryant trên các sàn đấu bóng rổ. Song, bộ phim thực tế không tập trung kể lại những thời khắc vinh quang hay thành tựu của cựu danh thủ hàng đầu.
Bộ phim không kể lại sự nghiệp vinh quang của Kobe Bryant. Giống như bài thơ, Dear Basketball chỉ đơn giản là những cảm xúc của anh với "người bạn" bóng rổ, qua đó giúp khán giả cảm nhận được vẻ đẹp của bộ môn thể thao. |
Dear Basketball chỉ đơn giản là một chuỗi hình ảnh minh họa cho những tâm tư, cảm xúc, từ lúc còn là một cậu bé 6 tuổi cho tới khi quyết định giải nghệ, của Kobe Bryant với trái bóng, với sàn đấu 10 người, nằm trong bài thơ đầy chân thành.
Bất cứ ai cũng mang trong mình giấc mơ thuở ấu thơ, nhưng không phải ai cũng đủ quyết tâm, kiên trì để theo đuổi nó tới cùng khi lớn lên như Kobe Bryant với bộ môn bóng rổ. Anh tự cho rằng bản thân chỉ có một mục tiêu duy nhất trong đời, và rốt cuộc đã đạt tới đỉnh vinh quang cùng nó.
Do đó, kể cả những ai không thường xuyên theo dõi bóng rổ hay thậm chí không quan tâm đến bộ môn, chỉ biết rằng Kobe Bryant là một cái tên thuộc “hàng top” trong lĩnh vực thể thao, khi theo dõi Dear Basketball, họ sẽ vẫn cảm thấy vô cùng xúc động trước tấm chân tình của người vận động viên chuyên nghiệp.
Cảm xúc ấy càng trở nên thăng hoa bởi những nét vẽ điêu luyện của Glen Keane, và phần nhạc nền tuyệt vời của John Williams. Chỉ trong chưa đầy 6 phút, có thể nói Dear Basketball đã khắc họa gần như đầy đủ vẻ đẹp của bóng rổ, cũng như cách mà bộ môn thể thao đã thay đổi một cá nhân ra sao.
Cho đến sau cùng, hình ảnh Kobe Bryant khi 6 tuổi và Kobe Bryant lúc đã trưởng thành hòa vào làm một ở đoạn kết của Dear Basketball cho thấy đứa trẻ năm nào trong mỗi con người vẫn luôn tồn tại. Những ước mơ cháy bỏng sẽ chẳng thể nào bị dập tắt, và hoàn toàn có khả năng trở thành hiện thực với những ai thực sự đam mê, thực sự chân thành với nó.
Kobe Bryant cùng Glen Keane ăn mừng chiến thắng tại lễ trao giải Oscar lần thứ 90. |
Cuối cùng, Glen Keane và Kobe Bryant đã cùng nhau đứng trên sân khấu lễ trao giải Oscar 2018 với tượng vàng trên tay. Chàng danh thủ thêm một lần nữa “ghi điểm” đầy ấn tượng, bởi chưa có bất cứ cựu vận động viên thể thao nào khi lấn sân sang lĩnh vực phim ảnh được Viện hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh Mỹ vinh danh trong suốt hơn 90 năm lịch sử giải thưởng Oscar.
Tạm biệt Kobe Bryant, và xin cảm ơn về những khoảnh khắc thăng hoa mà anh đã đem lại cho khán giả trong suốt nhiều năm qua.