Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

ĐH Harvard đổi chức danh sau cáo buộc phân biệt chủng tộc

ĐH Harvard quyết định bỏ từ “master” khỏi chức danh của các nhân viên sau khi sinh viên biểu tình, cho rằng từ này liên quan chế độ nô lệ, phân biệt chủng tộc.

Theo quy định mới, chức danh house masters (quản lý các khu ký túc xá trong khuôn viên trường) sẽ chuyển thành faculty deans. Tuy nhiên, nhiệm vụ, chức trách của họ vẫn giữ nguyên. Những người này chịu trách nhiệm định hình đời sống văn hóa, tri thức của cộng đồng sinh viên theo khu ký túc đồng thời đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra dấu ấn riêng cho các tòa nhà, Washington Post cho hay.

Đại học Harvard đổi chức danh các nhân viên quản lý tòa nhà vì cáo buộc liên quan chế độ nô lệ. Ảnh: Harvard.edu.

Các trường thuộc liên đoàn Ivy (nhóm 8 trường đại học danh tiếng ở Mỹ), sử dụng từ master theo các trường ở Anh. Nó xuất phát từ magister trong tiếng Latin, một cách xưng hô dành cho các học giả hoặc giáo viên. Nó tương tự cách dùng trong school master hay head master (hiệu trưởng).

Tuy nhiên, cách dùng này tại Mỹ bị chỉ trích vì liên quan chế độ nô lệ, phân biệt chủng tộc.

Lãnh đạo Đại học Harvard cho rằng, việc sử dụng từ master không mang nghĩa dính dáng chế độ nô lệ. Tuy nhiên, trường chấp nhận lời kêu gọi đổi tên từ những người tham gia biểu tình, theo BBC.

Sự thay đổi này sẽ ảnh hưởng tới chức danh của 24 nhân viên. Tuy nhiên, nó không ảnh hưởng việc sử dụng từ master trong các vấn đề khác như bằng thạc sĩ (Master degree).

Trường Luật thuộc Harvard cũng đang xem xét có cần thay đổi huy hiệu chính thức hay không, sau khi sinh viên trường tổ chức biểu tình ngồi.

Trường Luật Harvard đang xem xét thay huy hiệu. Ảnh: AP.

Huy hiệu của trường gồm huy hiệu của nhà quý tộc Isaac Royall, người đã hiến tặng một khoản tiền lớn, đồng thời khai sinh chức danh giáo sư trong ngành Luật của trường. Ông cũng là một chủ nô độc ác.

Thời gian gần đây, các trường đại học ở Mỹ, gồm cả các trường hàng đầu như Harvard, Yale và Princeton, phải đối mặt hàng loạt cuộc biểu tình xung quanh vấn đề phân biệt chủng tộc.

Tiến sĩ Carol Christ, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Giáo dục Đại học thuộc Đại học California ở Berkeley cho biết, “những cuộc đấu tranh này luôn liên quan tình hình thực tế và vấn đề chính trị”. Chủng tộc là vấn đề lớn tại các trường đại học, cũng như trong văn hóa Mỹ.

Đại học Mỹ tuyển sinh bằng thư giới thiệu, bài luận thế nào?

Cán bộ tuyển sinh các đại học Mỹ tìm hiểu năng lực học tập của thí sinh qua kết quả điểm thi và xem xét bài luận, thư giới thiệu để đánh giá liệu họ có phù hợp với trường không.



Nguyễn Sương

Bạn có thể quan tâm