Rất nhiều ý kiến khác nhau được đưa ra sau khi xuất hiện đoạn video ghi lại cảnh cô gái điều khiển xe Honda Lead chặn đầu và mắng một người đi xe phân khối lớn nẹt pô trên phố tại TP.HCM. Cô gái đã phản ứng khá mạnh với biker chạy xe phân khối lớn khi người này dường như làm cô bị giật mình.
Một độc giả xem khá kỹ đoạn video đưa ra bình luận: “Quốc lộ là khu đông dân cư, tối đa chạy 40 km/h, trong khi người điều khiển phân khối lớn có thể đã đạt vận tốc 60-70 km/h. Phía trước xe Lead có một xe máy khác đang lách ra, nên cô gái phải né ra một chút là điều hiển nhiên. Người điều khiển xe phân khối lớn không phanh lại mà còn nẹt pô. Nhiều phụ nữ đang lưu thông cũng do tiếng nẹt pô, còi xe tải hết hồn mà tự té.”
Sự việc gây nhiều tranh cãi trong cộng đồng về văn hóa chạy xe. |
Đồng tình với ý kiến trên, độc giả Toàn Nguyễn chia sẻ: “Làn xe hai bánh ở xa lộ Hà Nội (nơi xảy ra vụ việc) được phép chạy tối đa 60 km/h. Theo như tôi thấy, anh này chạy chắc không thấp hơn. Luật giao thông đường bộ của Việt Nam cũng chẳng có điều luật nào cho phép xin vượt xe khác bằng cách nẹt pô”.
Chưa nói đến việc chạy nhanh hay chậm, hành động nẹt pô của người điều khiển xe phân khối lớn đã gặp phải nhiều ý kiến phản đối. Tiếng âm thanh lớn từ pô xe khiến cho nhiều người tham gia giao thông khó chịu.
Độc giả tên Khoa bày tỏ quan điểm: “Mấy ông chạy xe phân khối lớn cũng ngộ lắm, chạy bình thường như người ta không muốn cứ gặp đông người là mấy ổng nẹt pô ầm ầm, gây chú ý để khoe mẽ. Tôi rất bức xúc chuyện này. Trong luật giao thông đường bộ Việt Nam đâu có qui định nẹt pô để báo hiệu xin vượt lên đâu”.
Anh Nguyễn Tuấn Anh, thành viên câu lạc bộ H.O.G Hà Nội Chapter, cũng không đồng tình với hành vi nẹt pô khi chạy xe và cho rằng cần lên án để tạo nét văn hóa, ý thức giao thông tốt hơn. "Những thành viên trong câu lạc bộ xe Harley của tôi đều tuân thủ quy định không nẹt pô khi chạy xe trong phố. Khi đoàn đông, chúng tôi thống nhất chạy theo hàng 1 hoặc hàng 2 nghiêm túc, mang lại thiện cảm với người đi đường”, anh Tuấn Anh chia sẻ.
Những chiếc phân khối lớn chạy xe có nề nếp không gây mất thiện cảm với người đi đường. |
Mặc dù vậy, trong tình huống cụ thể đang thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng, có không ít ý kiến cho rằng cô gái đi xe Lead đã phản ứng thái quá. Độc giả Khanh Nguyễn cho rằng: “Tôi thấy cô gái này chưa đúng. Mọi người cũng thấy rõ cô gái muốn vượt trái nhưng không hề quan sát, còn anh phân khối lớn thì theo phản xạ sẽ bóp côn vặn ga để dễ lách cô gái thôi chứ không hề muốn nẹt pô làm gì hết. Ai từng đi xe tay côn sẽ hiểu rõ nhất”.
Quan điểm này khá giống với chia sẻ của chị Phạm Ngọc Phượng, một nữ biker chạy xe phân khối lớn nhiều năm. Theo chị, "nẹt pô" trong trường hợp này là quan điểm của những người yếu tim và không hiểu nguyên lý động cơ.
Xe phân khối lớn có vòng tua máy cao, để duy trì chuyển động ở tốc độ thấp thì người điều khiển phải vặn ga lên xuống để xe không chết máy nên tạo ra những âm thanh như trong video. Do đó, tình huống trên có thể người điều khiển xe phân khối lớn đã phải phanh lại, đồng thời vê ga để xe không chết máy dẫn đến đổ xe.
Chạy xe phân khối lớn cũng có nhiều nguyên tắc cần phải nắm rõ. |
Một luồng ý kiến khác lại cho rằng cả hai người trong tình huống này đều có cách hành xử không đúng khi tham gia giao thông. Anh Đàm Khánh Nguyễn, một người chạy xe phân khối lớn lâu năm, cho hay nẹt pô gây phiền hà cho người khác là không đúng, vì tiếng pô gây khó chịu. Tuy nhiên, người điều khiển xe máy mắng người cũng là quá đáng.
Độc giả Phạm Anh Khoa đặt vấn đề nếu muốn báo hiệu cho người chạy xe phía trước, biker đi phân khối lớn nên dùng còi thay vì nẹt pô, bởi so với tiếng còi xe thì tiếng nẹt pô rất dễ làm người khác giật mình, có thể dẫn đến tai nạn.
Các luồng ý kiến khác nhau vẫn tiếp tục được đưa ra, tuy nhiên có một điều chắc chắn là mỗi người khi tham gia giao thông đều cần có cách ứng xử phù hợp, để không chỉ đảm bảo an toàn cho bản thân và những người cùng lưu thông, mà còn không gây phiền hà, khó chịu cho người khác, tạo nét đẹp văn hóa khi chạy xe trên đường.