Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đến với hang động khô dài nhất châu Á

Động Thiên Đường nằm trong vùng lõi của Di sản Thiên nhiên Thế giới vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng. Sững sờ và ngây ngất là cảm giác của bất cứ ai lần đầu đặt chân tới.

Quảng Bình, dẻo đất hẹp miền Trung với khí hậu khắc nghiệt, bỗng nhiên lóe sáng trong khoảng trên dưới 20 năm trở lại đây. Sự bừng thức của Quảng Bình được ví như chàng Thánh Gióng vươn vai cao muôn trượng. Cái vươn vai ấy đến khi người ta phát hiện ra sự kỹ vĩ, phong phú, đa dạng hiếm thấy của vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, với hệ thống hang động lớn và dài nhất thế giới.

Năm 2005, ông “vua hang động” Hồ Khanh đã đưa đoàn thám hiểm Hoàng gia Anh đến với một cửa động nhỏ xíu chỉ chừng hơn 4 mét vuông, lẫn vào cây cối, đá núi... Qua cửa hang nhỏ hẹp ấy là chốn tiên cảnh nghìn vạn năm vẫn giấu mình trong lòng núi. Thiên nhiên đã ban tặng cho Quảng Bình, cho Việt Nam một báu vật mà để tạo ra nó phải mất hàng triệu triệu năm. Quá sửng sốt trước vẻ đẹp của nó, những người phát hiện đã đặt cho động tên Thiên Đường.

Động Thiên Đường cách Hà Nội hơn 500km, cách thành phố Đồng Hới hơn 60km về hướng Tây Bắc và chỉ cách đường Hồ Chí Minh có hơn 4km. Đường đến Động Thiên Đường phải đi qua khu vực vào động Phong Nha khoảng hơn 20km, thuộc xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch. Động Thiên Đường nằm trong vùng lõi của Di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha- Kẻ Bàng, có niên đại hình thành cách đây khoảng 350 đến 400 triệu năm.

Động Thiên Đường. Ảnh: Quangbinhtourist.vn.
Động Thiên Đường. Ảnh: Quangbinhtouristm.vn.

Những khảo sát, khám phá của Hiệp hội Hang Động Hoàng gia Anh dưới sự chủ trì của tiến sĩ Howard Limbert đã đưa ra công bố: chiều dài của động tới 31,4 km, chiều cao 60 m, rộng dao động từ 30 m đến hơn 150 m, nằm ở độ cao 360 m so với mặt nước biển. Họ nhận định và đánh giá đây là hang động khô dài nhất châu Á. Đặc biệt hệ thống măng đá, nhũ đá ở đây có vẻ đẹp lung linh, huyền ảo, kỳ thú, kỳ vĩ ngoài sức tưởng tượng.

Dù đã từng đặt chân đến nhiều hang động của Việt Nam, đến đây, sự tuyệt mỹ của động Thiên Đường đã khiến chúng tôi bàng hoàng với nhiều cảm xúc khó tả. Quả là một món quà kỳ vĩ mà thiên nhiên đã ban tặng cho Quảng Bình. Cảnh trí hiện ra trước mắt như thực như hư đến độ nhiều lúc không tin vào mắt mình.

Bước qua cửa động nhỏ đến ít ngờ và khiêm tốn hòa vào cảnh quan rừng núi, theo hệ thống cầu thang gỗ xuống hơn 60 m, không gian động mở ra mênh mông, vời vợi và cũng là bắt đầu của sự chiêm ngưỡng đến mê say. Hệ thống thạch nhũ và măng đá tạo tác nên muôn hình vạn trạng mặc sức cho trí tưởng tượng con người bay lượn đến tận cùng. Cung Thạch Hoa Viên với khối thạch nhũ như tượng Đức mẹ đồng trinh bế hài đồng. Cung Giao Trì là nơi Ngọc Hoàng bàn việc chốn thiên đình, xung quang là các tượng kỳ lân, phượng hoàng... Cung Quảng Hàn với khối thạch nhũ rủ xuống như bức rèm the chốn tiên nữ. Đây là chốn quần tiên hội tụ; kia là thầy trò Đường Tăng trên đường thỉnh kinh; kia là con đại bàng khổng lồ như đang trên trần hang cao sà xuống… Chỗ này là nhà rông Tây Nguyên, chỗ kia lại những đụn rơm quen thuộc của cảnh đồng áng nông thôn, rồi lại bất chợt thấy như hóa thạch, như đang rất sống động của một con cá đang như sống… Càng đi sâu vào, không khí càng mát lạnh, trong lành. Đặc biệt, động Thiên Đường có nhũ đá màu xám. Trên thế giới cho đến nay, loại này mới chỉ mới được tìm thấy ở Việt Nam.

Khác với nhiều hang động khác trên dải đất hình chữ S, ở động Thiên Đường, người ta làm hệ thống cầu thang bằng gỗ táu có tay vịn để du khách tham quan. Hiện nay hệ thống cầu thang gỗ mới làm được hơn 1 km, dự kiến có thể kéo dài tới vài km nữa. Cũng khác nhiều động, ở động Thiên Đường, hệ thống chiếu sáng là ánh sáng trắng đã tạo cảm giác thật để chiêm ngưỡng sự muôn hình, những sắc màu thật của nhũ, của đá...

Đến với động kỳ thú nhất của nước ta, cũng là động đẹp nhất châu Á, ngoài sự được thỏa “cơn khát thẩm mỹ”, lưu lại nơi đây là những ấn tượng đẹp về mọi việc con người đã làm. Sau khi xuống ô tô, khách được đưa trên xe điện do các cô gái trẻ, duyên dáng lái, đi xuyên dưới tán cây rừng đến nơi có hai đường lên động. Sự chu đáo, ân cần và cởi mở của đội ngũ những người phục vụ ở đây đã giúp chúng tôi thăng hoa trọn vẹn những những cảm xúc về Thiên Đường.

Tiên cảnh hư hư nơi mộng ảo

Ở chốn trần gian ngỡ ở trời. 

http://www.tgvn.com.vn/Item/VN/VanHoa-XaHoi/2015/5/36CDC559E85B2900/

Theo Cao Minh / Thế Giới Việt Nam

Bạn có thể quan tâm