Ngày đi chăn vịt, chặt luồng (một loại tre) thuê, hái măng rừng mong muốn được học đến ĐH nhưng số phận khiến hai em đứng trước nguy cơ phải bỏ học vì quá nghèo.
Giang chia sẻ, mỗi buổi chiều em đi chặt luồng cách nhà 6 km. Hôm nào trời không mưa thì chặt được hai cây vác xuống chân núi, mỗi cây Giang được chủ rừng trả 5.000 đồng, ngày Chủ nhật được nhiều hơn. Với số tiền đó, Giang để mua sách vở, nộp tiền học.
Còn Bân cho biết: “Con không phải đi xa như chị Giang, mỗi buổi chiều con đi chăn vịt thuê và được trả công bằng một quả trứng, mỗi ngày như thế con cũng kiếm được thức ăn cho cả nhà rồi. Mai mốt con lớn lên con sẽ xin nghỉ học đi làm kiếm tiền để nuôi chị Giang ăn học. Con không muốn thấy chị Giang khổ, con rất thương chị”.
Việc học tập của hai chị em mồ côi có nguy cơ bị gãy nửa chừng. |
Bà Vi Thị Nẹ (78 tuổi - bà ngoại của hai chị em Giang) nói về số phận khắc nghiệt của hai chị em: “Ngày trước hai đứa nó sống ở “cổng trời” Trung Lý cùng với cha mẹ. Đến năm 2006 cả cha lẫn mẹ qua đời vì bệnh nan y. Sau đó bà nội vì quá buồn đau nên cũng mất theo. Ông nội thì suốt ngày rượu chè, anh em gia đình ở xa nên cứ mỗi lần lên cơn thần kinh là đánh hai đứa nó. Nghe tin tôi phải thuyết phục để đưa hai đứa nó về sống cùng tôi nhưng gia cảnh nghèo tôi không giúp được gì cho hai cháu, con cái thì đứa nào cũng nghèo như nhau…”. Theo bà Nẹ, mỗi tháng hai chị em được Nhà nước hỗ trợ 180.000 đồng/cháu nhưng thiếu thốn đủ bề, cô em gái cứ đòi bỏ học đi làm để chị đến trường.
Kể về thành tích học tập của Giang, cô Phạm Thị Cúc, giáo viên Trường THCS Hiền Kiệt, cho biết: “Giang và Bân là hai học sinh khá, suốt nhiều năm đạt học sinh tiên tiến mặc dù các em không có cha mẹ bên cạnh, phải đi làm. Nhưng hai em chính là gương sáng về nghị lực học tập ở nơi miền biên viễn này. Nhiều khi tôi cảm thấy bất lực trước những hoàn cảnh éo le như hai em, chỉ mong cộng đồng giúp đỡ hai chị em mồ côi bớt vất vả để được đến trường”.