“Mình nhận được mức lương khá cao so với các bạn sinh viên khi đó. Trung bình, thu nhập một tháng dao động khoảng 8-10 triệu đồng. Với số tiền đó, mình hoàn toàn có thể tự lo về chi phí ăn uống, sinh hoạt cá nhân hàng ngày", Dương Long (22 tuổi, Hà Nội) chia sẻ về mức thu nhập khi cậu làm thêm 2 công việc từ năm nhất.
Còn đối với Thu Hà (23 tuổi, cô lựa chọn một công việc bán thời gian từ năm nhất, vừa có thêm thu nhập vừa là cơ hội tiếp xúc với môi trường làm việc chuyên nghiệp, phục vụ cho công việc sau này.
Tận dụng thời gian đi làm thêm từ năm nhất giúp Thu Hà có một mức thu nhập khá để trang trải chi phí sinh hoạt. Ảnh: NVCC. |
Làm thêm từ năm nhất
Theo học ngành Quản trị khách sạn tại một trường đại học có tiếng tại Hà Nội, Thu Hà bắt đầu đi làm từ năm nhất với vị trí nhân viên phục vụ tại một nhà hàng trên địa bàn. Cô có thu nhập ổn, đều đặn, lịch làm việc phù hợp với việc học tại trường.
Trước đó, cô suy tính bản thân học chuyên ngành Quản trị khách sạn, nếu lựa chọn làm nhân viên phục vụ trong khách sạn, cô phải duy trì 9,5 giờ/ca, làm tối đa 5 buổi/tuần. Làm như vậy, cô không sắp xếp được thời gian để cân bằng giữa việc học và làm. Cuối cùng, Hà quyết định làm thêm tại một nhà hàng bên ngoài.
Với công việc đó, cô có cơ hội tiếp xúc, gặp gỡ nhiều đối tượng khách hàng. Ngoài ra, Hà học được khả năng xử lý tình huống khi gặp người khó tính hay sự cố phát sinh trong quá trình làm việc.
Còn đối với Dương Long, chàng trai trẻ có niềm đam mê với thiết kế đồ họa. Long tìm kiếm cho mình cơ hội để có thể thử sức với ngành nghề này ngay từ khi mới là sinh viên năm nhất. Hiện, Long là sinh viên năm cuối ngành Thiết kế đồ họa tại một trường tư thục trên địa bàn Hà Nội.
Tận dụng thời gian ngoài giờ lên lớp, Long làm thêm 1-2 công việc với mức thu nhập khá. Ảnh: NVCC. |
Năm nhất đại học, nhận thấy ngành thiết kế cần phải có kỹ năng digital painting (kỹ thuật vẽ trên máy tính), nam sinh chủ động tìm hiểu về bảng vẽ điện tử và mong muốn được thử sức với công việc này.
“Khi xem các thông tin về bảng vẽ điện tử, mình tình cờ thấy một đơn vị tại Việt Nam tuyển kỹ thuật viên nên ứng tuyển luôn vào vị trí đó để thỏa mãn sự tò mò và mong muốn trải nghiệm với các bảng vẽ điện tử này”, Long nói với Zing.
Trong quá trình làm việc, Long học thêm nhiều kỹ năng, thao tác viết, vẽ, chỉnh sửa hình ảnh trên màn hình và bút cảm ứng. Cậu cũng biết dùng bút điện tử, hiểu về các nét bút trong photoshop để tiện sử dụng trong công việc.
“Môi trường làm việc tốt, đặc biệt, tất cả đồng nghiệp, anh quản lý và sếp rất tâm lý. Nhờ đó, mình trưởng thành hơn, học hỏi được lượng kiến thức nhất định”, Dương Long chia sẻ.
Kiếm 10 triệu đồng/tháng từ năm nhất
Một ngày vừa học vừa làm của Dương Long khá dày đặc. Buổi sáng, Long học ở trường. Khoảng 14h, cậu bắt đầu đi làm thêm ở công ty. Nhiều hôm đến 20h, cậu mới hoàn thành công việc.
Chưa dừng lại ở đấy, sau một vài tháng làm việc tại công ty, nhận thấy thời gian của bản thân còn nhiều khoảng trống, Long nhận thêm công việc liên quan thiết kế sản phẩm cho một công ty chuyên sản xuất và phân phối phụ kiện câu cá.
“Mình tranh thủ ăn uống xong cũng đến khoảng 20h. Sau đó, mình mới bắt đầu làm. Chưa kể, có hôm, khối lượng công việc nhiều hay ra mắt sản phẩm mới, mình phải thiết kế thêm nhiều hình ảnh, đôi khi, phải làm đến 1-2h sáng”, Dương Long kể.
Long cảm thấy bản thân có phần “tham lam” khi vừa học, vừa nhận thêm nhiều công việc làm thêm ngoài để thỏa mãn sự tò mò, tăng tính trải nghiệm của bản thân và có thêm thu nhập. Tuy nhiên, bên cạnh việc học, làm việc mỗi ngày giúp cho Long tích lũy nhiều kinh nghiệm, học hỏi kiến thức bên ngoài sách vở.
Tận dụng khoản thời gian đi làm thêm từ năm nhất, Dương Long cho rằng bản thân đã có một khoản thu nhập “nhỉnh” hơn so với mọi người. Mỗi tháng, với lương làm thêm 8-10 triệu đồng, cậu hoàn toàn tự lo chi phí ăn uống, sinh hoạt.
Khi còn là sinh viên năm nhất. Dương Long nhận thêm nhiều công việc làm thêm ngoài để thoả mãn sự tò mò, tăng tính trải nghiệm của bản thân và có thêm thu nhập. Ảnh: NVCC. |
Với số tiền đó, cậu lên kế hoạch chi tiêu cụ thể cho việc đóng tiền học tại trường và các chi phí sinh hoạt khác như phòng trọ, điện, nước. Trừ hết các khoản phí, mỗi tháng, cậu dành dụm được khoảng 3-4 triệu đồng. Dương Long dành số tiền này cho chi phí phát sinh khi học tập như làm đồ án nhóm, in ấn sản phẩm thực tế hay trang bị máy tính. Nếu còn dư, cậu làm tiết kiệm cá nhân và gửi về cho gia đình.
Còn với Thu Hà, cô luôn cân bằng giữa học và làm để công việc không bị chi phối, ảnh hưởng đến kết quả học tập. Lịch học theo tín chỉ, thời gian học trên lớp cố định theo ngày, giờ. Vì vậy, Hà luôn ưu tiên sắp xếp lịch học trước. Sau đó, cô tận dụng thời gian rảnh đi làm thêm tại nhà hàng.
Thu Hà làm việc theo ca. Nhờ đó, nữ sinh có thể linh động thời gian để phù hợp với công việc. Đều đặn một tuần, cô làm 5 ca, thời gian làm việc dao động 4-5 tiếng.
“Trung bình mỗi kỳ, mình học 20 tín chỉ, có kỳ, mình ưu tiên đăng ký học buổi chiều, thời gian 6-11h, mình tranh thủ đi làm thêm”, Thu Hà nói.
Tận dụng thời gian đi làm thêm từ năm nhất, Thu Hà có mức thu nhập khá, giúp cô trang trải phí sinh hoạt, thuê phòng trọ, tự tin khi mua sắm đồ mình thích và gửi một ít về gia đình.