Đi tìm lối chơi kiểm soát bóng không cần sao chép tiki-taka
Trong những năm đã qua, tiki-taka đã thống trị thế giới, và không ít đội bóng đã cố gắng làm mọi thứ giống hệt. Thực chất, họ cần nắm được phương pháp cốt lõi mới có thể thành công...
Những người đã tìm hiểu về tiki-taka, lối chơi đi liền với thành công của Barcelona và ĐT Tây Ban Nha từ năm 2008 cho tới nay đều hiểu rằng, đây thực chất là một triết lý bóng đá nhằm kiểm soát hoàn toàn bóng bằng những đường chuyền ngắn, nhanh để đi tới chiến thắng. Cũng từ triết lý này mà rất nhiều chiến thuật cụ thể mang tính tình huống đã được sản sinh ra, ví dụ như việc tiền vệ trụ thường xuyên lùi sâu để nhận bóng phát lên từ thủ môn, trong khi hai trung vệ lại dạt ra cánh - vừa để thu hút tiền đạo đối phương, vừa để tạo khoảng trống trước vòng cấm địa để tiền vệ lùi về.
Đội hình Tây Ban Nha đánh bại Italy trong trận chung kết Confeds Cup. |
Thực chất, những bài bản nhỏ lẻ này chỉ là sự thể hiện của triết lý. Tất nhiên có rất nhiều phương pháp để vận hành lối chơi kiểm soát bóng, nhưng trong bài viết này, GOAL Việt Nam muốn đưa ra một trong những phương pháp quan trọng nhất, trong mọi trường hợp, đó là: Tạo ra sự áp đảo về số lượng cầu thủ trong từng khu vực.
|
Vì sao cần có điều này? Thật đơn giản để lý giải: Muốn chuyền bóng, phải có người nhận bóng, và đương nhiên không thể đảm bảo chắc chắn rằng, một người đang bị theo kèm chặt lại có thể giữ nguyên trái bóng được! Lật ngược lại, làm thế nào để dễ dàng giành lại bóng khi mất đi? Không gì đơn giản hơn là có đủ người để kèm từng cầu thủ trong tầm chuyền của đối thủ và thêm ít nhất một người nữa để áp sát chính cầu thủ chuyền bóng.
Chính vì thể, sự áp đảo về số lượng cầu thủ trong từng khu vực trở nên cực kỳ quan trọng. Thông thường, sự áp đảo sẽ được chú ý nhiều hơn ở khu vực giữa sân – khu vực trung chuyển bóng từ tuyến dưới lên tuyến trên. So với sơ đồ 4-4-2 cổ điển với hai tiền vệ trung tâm, việc có thêm một người sẽ tạo ra sự thắng thế ở khu vực giữa sân cả trong phòng ngự lẫn trong phản công.
Thế nhưng khi các sơ đồ sử dụng ba tiền vệ trung tâm như 4-5-1, 4-3-3 hay 4-2-3-1 ngày càng phổ biến hơn, sự cân bằng về số lượng tiền vệ trung tâm đã xuất hiện một cách thường xuyên hơn. Để khắc phục điều này, các hậu vệ biên thường được yêu cầu dâng lên cao ngang các tiền vệ để bổ sung số lượng người ở khu vực giữa sân, từ đó tăng thêm lựa chọn để luân chuyển bóng giữa các vị trí.
Không chỉ vậy, việc các hậu vệ biên dâng cao sẽ thường xuyên sẽ tạo ra sự áp đảo về số lượng cả khu vực cánh, khi tiền vệ/tiền đạo cánh hoàn toàn có thể nhả bóng lại cho hậu vệ thay vì phải tập trung rê dắt qua người. Sau này, khi các tiền vệ cánh thường được yêu cầu lùi sâu hơn khi phòng ngự, sự xuất hiện của một tiền vệ trung tâm hơi chếch sang cánh lại tiếp tục tạo ra sự áp đảo về số lượng nói trên. Đây chính là nền tảng thành công của Arsenal trong những giai đoạn 2006-2008, khi họ chinh phục tất cả bằng lối chơi kiểm soát bóng quyến rũ. Cho tới nay, HLV Arsene Wenger vẫn đang tiếp tục trung thành với kiểu đánh cánh này.
Người Ý cũng xứng đáng để được nhắc tới về việc quán triệt phương pháp này trong những mùa giải gần đây. Juventus bỏ đi lối chơi 4-4-2 để chuyển sang 3-5-2 và đưa Pirlo về chính là chìa khóa mang đến hai Schudetto liên tiếp vừa qua. Tại Confederations Cup 2013 vừa kết thúc, trận bán kết thứ hai đã chứng kiến việc HLV Cesare Prandelli dùng tới 4 tiền vệ trung tâm và 2 tiền vệ cánh nhằm áp đảo bộ ba Xavi-Iniesta-Busquets cũng như các mắt xích hai bên biên của đối thủ.
Phương pháp tạo ra sự áp đảo số lượng này đương nhiên dẫn đến điều kiện để thực hiện các phương pháp khác như pressing, phối hợp và cũng là mục đích của những sáng tạo chiến thuật về kèm người khu vực, di chuyển không bóng...
Sự thành công của việc lối chơi dựa trên nền tảng kiểm soát bóng đã mang tới rất nhiều thành công cho các đội bóng, đặc biệt nếu họ có được một tập thể cầu thủ tốt. Nhìn lại những các giải vô địch quốc gia tại châu Âu trong mùa giải vừa qua, những đội bóng được đánh giá là thành công đều áp dụng tối đa phương pháp này mà không hề bị coi là “đụng hàng”, “copy” của Barcelona hay ĐT Tây Ban Nha, mà tiêu biểu là Bayern Munich, Borussia Dortmund, Juventus, Swansea City...
Theo Goal