Michelle Checchi hài lòng với lối sống du mục kỹ thuật số và chưa có ý định dừng lại. Ảnh: Michelle Checchi. |
Năm 2019, Michelle Checchi dự định chỉ rời Mỹ khoảng vài tháng, cho đến khi tài khoản tiết kiệm cạn tiền.
Nhưng đến nay, sau 4 năm Checchi vẫn đang du ngoạn thế giới và làm việc từ xa với tư cách là một cây viết tự do kiêm nhà sản xuất video. Mỗi tuần, cô gái 29 tuổi làm việc 15-30 giờ và thường kiếm được khoảng 4.000 USD/tháng, theo Insider.
Checchi nằm trong số dân du mục kỹ thuật số (digital nomad), hoặc những người làm việc từ xa kết hợp du lịch thường xuyên đang ngày càng gia tăng.
Theo nghiên cứu về Tình trạng Độc lập năm 2021 của MBO Partners, hơn 15 triệu người Mỹ tự mô tả mình là dân du mục kỹ thuật số, tăng 42% so với năm 2020 và 112% so với năm 2019. Một số nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng của xu hướng này bao gồm tính linh hoạt của hình thức làm việc từ xa, mong muốn du lịch và nhu cầu cắt giảm chi phí sinh hoạt.
Tính đến tháng 6/2023, hơn 25 quốc gia đã cho ra mắt các chương trình thị thực dành cho dân du mục kỹ thuật số nhằm thu hút những người lao động làm việc theo hình thức từ xa và ví tiền của họ.
Số lượng người trở thành dân du mục kỹ thuật số đang gia tăng mạnh. Ảnh minh họa: shevtsovy. |
Trong đó, theo tạp chí World Population Review, chỉ hai quốc gia là Bermuda và Thụy Sĩ có chi phí sinh hoạt cao hơn thành phố New York (Mỹ), nơi Checchi lớn lên. Đối với cô, sống ở nước ngoài là cách để tiết kiệm sinh hoạt phí.
Sau khi tốt nghiệp đại học vào năm 2015, Checchi dành 4 năm tiếp theo làm việc ở một trang tin tức địa phương. Cô yêu thích công việc này, nhưng đồng thời khao khát “được đi du lịch và trải nghiệm sự tự do”.
Đến tháng 9/2019, cô bán hầu hết tài sản cá nhân, lái xe rong ruổi khắp nước Mỹ và cuối cùng đặt vé máy bay 1 chiều tới Tel Aviv (Israel). Trong những tháng du ngoạn đầu tiên, Checchi ghé qua Síp, Ấn Độ và Nepal, đồng thời cố gắng tiết kiệm càng nhiều tiền càng tốt.
Sau 3 tháng, khi cuộc vui sắp kết thúc vì cạn tiền, Checchi nảy ra ý tưởng làm việc từ xa. Cô bắt đầu lướt web tìm việc và nhận một số hợp đồng viết lách tự do.
“Tôi muốn tạo ra lối sống mà mình có thể tự lựa chọn địa điểm làm việc”, cô nói.
Ban đầu, thu nhập của Checchi chỉ khoảng vài trăm USD và không ổn định, thậm chí không đủ để cô quay trở lại Mỹ. Nhưng dần dần, sự nghiệp của cô có sự chuyển biến.
Sau nửa năm, Checchi đã kiếm được số tiền bằng với công việc cũ, được trả khoảng 50.000 USD/năm, trong khi cô chỉ phải làm việc khoảng nửa giờ/ngày, chưa kể đến việc đi du lịch khắp thế giới.
Thu nhập tiếp tục tăng dần theo thời gian. Đỉnh điểm vào tháng 6/2022, thu nhập của Checchi ở mức 17.000 USD. Tới nay, Checchi cho biết thu nhập trung bình hàng tháng của cô ở mức 4.000 USD. Cô cũng có thời gian xây dựng kênh mạng xã hội của mình, nơi cô chia sẻ các mẹo và hành trình du lịch của mình.
Thế nhưng, không phải lúc nào mọi thứ cũng suôn sẻ với Checchi. Trong thời gian đại dịch, cô đã dọn về nhà cha mẹ ở Staten Island (New York) vài tháng, sau đó tiếp tục cuộc hành trình.
Hơn nữa, lối sống du mục kỹ thuật số có thể rất cô đơn bởi Checchi không được gặp gia đình thường xuyên. Hiện cô luôn cố gắng thu xếp về Mỹ thăm người thân, bạn bè 3-4 tháng/lần.
Vị trí của cà phê Việt Nam trên bản đồ thế giới
Theo sách Bản đồ thế giới cà phê của James Hoffmann, sản lượng cà phê lớn ở Việt Nam từ thập niên 1990 đã gây ảnh hưởng mạnh mẽ đến ngành công nghiệp cà phê toàn cầu. Năm 1990, hàng loạt công ty mới được thành lập ở Việt Nam, trong đó có nhiều công ty tập trung sản xuất cà phê trên quy mô lớn. Sản lượng cà phê Việt Nam tăng gấp đôi trong giai đoạn 1996-2000, tác động lớn đến giá cà phê thế giới. Đến nay, Việt Nam vẫn là quốc gia sản xuất cà phê lớn thứ hai trên thế giới. Dù vậy, tác giả James Hoffmann cho rằng chất không đi với lượng ở thị trường tiềm năng này.