Đến Bát Tràng chơi gốm
Ngày càng có nhiều bạn trẻ và khách du lịch nước ngoài chọn Bát Tràng làm điểm đến cho ngày nghỉ cuối tuần bởi dịch vụ “chơi gốm” ở đây. Thật thú vị khi sau buổi đi chơi, bạn có thể mang về một tác phẩm do chính mình làm ra.
Ngoài phương tiện xe máy, bạn có thể đón xe buýt tại chân cầu Long Biên để đến làng Bát Tràng, thuộc huyện Gia Lâm, Hà Nội. Ngay từ đầu làng, bạn có thể dễ dàng bắt gặp nhiều biển hiệu đề “Sân chơi khách du lịch: vuốt - nặn - vẽ” kèm theo tên chủ xưởng và số điện thoại. Vừa vào đến làng, nhiều người phụ nữ đã đon đả mời chào tôi với những lời giới thiệu như: “Xưởng nhà chị vừa rộng vừa mát lại có người hướng dẫn miễn phí.”. Ngoài vuốt - nặn - vẽ, các xưởng ở đây cũng cung cấp dịch vụ ăn uống, nghỉ trưa...
Tôi ghé xưởng nhà ông Phùng Huy vào đúng giờ cao điểm. Xưởng khá rộng, gồm cả căn nhà hai tầng với diện tích hơn 200m2, có thể đón 100 khách cùng lúc. Trong xưởng, nhiều bạn trẻ đang say sưa quay quay, xoay xoay bên những chiếc bàn nặn. Tay ai cũng nhầy nhụa đất, quần áo nhem nhuốc đất, mực. Trong số họ có khá nhiều du khách nước ngoài cũng đang chú tâm vào tác phẩm của mình.
Chỉ với một tảng đất sét đã qua xử lý, một chậu nước lã, chiếc bàn xoay gắn mô - tơ điện và một chút khéo tay là bạn đã có thể trở thành “nghệ nhân Bát Tràng”. Bạn dùng tay nặn sẵn một dải đất sét và đặt nó vào vòng quay bàn xoay. Sau đó, chân đạp để mô - tơ quay bàn xoay, đồng thời tay vuốt đất (vuốt chủ yếu bằng hai ngón tay phải), trông bạn đã ra dáng một nghệ nhân gốm chuyên nghiệp!
Tôi thì chẳng chú tâm vào tác phẩm của mình bằng việc quan sát "trò chơi" của mọi người. Thật thích thú. Nhiều người xoay mãi, xoay mãi mất cả giờ đồng hồ cũng chẳng thành thứ gì, chén cũng không mà cho là đĩa thì càng sai. Một người đã nặn xong cái bình, giờ đang tô vẽ những hoa văn. Có người nặn hẳn một bức tranh gốm phố cổ Hà Nội, rồi trang trí thêm những tà áo dài thướt tha. Đôi khi khách chơi gốm còn sáng tạo cả những hình trái tim, đôi dép, cái chuông, quả bóng, thậm chí cả trứng chim cút...
Sau công đoạn vuốt, nặn trên bàn xoay, sản phẩm sẽ được đưa vào bếp nung cho cứng lại. Khoảng 10 - 15 phút sau, các tác phẩm mới được trở về tay chủ nhân của mình để mang lên bàn trang trí hoa văn.
Khách đến chơi gốm, dù quần áo lấm lem, dù chân tay nhem nhuốc, dù đem về đôi khi chỉ là một sản phẩm thô kệch, nhưng với nụ cười vẫn nở trên môi khi rời xưởng gốm, tôi tin rằng họ được hai thứ: niềm vui và sự trải nghiệm...
Theo Phụ Nữ TPHCM