Có mặt trong căng tin trường tiểu học
Chất keo kết dính nhãn mác có màu da cam trẻ sử dụng để gắn móng tay giả, trên sản phẩm có ghi cảnh báo "tránh xa tầm tay trẻ em". Tuy nhiên trên thực tế, sản phẩm lại đang được bày trong các cửa hàng đồ chơi, có thể gây nguy hiểm cho sức khoẻ người dùng. Khảo sát thực tế tại thị trường TP.HCM cho thấy, sản phẩm dạng này hiện bán rải rác ở các đại lý hóa mỹ phẩm tại các chợ, cửa hàng bán đồ chơi trẻ em. Nguy hiểm hơn, loại móng tay này còn được bán trong một số căng tin trường tiểu học.
Tại căng tin trường một trường tiểu học thuộc quận Gò Vấp, TP.HCM, nhân viên bán hàng chỉ vào nhiều gói móng tay đủ màu sắc hoa sặc sỡ, kèm theo tuýp keo dán nhỏ màu cam cùng lời giới thiệu: "Móng này dán cho trẻ không sao hết, chỉ là dán chơi. Lau một cái là móng sạch luôn. Cả vỉ bán chỉ còn vài hộp này thôi. Trẻ gái thích loại đồ chơi này lắm. Giá 5.000đ/hộp".
Mở hộp đựng móng tay giả ra xem, chúng tôi thấy có hơn 10 móng nhựa kích cỡ lớn, nhỏ vừa với móng tay của trẻ, kèm theo một tuýp nhỏ, vỏ màu cam (được cho là keo dán móng) in kín chữ tiếng Anh ghi thành phần, trong đó có: Acetone, nhựa vinyl carboxyl, hexamethylene, methyl ethyl ketone và dibutyl phthalate, cùng với dòng chữ "tránh xa tầm tay trẻ em". Vừa mở nắp tuýp keo, mùi hăng hắc tỏa ra nồng nặc, bên trong tuýp là chất lỏng màu trong, sền sệt.
Điều đáng nói là một số phụ huynh không biết điều này. Chị Vũ Lan, ngụ phường Tân Thới Hiệp, quận 12, TP.HCM cho rằng: "Dán móng cho con "điệu" vài hôm, không sơn nhũ như người lớn sợ gì nhiễm độc chất!".
Hộp móng tay giả và keo dùng dán móng được bán cho trẻ em, tại căng tin một trường tiểu học quận Gò Vấp, TP.HCM. |
Đưa độc chất vào cơ thể
PGS.TS Hồ Sơn Lâm, Viện Khoa học Vật liệu ứng dụng, Viện Hàn lâm Khoa học & Công nghệ Việt Nam cho biết, thành phần của các chất làm sơn móng tay đều là hóa chất và không tốt cho sức khoẻ, đặc biệt ảnh hưởng đến đường hô hấp. Trong các chất kể trên thì methyl ethyl ketone và dibutyl phthalate (DBP) bị cấm hoặc hạn chế sử dụng tại một số nước.
Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ loại bỏ butanone từ danh sách các chất nguy hiểm gây ô nhiễm không khí. Thành phần DBP được thêm vào danh sách bị nghi ngờ là chất gây rối loạn nội tiết, ảnh hưởng tới khả năng sinh sản của nữ giới. Năm 2006, tất cả các nhà sản xuất lớn trên thế giới bắt đầu loại bỏ các hóa chất này từ sơn móng tay. Việc sử dụng các chất này trong mỹ phẩm, bao gồm đánh bóng móng tay bị cấm ở Liên minh châu Âu.
Cũng theo PGS.TS Hồ Sơn Lâm, dù móng dạng sừng nhưng là sừng sống, hóa chất sẽ ngấm qua móng vào máu. Keo dán phủ lên bề mặt móng để dán chặt móng giả gồm các thành phần PVC, nhựa còn nguy hiểm hơn cả sơn móng, nó bịt lại hết các lỗ xốp thoáng khí của móng, không cho móng hô hấp, khiến móng không phát triển được, lâu dần móng chết, sinh bệnh. Ngoài ra, keo còn rất dễ cháy.
Trên vỏ tuýp keo có ghi thành phần độc hại, đã bị cấm. |
Một cán bộ Phòng Quản lý Học sinh - Sinh viên, Sở Giáo dục & Đào tạo TP.HCM cho hay, quản lý đồ chơi bày bán trong khuôn viên trường học, trách nhiệm kiểm tra thuộc về ban giám hiệu. Nhà trường phải thường xuyên kiểm tra những sản phẩm đồ chơi, thức ăn bày bán trong căng tin để kịp thời xử lý nếu phát hiện vi phạm. Sở đã khuyến cáo, chỉ đạo các cơ sở trường lớp tuyệt đối không bán, mua kinh doanh các thực phẩm, đồ chơi không rõ nguồn gốc, lại không có liên quan đến giáo dục. Căng tin trường học có thể bán những dụng cụ, thiết bị liên quan đến học tập, thể dục thể thao, nhưng phải có xuất xứ rõ ràng. Nếu còn một số trường chưa kiểm soát tốt, Sở sẽ có biện pháp kiểm tra.
Theo các chuyên gia, cần cảnh báo để phụ huynh nhắc nhở con em và trách nhiệm của cơ quan chức năng trong việc quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm, sản phẩm trong trường học.
Da, móng tay trẻ em mỏng manh, dễ bị tổn thương, các thành phần độc hại tác động trực tiếp vào móng gây lở loét, thối, nấm móng, chưa kể về lâu dài các hóa chất sẽ ngấm qua móng vào cơ thể, nhiễm vào máu gây các bệnh nguy hiểm. Ngoài ra, có thể dây vào mắt ảnh hưởng niêm mạc mắt, ngấm vào da, hít mùi bị bệnh đường hô hấp...
BS Nguyễn Ngọc Bá (nguyên Phó khoa Xét nghiệm Dị ứng miễn dịch, Bệnh viện Da liễu TP.HCM)