PGS.TS Nguyễn Đình Hiền, Phó hiệu trưởng ĐH Quy Nhơn, cho biết sau khi cân nhắc tình hình các tỉnh miền Trung đang chịu nhiều ảnh hưởng của bão, lũ, ban giám hiệu họp và thống nhất điều chỉnh thời gian nộp khoản chênh lệch giữa tạm thu theo niên chế và tín chỉ.
Cụ thể, trường cho sinh viên khóa 38 nộp thành 3 đợt (mỗi đợt bằng 1/3 khoản chênh lệch) vào học kỳ II năm học 2017-2018, học kỳ I năm 2018-2019 và học kỳ II năm học 2018-2019.
Sinh viên khóa 39 sẽ nộp thành 2 đợt (mỗi đợt bằng 1/2 khoản chênh lệch) vào học kỳ II năm học 2017-2018, học kỳ I năm học 2018-2019.
Đối với học phí kỳ I năm học 2017-2018 và các khoản nợ học kỳ chính, học lại của những kỳ trước, nhà trường yêu cầu sinh viên khóa 36, 37, 38, 39 phải nộp đầy đủ theo thông báo số 2138/TB-ĐHQN (từ 27/11 đến 15/12).
Trước đó, một số sinh viên khóa 38, 39 của ĐH Quy Nhơn phản ánh phải đóng truy thu học phí từ hai năm học 2015-2016 và 2016-2017, do có sự chênh lệch giữa mức thu theo niên chế và tín chỉ. Học phí nợ cộng thêm khoản phí của năm học mới lên đến khoảng chục triệu đồng khiến nhiều sinh viên hoang mang.
Ông Phan Vũ Hạnh, Trưởng phòng Kế hoạch tài chính, ĐH Quy Nhơn, khẳng định trường không tăng học phí. Mức học phí chênh lệch phải nộp thêm hoặc nộp thừa sau khi thu theo tín chỉ là đúng với Nghị định 86/2015/NĐ-CP của Chính phủ.
Cụ thể, ĐH Quy Nhơn áp dụng phương pháp đào tạo theo hệ thống tín chỉ và quy định thu học phí theo tín chỉ đối với sinh viên nhập học từ khóa 38 trở đi (trúng tuyển và nhập học năm 2015). Tuy nhiên, thời điểm đó, phần mềm thu học phí theo tín chỉ không đáp ứng được yêu cầu, trường tạm thu học phí theo hình thức niên chế, có thông báo bằng văn bản từ đầu năm học. Trong đó, tiền học phí được ghi rõ là khoản tạm thu, khi phần mềm hoàn chỉnh sẽ tính lại.
Trước những thắc mắc về mức giá mỗi tín chỉ (năm 2015-2016 áp dụng 165.000 đồng/tín chỉ nhưng hiện tại lại truy thu theo mức 190.000 đồng/tín chỉ), ông Hạnh cho rằng có thể sinh viên hiểu sai cách tính.
Theo số liệu của Phòng Kế hoạch Tài chính, ĐH Quy Nhơn, 4.773 sinh viên khóa 38, 39 phải nộp thêm hoặc được trả lại khoản tiền chênh lệch.
Số tiền chênh lệch sinh viên phải nộp cao nhất hiện nay là khoảng 4,4 triệu đồng.
"Nếu cách tính học phí theo niên chế quy định đổ đồng cho tất cả sinh viên, trong một học kỳ phải đóng bao nhiêu tiền, thì theo tín chỉ, chúng tôi lấy tổng số tiền học phí sinh viên phải nộp trong suốt thời gian học tại trường (4 hoặc 4,5 năm) theo quy định tại Nghị định 86/2015/NĐ-CP của Chính phủ chia cho tổng số tín chỉ toàn khóa, sẽ ra đơn giá của một đơn vị tín chỉ.
Số tiền 165.000 đồng/tín chỉ là tính cho học lại, nhưng các em nhầm sang đơn giá tính cho học kỳ chính. Cá biệt, có trường hợp số tiền nợ lên đến 17 triệu đồng là do những em này còn nợ học phí, cộng thêm khoản tiền chênh lệch nên khi áp dụng phần mềm, con số phải nộp lên đến mức đó", ông Hạnh giải thích.
Theo ông Hạnh, tổng số tiền sinh viên nộp trong bốn năm học tại trường không đổi, dù tính theo tín chỉ hay niên chế.