Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đi học, 'đường' trên lưng bạn

Đã hơn 5 năm, cứ khoảng 6h sáng, khi buôn làng vẫn còn ẩn mình trong sương núi Tây Nguyên. Cậu bé A Byrưh lại đến nhà A Trâm để cõng bạn đến trường.

A Trâm bị tật nguyền bẩm sinh liệt 2 chân từ nhỏ; còn A Byrưh ít hơn một tuổi. Trên lưng bạn, 5 năm qua A Trâm luôn là học sinh tiên tiến của trường tiểu học xã Ya Chim, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum.

Làng KLâu Ngo Dố xã Ya Chim cách thành phố Kon Tum khoảng hơn 20 km. Đây là ngôi làng 100% là đồng bào dân tộc Gia Rai.

Nơi đây A Trâm đã sinh ra trong hoàn cảnh ngặt nghèo: 2 chân em bị co quắp, teo tóp nên không đi được. Bà ngoại A Trâm là Y Nglih nhớ lại “Đã đến tuổi đi học mà cái chân nó không biết đi”.

Bà ngoại phải cõng cháu đến trường xin cho “học cái chữ”. Thế rồi cõng ít ngày thì bà cũng mệt. Dù ít hơn 1 tuổi nhưng lại học chung một lớp, A Byrưh đã đến tận nhà xin bà ngoại và mẹ của A Trâm để mình được cõng bạn đến trường.

Thế là từ ngày ấy, không chỉ có đi học mà mỗi khi rời khỏi nhà, A Trâm lại ngồi lên lưng bạn.

A Trâm được bạn cõng đi học hằng ngày.

Nhà của A Trâm và nhà của A Byrưh cũng nghèo lắm. A Trâm đang sống với mẹ tại ngôi nhà sàn đơn sơ. Bố mẹ chia tay từ khi A Trâm mới hơn 1 tuổi. Mẹ con sống nương nhờ vào ông bà ngoại.

Bây giờ mẹ của A Trâm là Y Tranh nhận khoán 1 ha cao su của công ty cao su Kon Tum nên cuộc sống của 2 mẹ con có khá hơn ngày trước. Còn A Byrưh bố mẹ đẻ đến 5 người con. Cậu bé A Byrưh cõng bạn đến trường này là con thứ 3.

Những ngày cuối năm này tôi đến thăm em thì em đã đi mót cà phê từ rất sớm. Bố của em tên là A Byưm khi được hỏi là có động viên con mình cõng bạn đi học không thì được trả lời rằng: “Tự nó làm. Không ai nói đâu. Mình không biết. Nó thích thì nó làm đấy…”.

Chúng tôi biết, đó là cách nói "tránh" của người dân tộc thiểu số nhưng qua tìm hiểu, bố mẹ của A Byrưh đã luôn động viên, ủng hộ con mình, vì đó là việc làm tốt được cả làng thương quý.

Ông Kso Nơ già làng KLâu Ngo Dố tâm sự: “Dân làng KLâu Ngo Dố thương hai thằng lắm. Hàng ngày thấy chúng nó liêu xiêu cùng nhau, ai cũng thấy thương. Tôi đã mấy lần nhìn thấy chúng nó bị ngã, tội nghiệp lắm…”.

Trời Tây Nguyên khắc nghiệt, nhất là mùa mưa thì tầm tã, xối xả, mùa khô thì gió lộng nhưng dù nắng hay mưa, đường lầy lội thì đôi bạn này vẫn không ngày nào nghỉ học. Trời mưa thì A Trâm cầm dù, ôm cặp sách; còn A Byrưh thì bấm chặt chân dưới đường, hướng về lớp học.

A Byrưh kể: “Có nhiều hôm đói cồn cào, đôi chân mỏi nhừ người thì mệt lả nhưng em vẫn gắng sức. Vì nếu mình bỏ lại thì A Trâm biết nhờ cậy vào ai…”. Có những lúc em cũng như muốn khóc, cổ nghẹn lại nhưng nghĩ đến bạn, đôi chân em lại cứng cỏi, dấn bước.

