Sau thời gian dài uể oải học online, Mai Thụy (21 tuổi), sinh viên năm 3 trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM, háo hức quay trở lại trường khi có thông báo chính thức.
Tuy nhiên, niềm vui của Thụy không kéo dài bao lâu khi cô nhiễm Covid-19 chỉ sau một tuần đến lớp. Dù đã nghĩ đến các tình huống có thể xảy ra khi học trực tiếp, cô vẫn khó giữ bình tĩnh khi trở thành F0.
“Ban đầu, tôi có dấu hiệu mệt mỏi rồi sốt nhẹ, nhức mỏi các cơ. Nghĩ mình bị cảm nên tôi cũng không để tâm lắm, thậm chí còn tham gia lớp thể dục như bình thường. Phải đến lúc người nóng ran, ớn lạnh từng cơn, tôi mới chột dạ và nhờ mẹ test giúp.
Khoảnh khắc nhận kết quả 2 vạch thật sự khó quên với chúng tôi. Thú thật, tôi thấy tội lỗi vì trở thành nguồn lây cho bạn bè và người thân”, Mai Thụy bày tỏ.
Mai Thụy mắc Covid-19 chỉ sau một tuần đến lớp. Ảnh: NVCC. |
Ngay sau đó, em trai 11 tuổi của Thụy cũng nhiễm bệnh. Đây là điều khiến cả nhà lo lắng vì cậu bé chưa được tiêm vaccine. Chị em cô được cách ly cùng phòng để đảm bảo an toàn cho bố mẹ.
“Mỗi ngày, tôi và em động viên nhau tập hít thở, vận động nhẹ để ổn định sức khỏe. Bố mẹ may mắn không bị ảnh hưởng nên làm ‘hậu phương’, liên tục tiếp tế các loại thuốc, vitamin và nhiều món ăn bổ dưỡng cho các con. Tôi không bi quan hay phiền não nhiều vì tin rằng chị em mình sẽ nhanh khỏe lại”, cô nói.
Chia sẻ với Zing, Mai Thụy cho hay đến thời điểm hiện tại, sức khỏe của chị em cô đang dần ổn định. Các triệu chứng ho, sốt, đau buốt đầu đã thuyên giảm, hai người có thể ăn uống thoải mái hơn trước.
Không riêng Mai Thụy, sinh viên nhiều trường đại học cũng đã trở thành F0 chỉ sau vài ngày đi học trực tiếp. Đây là tình huống khó tránh khỏi khi số ca lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng liên tục tăng nhanh trong thời gian gần đây.
Số ca nhiễm ở sinh viên tăng nhanh khi các trường đại học mở cửa trở lại. Ảnh minh họa: Việt Linh. |
Nhiễm bệnh hàng loạt
Theo báo cáo của Bộ Y tế về tình hình dịch ngày 23/2, số trường hợp mắc Covid-19 tại Việt Nam lần đầu tăng lên hơn 60.000 ca tại 62 tỉnh, thành. Trong đó, Hà Nội có số ca nhiễm lên tới 7.500 ca, nhiều nhất cả nước.
Trước tình hình trên, nhiều trường đại học đã phải chuyển sang học trực tuyến hoặc kết hợp các hình thức giảng dạy để đảm bảo sức khỏe và tiến độ học tập cho sinh viên.
Với Quốc Cường (18 tuổi, quê Lâm Đồng), sinh viên năm nhất trường Đại học KHXH&NV TP.HCM, kỳ học an ninh quốc phòng đã trở thành trải nghiệm khó quên khi cậu cùng hơn 30 người bạn khác cùng nhiễm Covid-19.
“Nhập học chưa được bao lâu, tôi nhận thông tin nhiều sinh viên là F0. Tôi khá lo lắng nhưng nghĩ bản thân thường xuyên đeo khẩu trang, sát khuẩn đầy đủ lơ là, chủ quan. Biểu hiện mắc bệnh đầu tiên là đau rát họng, song tôi vẫn cho rằng đó là hậu quả của việc uống nhiều nước đá. Đến lúc được test nhanh, tôi mới biết mình dương tính với virus Covid-19”, Cường bộc bạch.
Quốc Cường cùng 30 người bạn khác nhiễm bệnh khi tham gia kỳ học an ninh quốc phòng. Ảnh: NVCC. |
Trước khi đến TP.HCM nhập học, Quốc Cường đã được gia đình dặn dò kỹ lưỡng về chuyện phòng dịch. Vì vậy khi nhiễm bệnh, cậu phân vân, không biết phải thông báo với gia đình thế nào vì sợ mọi người hoang mang.
