Danh thắng núi Thần Đinh
Cách trung tâm thành phố Đồng Hới khoảng 25 km, núi Thần Đinh được cuốn "Ô Châu cận lục" của tiến sĩ Dương Văn An mô tả có cảnh quan nguy nga, thế hùng dũng trùm bốn trăm cõi. Núi có độ cao 342 m so với mực nước biển. Đứng từ trên đỉnh, du khách phóng tầm mắt về phía cửa biển Nhật Lệ, thành phố Đồng Hới, cảnh trí non sông, gấm vóc sẽ dần hiện ra. Để được thưởng ngoạn vẻ đẹp của khung cảnh thiên nhiên nơi đây và dâng hương cửa phật ở chùa Non trên đỉnh Thần Đinh, du khách phải vượt qua chặng đường dốc với 1.260 bậc đá. Lên núi, quý khách có thể chiêm bái ở chùa, miếu, xuống giếng Tiên lấy nước thánh, vào động Thần Đinh chiêm ngưỡng quần thể các vị Phật cuối động do mầm đá tạo ra và tán lọng do nhũ đá hình thành nên bên vách với nhiều ảnh sắc kỳ bí, huyền diệu. Để đến với di tích Núi Thần Đinh, du khách từ thành phố Đồng Hới theo thuyền ngược dòng sông Nhật Lệ, lên Long Đại, rẽ sông Rào Đá là đến núi, hoặc di chuyển bằng đường bộ.
Hang Tám Cô
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh nói chung, đường 20 - Quyết Thắng nói riêng là những địa danh đã ghi đậm trang sử vẻ vang của dân tộc, đồng thời là tài sản vô giá về nghệ thuật quân sự Việt Nam. Hàng nghìn chiến sỹ, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, công nhân giao thông đã anh dũng hy sinh trên con đường huyền thoại này, trong đó có 13 anh hùng liệt sỹ là thanh niên xung phong và chiến sỹ pháo binh, hy sinh ngày vào 14/11/1972 khi đang làm nhiệm vụ bảo đảm giao thông tại đường 20 - Quyết Thắng. Chiến công, sự hy sinh anh dũng của các anh, chị đã trở thành biểu tượng thiêng liêng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng cũng như khát vọng hòa bình, độc lập của dân tộc Việt Nam. Ngày 4/6/1996, UBND tỉnh Quảng Bình làm lễ bàn giao, đưa 8 liệt sĩ về an táng tại quê nhà và hang Tám Cô trở thành di tích lịch sử linh thiêng trong vùng. Hàng năm, nơi đây đón rất nhiều du khách ghé thăm, bày tỏ lòng thành kính với sự hy sinh của anh hùng dân tộc. Cách đó khoảng 2 km là hang Y tá - nơi gắn liền với sự hy sinh của y tá Nguyễn Thị Sặng khi làm nhiệm vụ.
Bến phà Long Đại và đền tưởng niệm anh hùng liệt sĩ Trường Sơn
Một di tích lịch sử khác gắn liền với cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của quân dân Quảng Bình là bến phà Long Đại (thuộc huyện Quảng Ninh). Được xem là “tọa độ lửa” một thời, bến phà Long Đại thường xuyên phải hứng chịu bom đạn của kẻ địch do nằm ở ngã ba sông Kiến Giang, Long Đại, Nhật Lệ và đóng vai trò quan trọng trong việc vận chuyển lương thực, thực phẩm, vũ khí chiến đấu từ bắc vào nam. Trước sự công phá của mưa bom bão đạn, quân dân Quảng Bình vẫn kiên cường chiến đấu và giữ bến phà này trở thành địa điểm trọng yếu việc chi viện cho miền nam luôn được lưu thông. Rất nhiều người đã anh dũng hy sinh để giữ vững địa điểm chiến lược này. Với ý nghĩa quan trọng như vậy, năm 2013, đền tưởng niệm anh hùng liệt sĩ Trường Sơn đã được xây dựng bên cạnh bến phà Long Đại để ghi nhớ một thời hào hùng của quân dân Quảng Bình nói riêng, đất nước nói chung.
Hoành Sơn Quan
Hoành Sơn Quan là một trong những địa điểm du lịch nổi tiếng nhất của tỉnh Quảng Bình. Tọa lạc trên đỉnh đèo Ngang, Hoành Sơn Quan được mệnh danh là “cổng trời”, nơi du khách có thể ngắm nhìn toàn cảnh vùng đất từ trên cao. Hoành Sơn Quan có vị thế lịch sử, địa lý quan trọng của đất nước. Di tích này do vua Minh Mạng lập ra để kiểm soát việc thông quan, sau này trở thành phòng tuyến quan trọng trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Về mặt địa lý, Hoành Sơn Quan tạo ra ranh giới giữa tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh. Hiện tại, Hoành Sơn Quan vẫn giữ được nét cổ kính với nhiều dấu tích xưa và đã được xếp hạng là di tích lịch sử cấp tỉnh. Du khách có thể di chuyển tới đây bằng xe máy, ôtô dọc theo quốc lộ 1A, qua đèo Ngang khoảng 100 km.
Đền Thánh Mẫu Liễu Hạnh
Đền Thánh Mẫu Liễu Hạnh địa điểm du lịch tâm linh nổi tiếng nằm ở Đèo Ngang, Quảng Bình. Du khách tới đây thành tâm cầu bái nhằm mong mọi việc sẽ suôn sẻ như ý nguyện. Đền Mẫu Liễu Hạnh có tổng diện tích gần 350 m2, lưng tựa dãy Hoành Sơn, mặt soi bóng hồ Quảng Đông. Công trình được xây dựng bằng chất liệu chính là đá, gạch và vôi. Từ ngoài đi vào trong đền lần lượt là cổng đền, bức bình phong, cổng tam quan, hai trụ đầu lân trước điện thờ, đền Tiền, đền Hậu. Ngôi đền tuy không quá đồ sộ nhưng vẫn đậm chất mỹ quan Á Đông và bảo lưu được bản sắc văn hoá dân tộc. Toàn bộ kiến trúc của đền được sắp xếp cân đối từ thấp đến cao theo trục dọc, tạo nên nét trang nghiêm. Một trong những sự kiện quan trọng là lễ hội Đền Thánh mẫu diễn ra trong 3 ngày, từ 1/3 đến 3/3 âm lịch hàng năm, thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân, khách du lịch.
Tuyến nội dung “Quảng Bình - điểm đến thiên nhiên, hấp dẫn và khác biệt” nhằm mang đến cho bạn đọc góc nhìn mới về một Quảng Bình an toàn, thân thiện với nhiều điểm du lịch độc đáo, ẩm thực hấp dẫn.