Chia sẻ với Zing, nhiều du khách nói việc dẹp bỏ đường tàu sẽ là một mất mát lớn với du lịch thủ đô. Một số ý kiến còn nhấn mạnh phố đường tàu là nét văn hóa đặc sắc của Hà Nội. Tuy nhiên, theo chuyên gia trong ngành du lịch, khó có thể coi phố đường tàu là văn hóa của Hà Nội. Ở chiều ngược lại, khu phố này có thể đem đến nhiều lợi ích nếu được quản lý đúng cách.
Dẹp không phải vấn đề
PGS.TS Phạm Hồng Long, Giảng viên Khoa Du lịch học Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội, cho biết phố đường tàu không hẳn là văn hóa của thủ đô. Qua thời gian, nó có thể trở thành một nét đặc trưng đối với khách du lịch khi đến Hà Nội nhưng hiện chưa đạt đến mức độ này.
Theo quan điểm của PGS Long, việc Hà Nội dẹp bỏ phố đường tàu không ảnh hưởng nhiều đến ngành du lịch thủ đô. Nhiều du khách quốc tế lẫn nội địa có thể thích thú với phố đường tàu nhưng đây không phải địa điểm quá quan trọng với du lịch Hà Nội.
Phố đường tàu tiếp tục bị đóng cửa. Ảnh: Hà Nam. |
"Hà Nội là điểm đến lớn với nhiều điểm đến nhỏ hấp dẫn khác, từ văn hóa, sinh thái, tâm linh và cả kinh tế, chính trị. Thành phố này có quá nhiều điểm du lịch hấp dẫn. Một du khách muốn khám phá Hà Nội không thể chỉ dành một ngày. Họ có khi cần tới vài ngày hoặc cả tuần mới đi hết từ nội đô đến các khu vực ngoại thành. Do đó, chuyện dẹp bỏ phố cà phê đường tàu rõ ràng không phải là vấn đề lớn, ảnh hưởng tới du lịch thủ đô", PGS Long chia sẻ.
Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh đây là mô hình lạ và những điều lạ luôn có sức hút với khách du lịch. Cả khách du lịch quốc tế lẫn nội địa đều thấy ấn tượng với việc được ngồi uống cà phê và ngắm tàu chạy qua. Thực tế, khu chợ Maeklong ở Thái Lan vẫn hoạt động sôi nổi và trở thành điểm đến hàng đầu khi du khách đến xứ chùa Vàng.
PGS Long nhấn mạnh không phải mọi mô hình thành công ở nước ngoài đều có thể áp dụng tại Việt Nam. Điều này còn phải cân nhắc dựa trên nhiều yếu tố. Ngoài ra, khu chợ Maeklong nằm ở nhà ga cuối của tuyến đường sắt Maeklong, là một trong những tuyến đường sắt chậm nhất thế giới với tốc độ trung bình của các đoàn tàu chỉ khoảng 30 km/h.
"Nhiều người Việt Nam cũng chưa có sự tôn trọng dành cho những cảnh báo. Du khách nước ngoài ở nơi khác đến nên họ có sự quan tâm hơn. Tuy nhiên, địa điểm này đâu chỉ có khách nước ngoài, còn có nhiều người Việt nữa", ông nói thêm.
Zing cũng có cuộc trao đổi với Daisy Heyer, phóng viên của tờ De Telegraaf (Hà Lan). Hiện tại, Heyer đang có chuyến tuần trăng mật tại Việt Nam và cô cũng vừa trải nghiệm khu phố đường tàu này. Cây viết này cho biết mình khá sốc khi nghe tin phố đường tàu sắp bị đóng cửa.
Heyer chia sẻ: "Tôi không thấy địa điểm này nguy hiểm chút nào. Có nhiều nơi trên thế giới mà bạn có thể bước đi trên đường tàu, kể cả ở Hà Lan. Trong lần ghé thăm khu phố này, tôi thấy mọi người đều có ý thức cao (cả người dân lẫn du khách). Họ nhanh chóng bước ra khỏi đường ray khi có thông báo".
Cô nói thêm phố đường tàu là địa điểm tiềm năng cho du lịch Hà Nội và chính những người dân xung quanh đang được hưởng lợi từ nó. Do đó, việc dẹp bỏ phố đường tàu thực sự không phải tin vui.
Giữ thế nào?
Theo PGS Long, vấn đề không phải dẹp thế nào bởi việc dẹp phố đường tàu không phải câu chuyện lớn. Tuy nhiên, nó có thể đem lại nhiều lợi ích nếu được quản lý đúng cách.
Ông cho biết câu chuyện phố đường tàu từ lâu đã là vấn đề nhức nhối với chính quyền địa phương. Phía ngành đường sắt cũng có quan điểm nên dẹp bỏ mô hình du lịch tự phát này.
Trong văn bản gửi UBND TP Hà Nội ngày 12/9, ngành đường sắt cũng nhấn mạnh thực trạng vi phạm hành lang an toàn đường sắt nghiêm trọng tại khu vực phường Hàng Bông, Cửa Nam, Điện Biên Phủ. Các quán cà phê mở sát đường ray, thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước đến chụp ảnh gây mất an toàn giao thông.
Dẹp phố đường tàu không khó nhưng đây là điểm du lịch tiềm năng lớn của Hà Nội. Ảnh: Hà Nam. |
"Nếu quản lý tốt, đảm bảo được hành lang an toàn giao thông, tôi nghĩ phố đường tàu có thể trở thành điểm đến hấp dẫn. Nhiều người thích cảm giác thư thái bên ly cà phê và ngắm tàu chạy qua", ông nói.
PGS Long gợi ý phố đường tàu có thể giữ lại nếu có mô hình quản lý hợp lý. Nếu làm được, có thể thí điểm cho phố đường tàu hoạt động trở lại. Ông cho biết nên có cuộc làm việc giữa các bên liên quan (chính quyền, ngành đường sắt, người dân kinh doanh, du khách...) để tìm ra một giải pháp tốt. Những hộ dân kinh doanh xung quanh ít nhiều cũng có thể giải tỏa tâm lý dù con phố này có bị dẹp hay không.
Ông chia sẻ thêm: "Nếu cần, có thể tổ chức những buổi tọa đàm, trao đổi. Những người làm du lịch (doanh nghiệp du lịch, những người làm nghiên cứu du lịch) có thể tra cứu các thông tin đầy đủ hơn, tiếp cận trên góc độ khoa học, đối chiếu các quốc gia khác và đưa ra lời khuyên phù hợp cho việc giữ hay dẹp bỏ".