Trái với tưởng tượng của Cường, bố mẹ lại khá bình tĩnh và lập tức tìm cách gửi thêm các vật dụng cần thiết cùng thức ăn tẩm bổ vào cho con trai.
Bên cạnh đó, Cường khoe các F0 như mình được Trung tâm Giáo dục Quốc phòng và An ninh - Đại học Quốc gia TP.HCM hỗ trợ thuốc men và các bộ kit test nhanh nên không phải tốn bất kỳ chi phí chữa bệnh nào. Không khí ở khu vực cách ly cũng khá dễ chịu khi thầy cô thường xuyên ghé qua thăm hỏi, gửi quà bánh.
“Nhờ tiêm phòng đủ, cộng với thể trạng tốt, hiện tôi đã thoải mái vận động như trước. Giờ tôi chỉ mong sớm được test lại để được gặp lại các bạn và tiếp tục việc học”, Quốc Cường vui vẻ chia sẻ.
Lo lắng khi đi học trực tiếp
Dù đã chuẩn bị đầy đủ tư trang y tế và phòng dịch từ trước khi lên Hà Nội học trực tiếp, Trần Lệ, sinh viên năm 2 Học viện Ngoại giao, vẫn không khỏi bàng hoàng khi phát hiện mình mắc Covid-19 chỉ sau gần 2 tuần đến trường.
Không chỉ lo cho sức khỏe của bản thân, cô còn sợ mình gây bất tiện cho những người xung quanh, nhất là khi phải cách ly tại phòng trọ.
May mắn thay, Lệ được chủ nhà tạo điều kiện cho ở một phòng riêng. Cô cũng không phải bỏ nhiều tiền mua thuốc và kit test nhanh vì đã được gia đình gửi lên tận nơi. Các loại đồ ăn như rau củ, thịt cá cũng được bạn cô nấu và để trước phòng.
Với Lệ, trải nghiệm học trực tiếp đem lại những niềm vui mới sau thời gian dài thiếu tương tác xã hội. Tuy nhiên, trước tình hình dịch hiện tại, cô vẫn cảm thấy học online là lựa chọn an toàn hơn.
Hiền Lương, sinh viên Học viện Ngoại giao, cảm thấy lo ngại khi sống xa gia đình khi mắc bệnh. Ảnh: NVCC. |
Tương tự, Hiền Lương (20 tuổi, quê ở Nam Định), sinh viên khoa Luật Quốc tế tại Học viện Ngoại giao, cũng cảm thấy lo sợ khi đi học trên lớp bởi khả năng trở thành F0 là rất cao. Xung quanh cô, bạn bè đều lần lượt thông báo mắc Covid-19.
Sau hơn một tuần đi học, Hiền Lương cũng không thể tránh được dịch bệnh do tiếp xúc và chăm sóc em gái cùng trọ. Nhờ đã tiêm vaccine, cô chỉ bị rát họng, mất tiếng và khó thở nhẹ trong 2 ngày đầu. Cô chăm tập thể dục, xông hơi, ăn uống đủ chất và dần bình phục sau 3-4 ngày.
Chia sẻ với Zing, Lương cho biết việc điều trị rất tốn kém. Chỉ trong vài ngày bị bệnh, cô và em gái đã mất đến hơn 2 triệu cho kit test nhanh, thuốc chữa bệnh, cùng các phí phát sinh khác.
Hơn nữa, việc mắc Covid-19 cũng gây gián đoạn việc học của các sinh viên như Hiền Lương. Nữ sinh kể rằng các thầy cô vẫn phải kết hợp giảng dạy trực tuyến để kết nối với những bạn đang cách ly, nhưng đường truyền không ổn định khiến việc tiếp thu kiến thức rất khó khăn.
Vấn đề mà cô gái trẻ lo lắng nhất là những di chứng hậu Covid-19. "Hiện tại, tôi đã thấy sức lực của bản thân suy giảm đáng kể, chỉ sợ rằng sau này sẽ ảnh hưởng nhiều thứ hơn nữa như rụng tóc hoặc khó thở. Giờ tôi chỉ mong chóng khỏi bệnh và không bị tái lại", Lương bày tỏ.