Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đến Nha Trang, dạo chơi dưới đáy biển

Bạn đã bao giờ nghĩ đến việc mình sẽ dạo bước trong lòng đại dương, tung tăng vui đùa cùng đàn cá và thoải mái chụp ảnh kỷ niệm bên những rạn san hô?

Đi bộ dưới đáy biển

Tôi thuộc dạng người không biết bơi, nên dù đã định cư ở Nha Trang được hơn 7 năm vẫn chưa bao giờ tắm biển. Có lần theo chân người bạn là huấn luyện viên lặn biển ra Hòn Mun để được trải nghiệm cảm giác của một trong những sản phẩm du lịch đặc trưng ở Nha Trang, dù đã được bạn hướng dẫn kỹ cách hít thở, ngôn ngữ giao tiếp dưới nước, thao tác điều khiển thiết bị lặn và trực tiếp theo kèm. Nhưng khi xuống nước, mọi thứ xung quanh đối với tôi vẫn cứ như trời đất đóng sầm cửa lại, và tuột ống thở ra khỏi miệng. Tôi uống no nước biển. 

Lần này, khi nghe tin ở bè du lịch Labixa đóng tại khu vực biển Hòn Một (thuộc vịnh Nha Trang) đưa vào hoạt động một loại hình lặn biển theo cách mới, tôi cũng háo hức muốn được xem, dù ấn tượng về lần lặn biển trước đây vẫn còn ám ảnh. Khi được nhân viên trên bè đến đề nghị thử một lần cho biết, tôi thành thật nói điểm yếu của mình và từ chối. “Anh cứ yên tâm thử đi. Đơn giản lắm, trẻ em 6 tuổi, người già trên 70 tuổi còn lặn được thì anh sợ gì”, hướng dẫn viên trên bè khích lệ.

Du khách thích thú với loại hình du lịch mới lạ này.
Du khách thích thú với loại hình du lịch mới lạ.

Khi nước biển ngập ngang vai, người bạn đồng hành bảo tôi dừng lại và đội lên đầu một chiếc mũ giống hệt phi hành gia chuẩn bị thám hiểm vũ trụ. Chiếc mũ này nặng gần 40 kg, vậy mà khi xuống nước bỗng trở thành chiếc phao nhẹ hẫng. Lần theo bậc cầu thang, chẳng mấy chốc tôi đã chạm chân vào đáy biển. Áp suất dòng chảy khiến 2 bên tai hơi bị nhức, ngay lập tức tôi áp dụng bài học nuốt nước bọt thật nhiều lần, cơ thể dần dần trở lại trạng thái cân bằng. Chúng tôi thoải mái dạo bước trong lòng đại dương, thong dong chiêm ngưỡng thế giới san hô muôn hồng ngàn tía… lung linh trong làn nước.

Hướng dẫn viên trao cho tôi một lọ đựng bánh mì và ra hiệu hãy cho cá ăn. Quả nhiên, khi tôi vừa thả mồi, đàn cá lao tới tranh giành “khẩu phần” theo cách riêng của loài cá,. Nhiều con háu ăn lao tới cắn, rỉa quanh người tôi. Không bỏ lỡ cơ hội, nhóm chúng tôi tranh thủ chụp ảnh kỷ niệm dưới đáy biển, rồi tiếp tục hành trình thám hiểm. Thật thú vị khi tận mắt chứng kiến xác một con thuyền bị bão đánh chìm từ 20 năm trước vẫn im lìm dưới đáy đại dương, xa hơn là những tiểu cảnh giả sơn - giá thể cấy ghép san hô tựa như hang đá dành riêng cho loài cá rạn.

15 phút trôi qua thật nhanh, tiếng kẻng vang lên, đó là lúc hướng dẫn viên thông báo đã hết giờ. Trở lại điểm xuất phát trên bè, thật bất ngờ vì chiếc mũ đặc biệt che cho đầu không bị ướt, chúng tôi nhanh chóng trở lại trạng thái bình thường. 

“Tôi chưa bao giờ đi lặn biển nên cũng hơi e ngại, nhưng sau khi thử thì thấy mọi việc diễn ra thật đơn giản. Quá bất ngờ, dạo chơi trong lòng biển với tôm, cá, san hô…giống hệt lang thang trong những khu vườn đầy chim muông, hoa trái...”, anh Hoàng Quốc Việt, khách du lịch đến từ Hải Dương nhận xét. Còn chị Võ Thị Như Ý đến từ TP HCM từng đi lặn biển ở Nha Trang, Phú Quốc, Cù Lao Chàm so sánh: “Lặn biển theo kiểu này, mình có thể hít thở tự do bằng mũi chứ không phải bằng miệng như lặn bằng bình khí. Người lặn rất thoải mái đi bộ dưới đáy biển còn lặn biển thông thường thì mình phải bơi, chân bị hổng nên rất ngợp. Phụ nữ như tôi lặn xong không cần phải trang điểm lại vì đầu, tóc hoàn toàn khô ráo”. 

Du khách có thể cho cá ăn.
Du khách có thể cho cá ăn.

Có thể thấy, với việc không cần mang theo bộ đồ lặn lỉnh kỉnh như bình ôxy, cục chì, chân vịt, ống thở, kính lặn, quần áo lặn chuyên dụng…., lặn biển theo kiểu mới rất đơn giản vì vậy có nhiều gia đình đã đăng ký cho cả trẻ 6 tuổi và người già trên 75 tuổi tham dự tour này.

