ĐH Phan Châu Trinh 'phản pháo'
Sau khi thanh tra Bộ GD-ĐT kết luận ĐH Phan Châu Trinh “phớt lờ” các quy định của Bộ về thi, tuyển sinh cũng như các sai phạm trong công tác điều hành, ngày 1/4, trường đã có đơn “phản pháo”.
>> Hàng loạt sai phạm tại ĐH Phan Châu Trinh
Tại văn bản của Bộ ra muộn
Trong đơn kháng nghị gửi Bộ GD-ĐT, ông Nguyên Ngọc, chủ tịch hội đồng quản trị, ông Phan Ngọc Thu, hiệu trưởng nhà trường cho rằng kết luận của thanh tra Bộ hoàn toàn không thỏa đáng.
![]() |
Trường ĐH Phan Châu Trinh chưa "tâm phục khẩu phục" với kết luận của Bộ GD-ĐT |
Ngày 15/10/2007, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT có Quyết định giao cho trường đào tạo trình độ đại học hệ chính quy với 06 ngành : Công nghệ thông tin, Công nghệ Điện tử viễn thông, Tài chính-Ngân hàng, Việt Nam học, Tiếng Trung Quốc và Tiếng Anh. Nhưng mãi đến 07/11/2007, Bộ GD&ĐT mới có Công văn giao cho Trường 700 chỉ tiêu đào tạo trình độ Đại học theo hình thức xét tuyển. Thời điểm ấy đã cách quá xa kỳ thi tuyển sinh năm 2007 và các đợt xét tuyển; mặt khác, suốt trong hai tháng 10 và 11 các tỉnh miền Trung và nhất là Quảng Nam phải gánh chịu liên tiếp những trận lũ lụt rất nặng nề. Nhà trường đã thông báo và có hơn 1.200 thí sinh đăng ký dự tuyển, nhưng trong số đó có nhiều em quê ở Quảng Nam và các tỉnh miền Trung khác rơi vào hoàn cảnh trôi cả nhà cửa, sách vở, bằng tốt nghiệp, giấy báo điểm, chỉ còn lấy giấy xác nhận của địa phương.
Trường trực tiếp đào tạo nguồn nhân lực cho địa phương, lãnh đạo trường đã xin ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh Quảng Nam, tỉnh đã yêu cầu để đảm bảo chất lượng đầu vào, trường cần tổ chức ôn tập miễn phí cho thí sinh và ngày 14/12/2007 tỉnh đã có Công văn đề nghị Bộ GD&ĐT “cho phép Trường đại học Phan Châu Trinh được tổ chức thi tuyển trong năm học 2007-2008”.
Tuy nhiên, đến ngày 07/01/2008, (tức là sau 26 ngày từ lúc Tỉnh gửi công văn xin Bộ) Trường lại nhận được công văn Bộ gửi UBND tỉnh Quảng Nam về việc giữ nguyên ý kiến chỉ cho phép trường tuyển sinh theo hình thức xét tuyển.
Bên cạnh đó, bản kết luận của Thanh tra Bộ cho rằng, Trường đại học Phan Châu Trinh đã tự ý vận dụng điều 33 của quy chế tuyển sinh với khoảng cách 1,5 điểm ưu tiên khu vực cho các đối tượng dự thi mà không báo cáo, xin phép Bộ. Điều ấy, mãi đến ngày 08 tháng 8 năm 2008, trong Thông báo số 7158/TB-BGDĐT mới quy định, còn Điều 33 trong quy chế tuyển sinh chưa đề cập đến.
Tố ngược lại người tố cáo
Đơn kháng nghị trường gửi Bộ còn “tố” ngược lại những người đã làm đơn tố cáo trường. Cụ thể, vừa qua không phải chúng tôi không triệu tập các cuộc họp theo đúng quy định, mà là không thể họp được. Do chính sự khống chế của “nhóm tố cáo” (gồm ông Trần Văn Chính hiện là Giám đốc Trung tâm Hợp tác chuyên gia và Kỹ thuật với nước ngoài của Bộ Giáo dục và Đào tạo, mặc dầu ông không đứng tên trong đơn, nhưng thực tế đã tham gia mọi cuộc họp và mọi công việc liên quan, và là người chủ xướng việc tố cáo này, nấp dưới tên con gái là Trần Thu Lan, học ở nước ngoài, mãi đến gần đây mới về và mới xuất hiện duy nhất một lần trong họp HĐQT), cùng với ông Nguyễn Gia Chiến, và bà Trần Thị Thịnh, cho nên đến nay tất cả các cuộc họp HĐQT chưa bao giờ bàn được một câu về giáo dục, về phương hướng và nội dung xây dựng và phát triển trường, chỉ chằm chằm vào mỗi việc: “Tiền”. Làm thế nào để họ có thể có lãi nhanh nhất và nhiều nhất, từ năm sáu tỷ họ đã góp có thể đem bán ngay thành nhiều chục tỷ… Nhiều cuộc họp đã tan vỡ vì mỗi lý do đó.
Không những thế, trường còn cho rằng sau khi thanh tra xong, chúng tôi cũng chỉ được mời họp thông báo miệng vội vàng để đoàn kịp ra sân bay, không có một văn bản nào của Đoàn Thanh tra gửi lại để Nhà trường có thể giải trình thêm trước khi có kết luận chính thức của Bộ; như vậy có đảm bảo dân chủ, khách quan không? – ông Ngọc và ông Thu đặt câu hỏi.
Tuệ Anh
Theo Bưu điện Việt Nam