Vé máy bay về quê thì đắt mà vé đi du lịch đến Campuchia, Myanmar, Thái Lan, Singapore lại rẻ, thế mới “điên”!. “Ôi, giá mà cứ được nghỉ đông cả tháng thì đi có mà thỏa sức….” là ước mơ của phượt thủ chuyên nghiệp dù túi tiền chẳng bao giờ đầy.
Đất nước mùa xuân
“Ta băng qua suối, ta băng qua khe, từng đồi từng núi là từng bài thơ” - lời ca của bài “Trên đỉnh Trường Sơn ta hát” đã trở thành “đội ca” của dân mê trèo đèo, lội suối, lên núi ngắm hoa đào, hoa mận miền Tây Bắc. Cứ 10 người đi Tây Bắc mùa xuân lại có ít nhất là 4 người phượt từ phía Nam ra. Hoài Bắc, một phượt thủ chuyên nghiệp miền Nam tâm sự: “Cứ đến mùng 3 Tết là em bay ra Hà Nội rồi đi Tây Bắc đón xuân. Vé máy bay mua trước cả vài tháng, rẻ còn hơn xe đò Hoàng Long. Cái lạnh của Hà Nội, của miền Tây Bắc luôn vô cùng ấn tượng. Tây Bắc ăn tết cả tháng. Đi xe máy từ bản này sang bản khác chơi, uống rượu, thưởng hoa, xem múa khèn, tung còn, bắn ná, chơi quay... cứ như đây mới thực sự là nhà.”
Cái tâm của dân phượt là thế. “Tứ hải giai huynh đệ. Bốn biển là nhà”, ít ngày nghỉ đã dành cho việc đoàn viên, hội tụ của cả gia đình rồi, còn vài ngày thảnh thơi, đi chơi xả stress, kết nối bạn bè, khám phá danh thắng Tổ quốc, quê hương.
Đất Tây Bắc, Đông Bắc mùa xuân thì chao ôi, quá tuyệt.
Các cung đường lên Mai Châu (Hòa Bình) lên Mộc Châu (Sơn La) hoặc từ Quang Hà lên Xín Mần (Hà Giang), Sơn La - Điện Biên đều tuyệt đẹp. Đường lên Mộc Châu hay Hà Giang hay Điện Biên đều mây mù tràn ngập. Người đi vào trong mây, xuyên qua mây. Nơi thì hoa mận, hoa mơ, nơi thì hoa ban trắng, ban đỏ, ban hồng, đẹp như thơ.
Đi phượt trong những ngày Tết là thú vui đặc trưng của khá đông các bạn trẻ . |
“Đặc sản” mùa này ở Mộc Châu là hoa cải trắng. Hoa tràn từ những sườn đồi, bám vào thung lũng, run rẩy dưới mưa xuân, nổi bật trên nền xanh của rừng cây và cánh đồng. Nhìn xa, trông như thể tuyết trắng.
Dân miền Bắc thì lại thích đi du lịch miền Nam. Được tắm biển khi miền Bắc đang vô cùng lạnh giá cũng là một sở thích của dân phượt. Những địa danh như quần đảo Nam Du, những hòn đảo nhỏ như Lý Sơn (Quảng Nam), Bình Ba, Bình Lập, Bình Tiên (Khánh Hòa) đang được nhiều người lên kế hoạch khám phá. Nhiều người khá nuối tiếc vì ở miền Nam đang là mùa khô, nên những danh thắng khác như rừng quốc gia Nam Cát Tiên, rừng chàm Trà Sư, U Minh thượng, hạ đều cạn nước, không có nhiều điều kiện để khám phá.
Thu Minh, một cô gái miền Trung, chia sẻ: “Chỉ khi trải nghiệm cuộc sống trên đường, mới hoàn toàn là sống cho riêng mình, chỉ vì mình. Để mở rộng tầm mắt. Để nhặt nhạnh nụ cười. Để nhét vào cái bị bè bạn, thi thoảng mang ra chém gió, làm vui. Thế nhưng sau nhiều chuyến phượt vì bản thân, mình và bạn bè đã kết hợp thêm thiện nguyện”.
Đó thực sự là một bước nhảy vọt trong ý thức của rất nhiều dân phượt. Với nhiều người đi phượt đơn giản chỉ là đi chơi, “đổi gió” thì có những người họ đi phượt bằng cả trái tim. Những chuyến phượt thiện nguyện được chuẩn bị rất kỹ càng. Sau chuỗi ngày hô hào quyên góp, họ lên đường với sự nhiệt huyết tràn đầy... Mùa xuân tình nguyện còn ý nghĩa hơn với họ.
