Sáng 14/2, trao đổi với Zing.vn, đại diện ban tuyển sinh của ĐH Sư phạm TP.HCM cho biết sau khi cân nhắc nhiều yếu tố, trường đã có điều chỉnh trong đề án tuyển sinh 2019.
Cụ thể, ban tuyển sinh của ĐH Sư phạm TP.HCM đã bỏ yêu cầu về chiều cao 1,55 m trở lên đối với nam, nữ từ 1,5 m trở lên mới được đăng ký thi các ngành đào tạo giáo viên. Trường vẫn giữ yêu cầu xét tuyển nam cao 1,65m, nặng 50 kg trở lên; nữ cao 1,55m, nặng 45 kg trở lên đối với ngành Giáo dục Thể chất.
Sinh viên ĐH Sư phạm TP.HCM trong buổi chụp kỷ yếu. Ảnh: NQ. |
Đại diện ban tuyển sinh của trường cũng cho biết đề án tuyển sinh được công bố hiện nay chỉ là dự kiến nên có thể điều chỉnh trước khi công bố chính thức.
Trước đó, đề án tuyển sinh dự kiến năm 2019 được ĐH Sư phạm TP.HCM công bố hôm 12/2 gây chú ý với điều kiện thí sinh nam phải cao 1,55 m trở lên, nữ từ 1,5 m trở lên mới được đăng ký thi các ngành đào tạo giáo viên. Riêng ngành Giáo dục Thể chất, thí sinh nam cao 1,65 m, nặng 50 kg trở lên, thí sinh nữ cao 1,55 m, nặng 45 kg trở lên.
Ngay lập tức, tiêu chí về chiều cao đối với sinh viên ngành sư phạm trở thành vấn đề tranh cãi với nhiều luồng ý kiến khác nhau.
Theo thầy Nguyễn Văn Thuật, giảng viên bộ môn Địa lý, ĐH Đồng Nai, việc loại bỏ học sinh vào ngành sư phạm dựa trên thể hình chứ không phải trí tuệ là phản giáo dục.
Người đi dạy quan trọng nhất tri thức, kỹ năng giảng dạy; hình thức là thứ yếu. Trường sư phạm cần tuyển những người có lòng yêu nghề, tri thức.
PGS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng GD&ĐT - lại tán thành quy định của ĐH Sư phạm TP.HCM, tuy nhiên ngoài tiêu chuẩn chung nên có thêm dòng "trừ những trường hợp đặc biệt".
Về điều kiện chiều cao trong tuyển sinh của ĐH Sư phạm TP.HCM, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT, cho biết quy chế tuyển sinh cho phép các trường đại học được yêu cầu sơ tuyển. Thí sinh phải đạt yêu cầu sơ tuyển của trường.
Tuy nhiên, các quy định của trường phải đảm bảo quyền bình đẳng về cơ hội cho các thí sinh, không được thể hiện chính sách phân biệt đối xử và nên giải trình rõ để tạo sự đồng thuận trong xã hội.