Đến Thanh Hóa thăm thành nhà Hồ
Ngoài việc tắm biển ở Sầm Sơn, bạn còn có thể chiêm ngưỡng vẻ đẹp của hòn Trống Mái, ghé thăm hải đăng Hòn Dấu, một trong năm ngọn hải đăng nổi tiếng nhất nước, khám phá núi Cô Tiên hay viếng thăm đền Độc Cước.
Địa điểm vui chơi
Thắng cảnh được nhắc đến nhiều nhất hiện nay ở Thanh Hóa là thành Tây Đô (thành nhà Hồ, thành Tây Giai), di sản văn hóa thế giới của nước ta được công nhận vào năm 2011. Đây là tòa thành bên ngoài xây đá, bên trong chủ yếu là đắp đất, trên bình đồ kiến trúc gần vuông, hai mặt Nam và Bắc của thành nhà Hồ dài hơn 900m, Đông và Tây dài hơn 700m. Thành có 4 cửa. Cửa phía Nam rất giống cửa phía Nam thành Thăng Long. Ngoài điểm nhấn của một công trình độc đáo nhất Đông Nam Á, Thành nhà Hồ ẩn dấu bí ẩn về các phiến đá có chiều dài trung bình 1,5m, có tấm nặng tới 15-20 tấn xếp chồng lên nhau, không cần chất kết dính mà vẫn đảm bảo độ bền vững.
Kiến trúc và các mẫu vật khai thác tại Thành nhà Hồ. Ảnh: mytour, tienphong |
Thắng cảnh nổi tiếng thứ hai của tỉnh là Sầm Sơn với bờ biển dài, bằng phẳng, phong cảnh hùng vĩ, đã được người Pháp khai thác từ năm 1906 và nhanh chóng trở thành nơi nghỉ mát nổi tiếng của Đông Dương. Bên cạnh tắm biển, thưởng thức hải sản, tham gia các môn thể thao nước, bạn còn có thể lênh đênh trên biển chiêm ngưỡng vẻ đẹp của hòn Trống Mái, ghé thăm hải đăng Hòn Dấu, một trong năm ngọn hải đăng nổi tiếng nhất nước, khám phá núi Cô Tiên hay viếng thăm đền Độc Cước.
Suối cá thần Cẩm Lương thuộc làng Ngọc, xã Cẩm Lương, huyện Cẩm Thủy, cách thành phố Thanh Hóa hơn 70km về phía Tây với hàng ngàn con cá lớn nhỏ bám dày đặc suốt chiều dài hơn 100m của con suối cũng nhiều truyền thuyết, câu chuyện bí ẩn là điểm dừng chân thứ ba của bạn khi đến đây.
Ngoài ra, nếu có thời gian, bạn có thể tạm chia các địa danh còn lại của Thanh Hóa thành 2 nhóm là du lịch di tích gắn với những cái tên như đến đền bà Triệu, đền Đông Cổ, cụm di tích lịch sử Lam Kinh, khu Di tích Hàm Rồng, di tích Đông Sơn, cụm di tích Nga Sơn (động Từ Thức, cửa biển Thần Phù, Chiến khu Ba Đình, đền thờ Mai An Tiêm).... Và nhóm du lịch rừng gắn với hành trình khám phá vườn quốc gia Bến Én và vườn quốc gia Cúc Phương.
Thơ mộng Sầm Sơn. Ảnh: samsonvn |
Bình minh tên biển Sầm Sơn. Ảnh: samson247; vuonsinhthaitrungviet |
Sầm Sơn. Ảnh: tamtay |
Di chuyển
Bạn có thể đến Thanh Hóa bằng máy bay, tàu lửa hay xe khách. Phần di chuyển sẽ bắt đầu từ Hà Nội, các bạn ở nơi khác tham khảo thêm thông tin tại địa phương.
Bằng phương tiện công cộng
Bạn có thể mua vé xe khách tuyến Hà Nội – Thanh Hóa tại bến xe Giáp Bát hay đặt vé ở các hãng xe danh tiếng như Hùng Thăng, Hùng Cường, Đạt Hòa… Hay mua vé tàu tuyến Hà Nội - Thanh Hóa ở ga Hà Nội.
Bằng phương tiện cá nhân
Thanh Hóa cách Hà Nội khoảng 150km, quãng đường vừa phải cho một chuyến phượt cuối tuần.
Lưu ý khi di chuyển bằng phương tiện cá nhân nên mang đầy đủ giấy tờ xe. Chấp hành đúng luật giao thông đường bộ. Trang bị bao tay, khẩu trang, kính để an toàn khi vận hành. Trang bị điện thoại có chức năng google map để tiện di chuyển.
Đến vào thời điểm nào?
Bạn có thể đến Thanh Hóa bất kỳ thời điểm nào trong năm. Song nếu muốn hòa mình vào không khí lễ hội như lễ hội Pôồn Pôông của người Mường, lễ hội cầu ngư, lễ hội đền Sòng... bạn cần tham khảo thời gian diễn ra trước khi lên lịch trình.
Lưu trú
Khu vực trung tâm Thanh Hóa gồm các tuyến đường Lê Lợi, Trần Phú, Phan Chu Trinh, Nguyễn Trãi, ...Các bạn nên lên lịch trình cụ thể để chọn địa điểm thuận tiện. Đặt phòng trước khi đến.
Một số khách sạn tham khảo như khách sạn Bông Sen, khách sạn Bộ Xây Dựng, khách sạn Biển Đợi, khách sạn Công Đoàn…
Suối cá thần Cẩm Lương. Ảnh: mytour |
Vườn quốc gia Cúc Phương trong màn sương sớm. |
Đặc sản Thanh Hóa
Đến Thanh Hóa, bạn sẽ được thưởng thức những món đặc sản nổi tiếng như nem chua, chè lam Phủ Quảng, dê núi đá, gà đồi, bánh gai Tứ Trụ, các món chế biến từ hến làng Giàng, bánh đa cầu Bố, mía đen Kim Tân, chim mía và hải sản.
Một số địa chỉ ăn uống nên bỏ túi trước khi đến
Chả Tôm, cháo cá trên đường Phan chu Trinh; kem xôi ngã Ba Bia rẽ phải khoảng 30m; ốc, bánh khoái ở đường Tân Bình; bánh đa cua chỗ chợ vườn hoa mới; chân gà nướng đầu đường Cao Thắng; ốc trẻo ở gần cung văn hóa; cơm hến ở đường đôi, gần cầu vượt; bún huế ở gần chợ vườn hoa; bún riêu cua gần đầu đường Lê Quý Đôn; bún chả thì ở gần tượng Lê Lợi; cháo canh trước chợ vườn hoa mới; cháo lươn quán đối diện Cafe Oasis; bánh lá, bánh nếp gần đường Lê Hoàn; nem Rán cổng trường Hàm Rồng…
Mang gì khi đến Thanh Hóa?
Mang bất kỳ quần áo, giày dép nào bạn thích.
Mang dụng cụ đi nắng nếu đến vào mùa nắng và dụng cụ đi mưa nếu đến vào mùa mưa.
Mang kem chống muỗi, thuối trị côn trùng thuốc trị các bệnh thông thường.
Mang lều, áo khoác nếu có ý định cắm trại
Các cung đường thường gặp
Hà Nội – Thanh Hóa – Sơn La - Hòa Bình - Ninh Bình
Hà Nội – Thanh Hóa - Nghệ An
Hà Nội – Thanh Hóa - Hủa Phăn (Lào)
Huỳnh Hằng
Theo Infonet