Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

‘Đi tìm Phong’: Góc nhìn rất đỗi chân thực về người chuyển giới

Bộ phim tài liệu “Đi tìm Phong” theo chân nhân vật Lê Ánh Phong trong hành trình tìm kiếm và thay đổi bản thân, qua đó mang đến cái nhìn gần gũi về một đề tài không còn quá mới lạ.

Trailer bộ phim 'Đi tìm Phong' Tác phẩm tài liệu về nhân vật chuyển giới Lê Ánh Phong.

Thể loại: Tài liệu
Đạo diễn: Trần Phương Thảo, Swann Dubus
Nhân vật chính: Lê Ánh Phong
Zing.vn đánh giá: 9/10

review phim Di tim Phong anh 1
Đi tìm Phong là bộ phim tài liệu về cô gái chuyển giới nổi tiếng Lê Ánh Phong.

Đi tìm Phong (tựa Anh: Finding Phong) là hành trình định hình và theo đuổi bản ngã của Phong - chàng trai 27 tuổi, sinh ra và lớn lên ở thành phố Quảng Ngãi.

Nhận ra rằng mình là người phụ nữ bị nhốt trong cơ thể đàn ông, Phong đã phải đấu tranh với bản thân, với gia đình, để có thể bắt đầu cuộc lột xác về mặt tâm hồn và thể xác.

Với thứ ngôn ngữ điện ảnh đầy tính chân thực và xen lẫn ngọt bùi, cuốn phim tài liệu Đi tìm Phong muốn mang đến cái nhìn đa chiều và gần gũi về cá nhân Phong, hay lớn hơn là cộng đồng LGBT đến cho khán giả.

Hành trình không bằng phẳng

Những thước phim đầu tiên của Đi tìm Phong được quay bởi chính nhân vật Lê Ánh Phong. Đó là căn phòng trọ của anh vào đêm giao thừa. Góc máy rất đỗi vụng về, hướng về phía bầu trời đêm đang được thắp sáng bởi những tia pháo hoa nổ đì đoàng. Thế rồi, giọng của Phong bắt đầu cất lên, buông những lời tâm sự đầy cô đơn.

Nửa đầu Đi tìm Phong toàn là những lời tâm sự giống như thế, đến từ tấm lòng của Phong và được anh dành cho mẹ mình. Mỗi cảnh quay đều bắt đầu bằng câu nói “Má ơi…” thân thương mà cũng đượm nỗi buồn.

review phim Di tim Phong anh 2
Câu chuyện của Phong mang tính phổ quát rất cao đối với cộng đồng LGBT.

Trong chuyến hành trình đầy gian khó ấy, khi vẫn còn bị giằng xé giữa mong muốn thay đổi thân phận và cảm giác tội lỗi với gia đình, những tâm sự buồn của Phong đều được bày tỏ qua những cảnh tự quay.

Sau chuyến đi tới Bangkok, Thái Lan để tư vấn với bác sỹ, Phong trở nên vững tin và quyết tâm hơn với mong muốn thay đổi của bản thân. Tuy nhiên, anh vẫn phải tiếp tục đối diện với nhiều câu hỏi khác. Liệu Phong có thể thực sự trở thành người mà bản thân mong muốn? Và con người mới của Phong phải như thế nào thì mới được xã hội chấp nhận?

Đó là những câu hỏi không chỉ Phong, mà rất nhiều cá nhân khác trong cộng đồng LGBT phải đối mặt trước những quyết định có thể thay đổi cả cuộc đời họ và những người xung quanh.

Cái nhìn toàn diện và chân thật

Chuyến đi Bangkok đầu tiên đánh dấu sự thay đổi về mặt tâm lý và cơ thể của Phong, cũng như bầu không khí chung của toàn bộ tác phẩm. Từ đây, Đi tìm Phong không chỉ còn là cuốn nhật ký tự sự, mà còn được tô điểm thêm nhiều màu sắc khác.

Khán giả bắt đầu có cơ hội chứng kiến thêm những mối quan hệ xã hội của Phong. Bên cạnh chuyện tình cảm là mối quan hệ bạn bè, như cô nàng Hường “béo” hết sức vui nhộn; hay mối quan hệ gia đình, như với chị gái Trâm - người luôn đồng hành và động viên tinh thần Phong dù bản thân còn chưa hoàn toàn quen với con người mới của em trai thuở nào.

review phim Di tim Phong anh 3
Toàn bộ Finding Phong rất nhẹ nhàng, nhưng để lại nhiều suy nghĩ cho khán giả sau khi theo dõi.

Không chỉ Trâm, cả gia đình Phong vẫn ở đó, luôn luôn lắng nghe, và để Phong làm điều mình thích, bằng cách này hay cách khác. Nhưng cùng lúc đó, họ cũng đang phải tự an ủi bản thân về một sự “mất mát” nào đó.

Cũng từ những cuộc trò chuyện chân thực mà nhiều lớp tính cách khác của Phong cũng bắt đầu hiện ra, thay vì hình ảnh do chính nhân vật tạo ra ở nửa đầu phim. Phong nhờ đó mà dần trở nên gần gũi hơn, như một người bạn hồn nhiên, vô cùng đáng yêu mà cũng nhiều tâm sự.

Nhìn chung, Đi tìm Phong là câu chuyện mang đậm tính riêng tư, nhưng lại vô cùng gần gũi, dễ tạo ra sự đồng cảm sâu sắc nơi người xem. Nhân vật thú vị, kỹ thuật làm phim phù hợp, cách tiếp cận đa chiều và tình cảm, bộ phim mang đến một lớp ý nghĩa mới cho chủ đề chuyển giới tưởng như không còn mới mẻ.

Cũng chính sự tử tế và nhân văn đã giúp Đi tìm Phong trở nên vô cùng đáng trân trọng.

Phim sẽ được trình chiếu tại một số thành phố lớn từ 12/10.

'Tangerine': Phim về người chuyển giới quay bằng điện thoại

"Tangerine" là tác phẩm điện ảnh độc lập có kinh phí siêu thấp 100.000 USD, xoay quanh chuyện đêm Giáng sinh của hai cô gái chuyển giới bán hoa và được quay hoàn toàn bằng iPhone.


Ngân Đồng

Ảnh: Discovery

Bạn có thể quan tâm