Công dân quốc tế, quốc tịch Việt Nam
Đó không chỉ là ước mơ của người trẻ. Đó là xu hướng đi phượt của người trung niên thậm chí cao tuổi.
Ông Quang Bình, cán bộ Ngân hàng về hưu tâm sự: “Một lần tôi đi Sa Pa, gặp một anh đi phượt người Nhật Bản. Anh ấy già lắm rồi, 70 tuổi, đã đi 180 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đi đúng chất phượt, chỉ có vẻn vẹn một chiếc balo, chiếc máy tính định vị toàn cầu trong tay, máy ảnh cá nhân đeo trên cổ. Anh ấy làm cho tôi suy nghĩ rất nhiều. Một công dân quốc tế thực sự, vậy mà sao mình cứ mãi loanh quanh, chẳng biết đến nơi nào, cứ như chưa từng ra khỏi ngôi nhà rất đỗi xinh đẹp nhưng lại rất nhỏ bé là Việt Nam nhỉ.
Vậy là từ khi về hưu, tôi mới bắt đầu đi phượt - nói như giới trẻ bây giờ. 10 năm nay rồi đấy. Năm 2005 tôi về hưu, vác balo đi phượt cùng một đoàn toàn các bạn trẻ đi 3 nước Đông Dương. Chỉ riêng năm đó, tôi đã đi hết toàn bộ 10 quốc gia Đông Nam Á. Sau đó mỗi năm tôi vạch kế hoạch đi chơi, tôi đi Nga vào mùa thu năm 2006, đi Pháp tháng 10 năm 2007, đi Mỹ mùa hè 2008. Bạn phượt chuyến đầu tiên canh vé giá rẻ cho tôi. Họ nói, chú sướng thế, không biết bao giờ cháu mới đủ tiền và thời gian để đi. Tôi thì ngược lại, tôi tiếc tuổi thanh xuân của mình quá, giá lúc ấy tôi cũng được đi như các bạn thì vui biết bao nhiêu”.
Trên thực tế, ý tưởng công dân quốc tế, quốc tịch Việt Nam đã được nhiều bạn trẻ thực hiện. Nhiều du học sinh chẳng mấy khi về Việt Nam ăn Tết. Hà “còi”, du học sinh khoa Công nghệ sinh học ở Nhật Bản, học 10 năm tới Tiến sĩ tuyên bố: “Từ nay không đi đâu nữa, 10 năm du học cũng là 10 năm mình đã khám phá 5 châu kể cả châu Phi nhé. Về Việt Nam cày tiền thôi. Khi nào 60 tuổi về hưu, mình sẽ đi một lượt nữa. Lúc đó, các bạn ở khắp thế giới của mình chắc thành đại gia hết rồi”.
Còn hiện tượng Huyền Chip với những chuyến đi bụi, phượt quốc tế khá mạo hiểm, chỉ là trường hợp cá biệt, rất độc đáo và đáng tham khảo chứ không nên áp dụng. Nhưng dù sao, đó vẫn là một tấm gương tuyệt vời.
Đi trượt tuyết ở xứ sở Kim Chi Trượt tuyết đã bao lâu nay rồi luôn là ước mơ của tôi, một người con của mảnh đất nhiệt đới ẩm gió mùa này. Những chuyến đi săn tuyết, ngắm băng ở Sa Pa, Mộc Châu, Hà Giang không thể thay thế được một lần nắm tuyết trong tay, trượt tuyết và lướt như một vũ công trên băng lạnh buốt. Nếu bạn chưa biết trượt ư, đăng ký HLV ngay, cũng chỉ có 10.000W/ 2 giờ học cẩn thận, một thầy một trò, vào ngày thứ 7 và chủ nhật. Chưa thỏa mãn với tuyết dày hàng chục cm với sân băng giá rẻ ở Seoul. Tôi đã mua ngay vé xe bus đi Gangwon-do, nơi được chọn tổ chức Olympic mùa đông 2018 với lượng tuyết rơi dày và sườn núi thoải hợp lý. Hai khu trượt tuyết nghỉ dưỡng nổi tiếng ở đây là Alpensia và Yongpyong. Rất đáng để trải nghiệm dù bạn biết trượt tuyết hay không. Những đường trượt thoai thoải khiến cho bạn dễ dàng trượt, ngược lại, ngã xuống tuyết mềm như một tấm chăn cũng là một kỷ niệm không bao giờ phai. |