Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đeo kính cận sai số nguy hiểm như thế nào?

Hành động sai lầm này có thể khiến bạn bị giảm hoặc mất thị lực hoàn toàn.

Theo khuyến cáo của các bác sĩ chuyên khoa mắt, rất nhiều người có quan niệm đeo kính thấp số hơn thực tế để tránh tăng độ cận. Quan niệm này hoàn toàn sai lầm và có thể gây ra những nguy hiểm cho mắt.

Nhược thị do đeo kính không đúng số

Ths.BS Phạm Thị Hằng, Trưởng khoa Khúc Xạ (Bệnh viện Mắt Quốc tế DND) cho hay trong quá trình khám và điều trị cho bệnh nhân, bác sĩ đã gặp rất nhiều trường hợp khi thấy mắt mờ nhòe chỉ đi khám và cắt kính tại các cửa hàng. Họ thường được khuyên chỉ cần đeo không đúng số, ví dụ cận 4 đi-ốp nhưng lại chỉ cắt kính 3-3,5  đi-ốp. Sai lầm này sẽ dẫn tới tình trạng mắt vẫn phải điều tiết và có thể tăng số đo mắt chưa được nhìn với thị lực tối đa. Điều này sẽ đẩy nhanh việc tăng số kính của bệnh nhân.

Việc khám và quyết định ra đơn kính cho một bệnh nhân là rất quan trọng đặc biệt ở những bé nhỏ do khả năng điều tiết của trẻ rất cao lên tới 5-7 đi ốp. Có những bệnh nhân mất 3-4 lần khám trong 2-3 tuần mới có thể quyết định ra được một đơn kính chính xác.

Đeo kính cận sai số còn có thể khiến những bệnh nhân có độ khúc xạ cao bị giảm hoặc mất thị lực.

Deo kinh can sai so anh 1
Người cận thị nên nên đi khám định kỳ 3-6 tháng/lần để kịp thời điều chỉnh số kính. Ảnh: Scienceabc.

Mối nguy hiểm khi tự ý cắt kính tại cửa hàng

Theo khuyến cáo của bác sĩ Hằng, rất nhiều bệnh nhân đến khám với tình trạng mắt mờ và khi chụp có độ khúc xạ (cận thị). Tuy nhiên, sau khi thăm khám và tra liệt điều tiết, mắt bệnh nhân lại hoàn toàn bình thường. Điều đó là do tình trạng điều tiết nhìn gần quá mức trong một thời gian dài gây ra tình trạng giả cận thị.

Nếu không được khám đầy đủ và tra liệt điều tiết, có thể bệnh nhân sẽ cắt một cặp kính cận để đeo và khiến mắt bị cận thị, tăng số do điều tiết mắt bị rối loạn.

Những trường hợp giả cận do điều tiết mắt nhìn gần quá chỉ cần nghỉ ngơi mắt, điều chỉnh điều tiết và dùng thêm một số thuốc hỗ trợ. Khi đó, thị lực bệnh nhân có thể trở lại bình thường. “Cận thị giả” hay gặp ở trẻ nhỏ hơn so với người lớn vì khả năng điều tiết của các em lớn hơn rất nhiều so với người trưởng thành.

Vì vậy, nếu người bệnh cắt kính chỉ đơn thuần dựa trên kết quả của máy đo khúc xạ mà không được khám và đánh giá theo một quy trình chuẩn, rất dễ dẫn tới tình trạng kính không chuẩn.

“Khi đo độ cận hay loạn thị mà chỉ bệnh nhân đọc bảng chữ, kiểm tra bằng máy đo khúc xạ là chưa đủ. Theo đúng quy trình người bệnh cần nhỏ thuốc liệt điều tiết mắt. Việc nhỏ thuốc mất thời gian chờ đợi nên nhiều cửa hàng bán kính bỏ qua công đoạn khám và đánh giá. Điều đó khiến cho nhiều trường hợp bị “cận thị giả” vẫn được kê đơn đeo kính", bác sĩ Hằng nói.

Việc đeo kính không đúng chỉ định trong thời gian ngắn cũng khiến bệnh nhân mỏi mắt, nhức đầu, buồn nôn, không tập trung, ảnh hưởng tới học tập và công việc... Nếu kéo dài, tình trạng này có thể tăng nặng hoặc dẫn đến bệnh khác nguy hiểm hơn như nhược thị, mất thị lực.

Trẻ nhỏ và người lớn xuất hiện các biểu hiện như hay nheo mắt, chảy nước mắt khi nhìn, xem tivi hoặc đọc sách... cần đến ngay cơ sở y tế chuyên khoa điều trị kịp thời. Người cận thị nên nên đi khám định kỳ 3-6 tháng/lần để kịp thời điều chỉnh số kính phù hợp.

Phạm Loan

Bạn có thể quan tâm