5 ngày đã qua, H.T. (TP Thủ Đức, TP.HCM) vẫn chưa thể quên cảm giác lo lắng và rối ren khi đưa bạn cùng nhà nhập viện cấp cứu lúc nửa đêm.
Theo T., bạn cô xuất hiện một số triệu chứng nghiêm trọng như khó thở, tim đập nhanh trong đêm 10/8 sau khi tiêm vaccine Covid-19 vào buổi sáng cùng ngày. Sự cố xảy ra đột ngột, T. loay hoay tìm mọi cách đưa bạn đến bệnh viện và những vấn đề phát sinh không thể lường trước bắt đầu xảy đến.
Mọi thứ đều bị động
Chia sẻ với Zing, T. cho biết ngay sau khi xác định tình trạng nguy hiểm của bạn mình, cô đã gọi điện đến số điện thoại được in trên giấy chứng nhận tiêm chủng để xin hỗ trợ hoặc hướng dẫn, tuy nhiên không thể liên lạc.
T. cũng gọi điện đến các đường dây nóng y tế khác nhưng những số điện thoại này luôn trong tình trạng bận.
Thậm chí, khi quyết định tự đưa bạn mình đến bệnh viện cấp cứu, T. còn không thể gọi được taxi. Cô phải liên hệ và nhờ những người hàng xóm cùng chung cư của mình giúp đỡ, được đưa đến bệnh viện gần nhất.
"Mình lo sợ quá, lên nhóm chat mạng xã hội của chung cư để cầu cứu. May mắn, chúng mình được một anh hàng xóm có ôtô xung phong đưa đến bệnh viện.
Từ nhà đến Bệnh viện Lê Văn Thịnh không xa nhưng nhiều cung đường đã bị lập hàng rào dây thép gai. Anh hàng xóm phải đi vòng nhiều đường khác mới đến được bệnh viện", T. kể lại.
T. chờ bạn bên ngoài phòng cấp cứu tại bệnh viện. Ảnh: NVCC. |
Tại bệnh viện, bạn của T. được sơ cứu và xét nghiệm nhanh Covid-19 tại phòng chờ ngoài cổng. Khi có kết quả âm tính nCoV, cô gái được chuyển đến Khoa Cấp cứu và sau đó tiếp tục lên Khoa Tim mạch với kết quả xét nghiệm PCR âm tính.
Khi bạn đã nhập viện, các sự cố khác lại xảy đến với T.
Trước đó khi rời nhà, do quá vội vàng, T. chỉ kịp mang theo một chiếc điện thoại còn 26% pin, đã hết dung lượng 3G, một khẩu trang và một chiếc ví không có tiền mặt ngoài thẻ ngân hàng.
Không có tiền mặt, T. không thể chi trả các chi phí trong bệnh viện bởi hầu hết dịch vụ tại đây không chấp nhận thanh toán trực tuyến.
"Mình không mua được cháo cho bạn vì hàng ăn ở bệnh viện không nhận thanh toán qua thẻ hoặc chuyển khoản, cây ATM ngoài cổng bệnh viện cũng không rút được tiền.
Thậm chí, mình còn không có đủ 50.000 đồng tiền mặt để đặt cọc thẻ ra vào dành cho người nhà bệnh nhân. Mọi thứ đều bị động đối với mình
Mình đã phải vay tiền của một chị là người nhà bệnh nhân, sau đó chuyển khoản trả chị.
Ngoài ra, chiếc điện thoại iPhone của mình thông thường đi đâu cũng mượn được sạc, thế nhưng ở viện, ai cũng lắc đầu không có. Đến 3h rạng sáng, chị y tá mới tìm khắp nơi cho mình được chiếc sạc", T. chia sẻ.
Bên trong một điểm lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 tại TP.HCM. Ảnh: Chí Hùng. |
Khi tình trạng bạn đã trở nên ổn định hơn, T. xin phép y ta được về nhà lấy đồ. Tuy nhiên, cô được khuyên là không nên về bởi mỗi lần ra vào bệnh viện đều phải xét nghiệm Covid-19 2 lần, quá trình di chuyển cũng khá phức tạp do không có sẵn phương tiện công cộng.
Trong phòng bệnh, T. và bạn mình đều nóng bức nhưng không có quần áo thay, khăn lau mồ hôi và xà bông rửa mặt. Cô gái cho biết đã thật sự thấy bất tiện, tuy nhiên vẫn phải giữ bình tĩnh, sẵn sàng tâm lý để ở lại bệnh viện nhiều ngày.
May mắn, sức khỏe của bạn T. sau đó đã tiến triển tốt. Cả 2 cô gái được ra về sau 20 tiếng nhập viện.
Hãy sẵn sàng
Một ngày đưa bạn đi cấp cứu giữa giai đoạn dịch bệnh căng thẳng tại TP.HCM là trải nghiệm không thể nào quên đối với T. Theo cô, những sự cố đến với mình phần lớn là do tâm lý rối ren, vội vàng, dẫn đến không thể chuẩn bị kỹ lưỡng.
T. cho rằng tình huống mình gặp phải có lẽ sẽ xảy đến với khá nhiều người khác. Do vậy, cô muốn chia sẻ kinh nghiệm của mình để mọi người có thể tránh được bị động.
"Các bạn cần chuẩn bị một hành trang hoặc ít nhất là danh sách những đồ cần thiết phòng cho tình huống phải nhập viện bất ngờ.
Hành trang này bao gồm: tiền mặt, bảo hiểm y tế, 1-2 bộ quần áo sạch, sạc dự phòng, nhiều khẩu trang, kính chống giọt bắn, khăn mặt, khăn ướt có cồn, giấy vệ sinh, giấy tờ tùy thân, ít đồ ăn nhanh… Chúng mình đã phải thanh toán toàn bộ viện phí khá tốn kém bởi không mang theo bảo hiểm y tế.
Tiếp đến, bạn cần phải xác định được cơ sở y tế gần nhất và phương tiện có thể giúp bạn di chuyển trong trường hợp cần cấp cứu. Đừng để đến lúc gặp chuyện mới tìm kiếm những thông tin này. Mình tìm bệnh viện và người đưa đi bệnh viện chỉ trong khoảng 5-7 phút, Nhưng với một người đang khó thở như bạn mình, 5-7 phút này thực sự thử thách giới hạn chịu đựng", T. cho hay.
T. cũng cho rằng những người sau khi tiêm vaccine Covid-19 không nên ở nhà một mình, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh hiện tại. Ngoài ra, mỗi người đều cần phải kết nối với hàng xóm hoặc tổ dân phố để có thể được hỗ trợ nhanh nhất khi nguy cấp.
"Giai đoạn này, đa số chúng ta sống bằng tình làng nghĩa xóm. Chúng ta cần giữ một thái độ bình tĩnh và tích cực trong mọi việc. Thái độ bình tĩnh và dễ chịu sẽ giúp cho mọi việc trôi chảy chứ không phải là những cơn thịnh nộ", T. nói.
Theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC), tính đến 6h ngày 15/8, thành phố có 147.929 trường hợp mắc Covid-19 đã được Bộ Y tế công bố.
Về chiến dịch tiêm chủng vaccine Covid-19, Sở Y tế TP.HCM cho biết trong ngày 14/8, thành phố đã tổ chức tiêm vaccine phòng Covid-19 cho 85.608 người.
Như vậy từ 22/7 đến hết 13/8, TP.HCM đã tổ chức tiêm vaccine Covid-19 cho tổng cộng 3.490.295 người.