Sản phẩm độc đáo

Đi bộ dưới đáy biển là loại hình du lịch khá phổ biến và được ưa chuộng ở Thái Lan, Malaysia và một số nước khác. Tuy nhiên, ở Việt Nam mới xuất hiện trong thời gian gần đây và Nha Trang là nơi được lựa chọn để thực hiện đầu tiên. Nói về điều này, ông Lê Hồng Tài - Giám đốc Công ty Holiday Diving Nha Trang (đơn vị quản lý sản phẩm) - cho biết: “Đánh giá một cách khách quan, biển đảo ở Nha Trang rất đẹp, đẹp hơn ở Pattaya, Phuket của Thái Lan. Nhưng ở Pattaya, Phuket lại có rất nhiều các dịch vụ đi kèm. Vì thế, tôi muốn đưa đến Nha Trang một số sản phẩm du lịch biển mà đi bộ dưới đáy biển là cuộc thử nghiệm đầu tiên”. 

Cũng theo ông Tài, sau một thời gian khảo sát tìm hiểu nhiều địa điểm khác nhau trên vịnh Nha Trang thì khu vực biển Hòn Một đáp ứng được các điều cần thiết. Vị trí được chọn có diện tích mặt nước khoảng 500 m2, từ mép bờ đảo Hòn Một ra đến bè dài khoảng 30 m. Biển có độ sâu khoảng 5m, tương đối kín gió, nước trong xanh.

Để sản phẩm đi bộ dưới đáy biển đi vào hoạt động, từ hơn 8 tháng trước, công ty đã thực hiện việc đóng bè, lắp đặt thiết bị máy móc, giăng phao bảo vệ không cho ghe thuyền qua lại, tuyển chọn đào tạo nhân sự, dọn dẹp lối đi dưới đáy biển, tạo các tiểu cảnh…. Công việc khó khăn và đòi hỏi nhiều thời gian nhất chính là cấy ghép san hô và tìm cách thu hút cá biển về trú ngụ trong các rạn san hô. Khu vực này có san hô, nhưng khá nghèo nàn. “Chúng tôi phải xin phép cơ quan chức năng để được áp dụng việc cấy ghép, tái tạo rạn san hô ở đây cho đẹp hơn, đa dạng hơn” - ông Tài nói. Đến thời điểm này, việc cấy ghép san hô đã đạt được kết quả như mong đợi, hy vọng thời gian tới rạn san hô ở đây sẽ sinh trưởng tốt để phục vụ nhu cầu chiêm ngắm của du khách mỹ mãn hơn.

Du khách chụp ảnh lưu niệm trong lòng biển.
Du khách chụp ảnh lưu niệm trong lòng biển.

Giải thích về thiết bị lặn biển, ông Tài cho biết thêm: “Chiếc mũ trông như “nồi cơm điện” chính là thiết bị hiện đại có tác dụng đảm bảo an toàn tuyệt đối cho khách trong suốt thời gian đi bộ dưới đáy biển”.

Hệ thống máy nén khí oxy gồm máy bơm, bình chứa khí nén có dung tích 250 m3. Khí oxy từ các bình chứa được đưa đến hệ thống điều khiển trung tâm. Tại đây, khí oxy tiếp tục được lọc qua 3 lần trước khi cung cấp tới mũ lặn thông qua ống dẫn bằng nhựa đặc biệt không bị gấp khúc. Chiều dài của ống dẫn từ máy đến mũ là 35 m, vừa bằng khoảng không gian khách di chuyển dưới đáy biển. Về chiếc mũ lặn biệt được cấu tạo vỏ bên ngoài bằng chất liệu polycarbon, lõi bên trong bằng sắt, mũ có một đầu nối với ống dẫn khí oxy, phía dưới phần cổ mũ là những lỗ thoát không khí do người dùng thở ra.

“Tất cả hệ thống thiết bị máy móc này đều được chúng tôi nhập khẩu từ nước ngoài về. Đặc biệt, máy điều khiển trung tâm và mũ đội được sản xuất ở Nhật Bản theo tiêu chuẩn quốc tế. Giá của mỗi bộ sản phẩm gồm bình nén khí, máy điều khiển trung tâm, 5 chiếc mũ vào khoảng 6 tỷ đồng. Độ an toàn của những thiết bị này rất cao và đều được nhà sản xuất bảo hành lâu dài”, ông Tài nói.

Sản phẩm du lịch đi bộ dưới đáy biển tuy đang trong thời gian hoạt động thử nghiệm, nhưng theo ý kiến đánh giá của đại diện một số cơ quan chức năng liên quan thì đây là sản phẩm vừa mới lạ, độc đáo lại mang tính chất bảo vệ môi trường sinh thái biển. Được Sở VHTTDL cho phép triển khai hoạt động thử nghiệm từ dịp Tết Nguyên Đán Ất Mùi, hiện đơn vị cung cấp dịch vụ đang chờ kết quả đăng kiểm thiết bị để có thể chính thức khai trương vào mùa du lịch hè. Chi phí cho một lần đi bộ dưới đáy biển khoảng 15 phút là 800.000 đồng một người, cao hơn giá lặn biển thông thường, nhưng so với sản phẩm cùng loại của các nước trong khu vực Đông nam Á thì chưa bằng 50%. 

Nên thử trò chơi trên biển nào ở Nha Trang?

Chào các bạn. Mình nghe nói ở Nha Trang có rất nhiều trò chơi trên biển thú vị như flyboard, đi bộ dưới biển.

http://laodong.com.vn/an-choi-nhay-mua/den-nha-trang-dao-choi-duoi-day-bien-319609.bld

Theo Hải Minh / Báo Lao động

Bạn có thể quan tâm