Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Đèn đỏ' chuyển màu có nguy hiểm không?

Theo bác sĩ, vấn đề “đèn đỏ” chuyển sang sẫm màu là điều bình thường. Dấu hiệu nguy hiểm khi chúng là màu xanh, vàng hoặc trắng.

- Trước đây tôi có chu kỳ “đèn đỏ” khá đều đặn. Từ khi mang bầu em bé thứ hai, tôi tăng 22 kg sau đó có giảm rồi lại tăng hơn khi mang bầu. Hiện con gái tôi hơn 2 tuổi, tôi vừa cai sữa cho cháu và có ăn kiêng để giảm được gần 10 kg. Tuy nhiên, từ khi giảm cân tôi thấy chu kỳ “đèn đỏ” không còn đều đặn như trước, mà tháng có, tháng không.

Có lần tôi mất kinh 2 tháng, khiến tôi lo lắng vì tưởng lại mang bầu. Máu kinh cũng không có màu tươi như mọi khi mà trở nên sẫm màu, gần như là màu nâu, thi thoảng còn bị vón cục. Mong chuyên mục cho biết, tình trạng của tôi có nguy hiểm không? Vì sao tôi lại bị thế?

Bác sĩ Liên Hồng tư vấn:

- Do bạn bị mất kinh, tháng có, tháng không nên vấn đề “đèn đỏ” không đỏ mà chuyển sang sẫm màu là điều bình thường, vì trong kì kinh nguyệt của phụ nữ, lớp niêm mạc tử cung bong ra khiến bạn chảy máu. Lượng máu này càng nằm lâu trong cơ thể thì chúng càng sẫm màu. Màu sắc “đèn đỏ” chỉ nguy hiểm khi chúng là màu xanh, vàng hoặc trắng. Khi đó, bạn nên đến gặp bác sĩ ngay lập tức và làm các xét nghiệm vì rất có thể bạn đã bị viêm nhiễm.

Bạn cũng không nên quá lo lắng khi trong chu kỳ “đèn đỏ” có xuất hiện những cục máu nhỏ như đồng xu bởi vào những ngày đầu của chu kì, khi lượng máu mất nhiều nhất, cơ thể không thể sản sinh ra kịp những chất chống máu đông nên máu sẽ vón cục lại như vậy. Tuy nhiên, nếu bạn thấy cục máu to hơn đồng xu kèm theo những triệu chứng như chóng mặt, đau đầu thì nên đến bác sĩ bởi điều đó chứng tỏ bạn bị mất quá nhiều máu cho mỗi kỳ “đèn đỏ”, có thể do viêm nhiễm hoặc thiếu cân bằng hormone.

Việc bạn tự dưng bị phập phù chu kỳ “đèn đỏ”, tháng có, tháng không có thể là do bạn đã thực hiện chế độ ăn kiêng quá mức. Bởi vì khi bạn nhịn ăn, các hormone bị rối loạn và vì thế chu kỳ “đèn đỏ” cũng bị thay đổi. Nếu 2 tháng chu kỳ này mới xuất hiện thì cũng có thể được coi là bình thường. Tuy nhiên, nếu 3 tháng mà không thấy xuất hiện “đèn đỏ” thì bạn lại cần phải đến gặp bác sĩ vì lúc này không còn phụ thuộc vào yếu tố các hormone thay đổi do bị giảm cân nữa.

http://giadinh.net.vn/phong-the/den-do-chuyen-mau-co-nguy-hiem-khong-20141212115500425.htm

Theo BS Liên Hồng/Báo Gia Đình & Xã Hội

Bạn có thể quan tâm