Đến Quế Lâm - nơi có non xanh, nước biếc, động lạ, đá kỳ, được người đời xưng tụng là "tứ tuyệt", chắc chắn bạn không thất vọng. Dưới đây là lịch trình vãn cảnh nếu bạn chỉ có một ngày tại vùng đất này.
1. Núi Vòi Voi
Núi Vòi Voi là biểu tượng của Quế Lâm trên bản đồ du lịch. Ảnh: Lynn Đỗ. |
Nằm ở đoạn giao cắt giữa hai con sông nổi tiếng là sông Đào Hoa và sông Li, ngọn núi có hình dáng giống như một con voi đang vươn vòi uống nước trở thành biểu tượng của Quế Lâm. Chính vì hình dáng đặc biệt mà người ta đã đặt tên cho ngọn núi này là Tượng Tị Sơn - núi Vòi Voi.
Đoạn giữa vòi và thân của “con voi” tạo thành hình nửa vòng tròn như vầng trăng khuyết, đó là động Thủy Nguyệt. Vào buổi tối, ánh đèn trang trí giúp ta nhìn thấy rõ hình ảnh phản chiếu của động trên mặt sông Li, như mặt trăng đang rơi trên sông, sóng sánh ánh vàng.
Bạn cũng có thể thuê thuyền đi xuôi sông Li hoặc ngắm cảnh chim cốc bắt cá. Có hai địa điểm trên núi Vòi Voi mà từ đó ta có thể phóng tầm mắt ngắm nhìn sông núi Quế Lâm, đó là hang Nhãn Nham (mắt voi) và ngôi chùa 2 tầng có hình chiếc bình ở trên đỉnh núi. Vé thăm quan núi vòi voi là 75 tệ, còn vé đi thuyền trên sông Li là 60 tệ.
Những ngọn núi có hình thù thú vị như thế này không khó tìm ở những nơi khác. Nhưng Quế Lâm đã khéo léo nâng tầm thắng cảnh, khi thường đưa ra những hình ảnh quảng cáo so sánh núi Vòi Voi với một ngọn núi khác ở điểm du lịch nổi tiếng Estretat (Pháp) có hình dáng tương tự.
2. Chưa đến “hai sông bốn hồ” chưa biết Quế Lâm
Từ một góc hồ Quế nhìn thấy tháp Nhật che khuất tháp Nguyệt. Ảnh: Lynn Đỗ. |
Là thành phố nổi tiếng với phong cảnh non nước, không ngạc nhiên khi “hai sông bốn hồ” được coi là đặc sản Quế Lâm. Đó là sông Li, sông Đào Hoa, hồ Dung (cây đa), hồ Sam (cây thông), hồ Mục Long và hồ Quế. Nổi bật nhất là sông Li và hồ Quế.
Nếu sông Li thu hút khách du lịch bởi phong cảnh đẹp như tranh vẽ hai bên bờ sông, hồ Quế lại là nơi dừng chân để tận hưởng nếp sinh hoạt của người dân và ngắm nhìn Nhật Nguyệt song tháp.
Chỉ khi trời bắt đầu tối, ta mới thực sự hiểu được ý nghĩa của tên tháp Nhật - Nguyệt. Nhìn từ xa, nền trời tối sẫm nổi bật 2 ngọn tháp cao vút rực rỡ ánh đèn: tháp Nhật màu vàng và tháp Nguyệt màu trắng.
Tên của hai ngọn tháp này cũng đều có dụng ý sâu xa. Nếu viết bằng chữ Hán, khi ghép hai chữ “nhật” và “nguyệt” lại sẽ được chữ “minh” - nghĩa là tỏa sáng. Người dân Quế Lâm đều tin tưởng rằng đó là điềm báo cho một tương lai tốt đẹp của vùng đất này.
Mỗi buổi chiều, không chỉ hồ Quế mà các hồ và công viên ở Quế Lâm đều tấp nập người qua lại, chủ yếu là người già đi tập thể dục, chơi cờ, đàn hát… Ven hồ có nhiều người mang cần đi câu cá và nói chuyện phiếm. Những bài hát tiếng Quảng từ thập niên 1980-1990 vang lên lúc thì hào hùng, khi thì êm đềm, tưởng như cuộc sống ồn ã, bon chen nơi phố thị đang ở đâu đó cách xa nơi này lắm.
Hồ Quế ở ngay gần quảng trường Quế Lâm và khu phố đi bộ Chính Dương. Ở đây, bạn có thể tìm thấy những món ăn đặc trưng trong những cửa hàng to nhỏ ven đường hay tận hưởng cảm giác lê la ăn đồ nướng từ quán này sang quán khác. Rất nhiều cửa hàng thời trang hay đồ lưu niệm nằm dọc hai bên đường.
Dài chính xác 666 mét (con số may mắn nhất theo quan niệm của người Trung Quốc), phố Chính Dương được coi là con đường mua sắm đầu tiên ở phía Tây Trung Quốc, và là một trong những nơi không thể bỏ qua khi đến thăm Quế Lâm.
3. Tĩnh Giang Vương Thành
Tọa lạc ngay trong trung tâm thành phố, Tĩnh Giang Vương Thành là một trong những điểm thăm quan nổi bật, được xếp hạng 4A của Trung Quốc. Được xây dựng từ năm 1372, tòa thành có lịch sử gần 650 năm này còn “lớn tuổi” hơn cả Tử Cấm Thành ở Bắc Kinh.
Đây là nơi ở của thế tử Chu Thủ Khiêm, cháu họ của Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương, vị vua đầu tiên của triều nhà Minh. Thế tử được phong là Tĩnh Giang Vương, do đó, tòa thành này mới có tên gọi như vậy.
Trong suốt 257 năm kể từ khi tòa thành được xây dựng cho đến khi kết thúc triều đại vàng son nhà Minh, 14 vị phiên vương của 12 thế hệ đã sống ở đây và trị vì vùng đất phong trù phú này, trong tên hiệu đều có một chữ “Tĩnh Giang”.
Những cuộc chiến tranh đã đẩy tòa thành này vào biển lửa nhiều lần, nhưng đến nay, Tĩnh Giang Vương Thành vẫn sừng sững, là một trong những tòa thành được bảo tồn tốt nhất ở Trung Quốc. Những nét kiến trúc, văn hóa đặc trưng của triều đại nhà Minh vẫn còn nguyên vẹn.
Toàn cảnh Tĩnh Giang Vương Thành nhìn từ trên cao. Ảnh: Atcn.com.cn. |
Hiện một phần diện tích của Tĩnh Giang Vương Thành được dành cho Đại học sư phạm Quảng Tây. Sinh viên theo học tại đây được coi là những người vô cùng may mắn, khi có thể ngày ngày tiếp xúc với công trình kiến trúc có giá trị văn hóa, lịch sử. Du khách muốn vào đây phải trả một mức phí không nhỏ - 130 tệ.
Vào Tĩnh Giang Vương Thành mà không đến thăm ngọn Độc Tú quả là thiếu sót. Đây được coi là ngọn núi chủ của Quế Lâm, hội tụ linh khí của cả vùng đất. Có lẽ vì vậy mà khi xưa, Tĩnh Giang Vương đã quyết định dựng thành ở ngay dưới chân núi.
Nhìn từ xa, núi Độc Tú cao đến nỗi nhìn giống như một cây cột đơn độc chống đỡ bầu trời xanh. Từ trên đỉnh núi nhìn xuống, ta như thu hết non xanh nước biếc trong tầm mắt.