Đây là công ty được chuyển đổi từ tổ chức khoa học công nghệ thành công ty cổ phần. Theo đó, tên mới sẽ là Công ty Cổ phần Khoa học Công nghệ Bách khoa TP.HCM, vốn điều lệ hơn 4 tỷ đồng.
Đây cũng được cho là mô hình công ty cổ phần khoa học công nghệ đầu tiên. ĐH Bách Khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) sở hữu 28% cổ phần của công ty.
Công ty Cổ phần Khoa học Công nghệ Bách khoa TP.HCM được cho là mô hình doanh nghiệp trong trường học đầu tiên. Ảnh: ĐH Quốc gia TP.HCM. |
Theo thông báo, trước khi trở thành công ty cổ phần, Trung tâm Nghiên cứu công nghệ và Thiết bị công nghiệp đã đạt doanh thu hơn 140 tỷ đồng (năm 2017). Khi được cấp phép, công ty sẽ hoạt động trên lĩnh vực kiến trúc và tư vấn kỹ thuật có liên quan; kiểm tra và phân tích kỹ thuật; nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong lĩnh vực khoa học công nghệ; sửa chữa máy móc và thiết bị; sản xuất ôtô và xe có động cơ; xây dựng nhà, công trình kỹ thuật dân dụng...
Lãnh đạo nhà trường cho biết công ty này sẽ hoạt động theo đúng cơ chế của doanh nghiệp trên thị trường. PGS.TS Lê Minh Phương, Phó hiệu trưởng ĐH Bách khoa TP.HCM, cho biết trường có đội ngũ nhà khoa học chuyên môn cao, muốn sử dụng nguồn lực này để phát triển thành trung tâm chuyển giao công nghệ lớn của đất nước.
Tuy nhiên, do ngân sách dành cho nghiên cứu còn chưa đáp ứng được nhu cầu đa dạng, lãnh đạo nhà trường đã quyết định phát triển trung tâm này với hình thức doanh nghiệp cổ phần.
Với mô hình mới, trung tâm vừa có thể duy trì hoạt động tốt theo các hoạt động tư vấn và kinh doanh được phép, vừa phát triển công nghệ như định hướng ban đầu.
"Đây là mô hình mới, hứa hẹn nhiều thành công nhưng cũng có thể gặp khó khăn. Tuy nhiên, tôi hy vọng khi chuyển sang mô hình doanh nghiệp với cơ chế tài chính minh bạch, công ty sẽ hoạt động hiệu quả hơn và góp phấn phát triển hoạt động khoa học công nghệ của nhà trường và các đơn vị liên quan", ông Phương nói.