Năm nay đôi bạn này đã bước vào lớp 6, trường PTCS Ya Chim, cách nhà hơn 6 km. A Trâm học lớp 6C còn A Byrưh học lớp 6A . “Đường xa quá rồi, bây giờ cõng thì lâu đến trường lắm”, A Byrưh nghĩ vậy nên bước vào năm lớp 6. Cứ buổi chiều sau khi nghỉ học, A Byrưh lại dắt chiếc xe đạp cà tàng ra sân bóng ở cạnh nhà rông gần làng để tập.

Biết đi xe đạp rồi, bây giờ, mỗi buổi sáng, A Byrưh đi chiếc xe đạp của mình đến bỏ dưới gầm nhà của A Trâm và lấy xe đạp của nhà A Trâm do mẹ Y Tranh mới mua để đèo bạn đi học. Đường bằng thì chở, đường dốc thì dắt… A Trâm vẫn ngồi đó, còn A Byrưh vẫn gò mình, lăn xả trên chặng đường cả đi lẫn về là hơn 12 km mỗi ngày.

Trở lại trường PTCS xã Ya Chim, ngôi trường đã chứng kiến đôi bạn người dân tộc Gia Rai ở vùng cực bắc Tây Nguyên. Thầy giáo Nguyễn Văn Thịnh, hiệu trưởng nhà trường cho biết; “Nhà trường đang tạo mọi điều kiện tốt nhất có thể để hai em học tốt. Trường Ya Chim đang phát động phong trào “Vượt khó trong học tập” của hai em. Giáo dục học sinh trong trường noi gương hai em trong học tập và rèn luyện.

Còn cô giáo Nguyễn Thị Thu Hoàng, giáo viên chủ nhiệm của A Trâm khi trao đổi với chúng tôi cũng biểu lộ nhiều cảm xúc khi nói về hai em. Cô Hoàng tâm sự: “các em chăm chỉ học hành lắm, luôn hăng hái phát biểu xây dựng bài và tiếp thu khá nhanh, nhất là môn toán do cô trực tiếp giảng dạy. Từ đầu năm học đến nay, chưa bao giờ các em đi học muộn giờ. A Trâm là một trong những học sinh khá giỏi của trường và được bạn bè thầy cô rất quý mến. Riêng em A Byrưh tuy học lực có kém hơn chút ít nhưng em cũng rất có ý thức trong học tập, chăm chỉ lắng nghe thầy cô giảng bài. Cả hai em luôn là tấm gương sáng cho các em học sinh trường Ya Chim noi theo.

Trong thư khen của Chủ tịch nước gửi hai cháu A Byrưh và A Trâm, có đoạn viết: “Bác rất xúc động được biết, trong suốt 5 năm qua, cháu A Byrưh đã không quản ngại khó khăn, vất vả dù trời nắng hay mưa vẫn hằng ngày cùng bạn A Trâm đến trường. Bác biểu dương và khen ngợi việc làm cao đẹp của cháu A Byrưh. Tinh thần, ý chí vượt khó vươn lên trong học tập của cháu A Trâm. Tình bạn trong sáng, hết lòng yêu thương đùm bọc lẫn nhau của hai cháu là tấm gương sáng để học sinh cả nước noi theo…”.

Nắm chặt tay của A Byrưh và A Trâm để tạm biệt làng Làng KLâu Ngo Dố, tôi như cảm thấy ánh mắt của hai ánh lên niềm tin về một tương lai tươi sáng của mình và con đường đi tới ấm no của bà con dân tộc Gia Rai nơi đây đã mở ra.

http://danviet.vn/ban-doc/di-hoc-duong-tren-lung-ban-460461.html

Theo Nguyễn Khánh Hòa/Báo Dân Việt

Bạn có thể quan tâm