ĐH Ngoại thương dự kiến tuyển sinh hệ chính quy năm 2019 với tổng chỉ tiêu 3.850, giữ ổn định so với năm 2018. Trong đó, cơ sở Hà Nội là 2.750, cơ sở TP.HCM 950, cơ sở Quảng Ninh 150.
Các phương thức tuyển sinh của trường là xét tuyển kết hợp chứng chỉ quốc tế và kết quả học tập 3 năm THPT; xét tuyển kết hợp chứng chỉ quốc tế và kết quả thi THPT quốc gia năm 2019; xét tuyển theo kết quả thi THPT quốc gia năm 2019; xét tuyển thẳng.
Các chương trình chính quy giảng dạy bằng tiếng Anh. |
Cụ thể, phương thức xét tuyển kết hợp chứng chỉ quốc tế và kết quả học tập 3 năm THPT sẽ dự kiến được triển khai vào tháng 5 sau khi thí sinh kết thúc chương trình học THPT.
Các thí sinh đăng ký theo phương thức xét tuyển này, nếu không trúng tuyển hoặc không xác nhận nhập học, có thể tiếp tục tham gia các phương thức xét tuyển còn lại.
Đối với chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh, một trong những điều kiện của thí sinh là có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế còn hạn (tính đến ngày nộp hồ sơ xét tuyển) đạt IELTS từ 6.5 (academic) trở lên, hoặc TOEFL PBT từ 550 trở lên, hoặc TOEFL iBT từ 90 trở lên, hoặc giải ba quốc gia môn tiếng Anh trở lên.
Với chuyên ngành Tiếng Anh Thương mại, thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế còn hạn (tính đến ngày nộp hồ sơ xét tuyển) đạt IELTS (academic) từ 6.5 trở lên, hoặc TOEFL PBT từ 550 trở lên, hoặc TOEFL iBT từ 90 trở lên.
Phương thức xét tuyển kết hợp chứng chỉ quốc tế và kết quả thi THPT quốc gia áp dụng với chương trình chính quy giảng dạy bằng tiếng Anh, dự kiến triển khai vào tháng 7.
Thí sinh đăng ký theo phương thức xét tuyển kết hợp nếu không trúng tuyển hoặc không xác nhận nhập học, có thể tiếp tục tham gia phương thức xét tuyển theo kết quả thi THPT quốc gia năm 2019.
Một trong những điều kiện để thí sinh tham gia phương thức xét tuyển kết hợp chứng chỉ quốc tế là có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế trong thời hạn (tính đến ngày nộp hồ sơ xét tuyển) đạt IELTS (academic) từ 6.5 trở lên, hoặc TOEFL PBT từ 550 trở lên, hoặc TOEFL iBT từ 90 trở lên, hoặc giải ba quốc gia môn tiếng Anh trở lên.