Trồng Implant là kỹ thuật tối ưu cho người bị mất răng. Ảnh minh hoạ: Pexels. |
Một phụ nữ đến Bệnh viện Đại Học Y Dược TP.HCM cấp cứu trong trạng thái tê bì toàn bộ vùng môi dưới, chạm vào không có cảm giác. Điều khiến bệnh nhân hốt hoảng là tình trạng lạ này xuất hiện chỉ sau vài ngày đi trồng Implant răng hàm dưới.
TS.BS Hồ Nguyễn Thanh Chơn, Trưởng khoa Phẫu thuật hàm mặt - Răng hàm mặt Bệnh viện Đại Học Y Dược TP.HCM, đây không phải trường hợp điển hình. Hàng ngày, đơn vị của ông tiếp nhận kha khá những trường hợp tai biến tương tự, thậm chí nghiêm trọng hơn.
Biến chứng liệt dây thần kinh
Nữ bệnh nhân nói trên trước đó đi trồng Implant răng hàm dưới tại một phòng khám, sau vài ngày thì xuất hiện tình trạng tê môi. Người phụ nữ từng quay trở lại phòng khám, được cho thuốc điều trị nhưng không hết.
Quá lo lắng, cô được người nhà đưa đến Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM thăm khám. Tại đây, nướu bệnh nhân có tình trạng viêm đỏ, liệt dây thần kinh bên phải của môi dưới. Nguyên nhân ban đầu được chẩn đoán là chân cắm Implant đụng phải dây thần kinh.
Bệnh nhân được dùng thuốc điều trị viêm, khi hết viêm nhiễm bác sĩ sẽ tiếp tục điều trị liệt dây thần kinh. Theo bác sĩ Chơn, với trường hợp này, có thể dây thần kinh liệt sẽ không phục hồi.
Cấy ghép Implant vốn không phải thủ thuật quá mới mẻ, hơn thế, phương pháp ngày đang ngày càng được ưa chuộng. Tại Bệnh viện Đại Y dược TP.HCM, mỗi tháng trồng khoảng 50-100 cây Implant.
Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể dễ dàng làm được phương pháp này. Theo tư vấn của TS Chơn, những người muốn trồng Implant phải có xương ở chỗ mất răng, không có xương, tiêu xương phải ghép xương.
Nếu xương hàm trên của bệnh nhân tiêu hết thì phải cắm Implant vào xương gò má (dài 5 cm, bình thường Implant dài 1 cm).
Cấy Implant phải xâm lấn, rạch nướu, khoan một lỗ vào xương tương đương với đường kính của Implant. Đây là một phẫu thuật, có gây tê, chảy máu thì thể trạng toàn thân phải cho phép thực hiện phẫu thuật. Người mắc bệnh máu không đông, tiểu đường chưa kiểm soát, tăng huyết áp chống chỉ định cấy Implant.
Cắm Implant sai kỹ thuật có thể dẫn đến biến chứng nhiễm trùng, liệt dây thần kinh, nhiễm nấm, chảy mủ... Ảnh minh họa: Pexels. |
Implant được làm từ titanium (titan), các phần vít nhỏ kết nối với thân răng thường cũng là titan. Do đó, sau 3-4 tháng bắt Implant sẽ không thể tháo ra, nó tương hợp sinh học với cơ thể, ở đây là xương. Xương sẽ tích hợp với Implant, nếu muốn tháo thì phải khoan ra.
Tuy nhiên, titan cũng có nhiều loại. Titan loại 5 là tốt nhất, được dùng làm Implant. Các loại titan thấp cấp hơn thường được làm kết nối vì không cần tích hợp với xương. Thân răng thường bằng sứ.
Tiền mất tật mang
Ở Việt Nam, chi phí để làm Implant tầm trung trở lên khoảng 1.000 USD. Tuy nhiên, có nhiều hãng sản xuất Implant khác nhau, vật liệu răng giả cũng khác nhau nên mức giá cũng có thể có thay đổi.
Chất lượng Implant có thể ảnh hưởng đến kết quả phẫu thuật. Vì vậy, các quảng cáo cắm Implant giá 7-8 triệu đồng là quá thấp, bác sĩ Chơn khuyên người dân không nên làm.
Bác sĩ Chơn khẳng định nếu sau 3-4 tháng cấy xong mà Implant lỏng lẻo, không tích hợp với xương, khả năng cao là đã cắm sai kỹ thuật hoặc không phải là Implant.
“Biến chứng nặng nhất là nhiễm trùng, các loại có độc lực mạnh sẽ gây chảy mủ nhiều, lâu ngày gây đau, khó lành vết thương. Như vậy là phải tháo Implant, điều trị cho khỏi nhiễm trùng sau đó mới cắm lại được. Có thể sẽ mất vài tháng đến một năm”, bác sĩ Chơn nói.
Bên cạnh đó, cắm Implant răng sau hàm trên “quá tay”, xâm lấn vào xoang hàm có thể gây nhiễm trùng xoang, hoặc nhiễm trùng, nhiễm nấm, sưng đau, chảy mủ phải điều trị cả tháng mới khỏi.
Ngoài ra, một biến chứng rất thường gặp là tê môi dưới và vùng cằm cùng bên. Do xương hàm dưới có một sợi dây thần kinh chi phối môi dưới và cằm cùng bên. Cắm sâu Implant vào dây thần kinh này sẽ gây tê môi.
Để điều trị, bệnh nhân phải tháo Implant sớm hoặc vặn nó cao hơn, thoát khỏi, không chạm vào dây thần kinh nữa. Song, làm cách này thì khả năng hồi phục cũng không thể đạt được 100%. Một số trường hợp bị tổn thương vĩnh viễn, tê môi vĩnh viễn ảnh hưởng chất lượng sống của người bệnh.
Cũng có trường hợp cắm Implant “lạc chỗ” vào các vùng khác không phải xương. Cắm Implant gò má sai chỗ có thể làm giảm thị lực, mù, hoặc viêm gò má.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến biến chứng khi cắm Implant, chủ yếu là phạm vào nguyên tắc vô trùng, dùng loại găng tay không có độ vô trùng cao, dụng cụ không được vô trùng kỹ, cơ sở thực hiện không đảm bảo.
Cắm Implant là một kỹ thuật cao trong nha khoa. Hiện nay, có những người không đủ điều kiện hành nghề, thậm chí không phải bác sĩ răng hàm mặt cũng dám làm Implant.
Do đó, khi quyết định làm Implant, người dân phải biết bác sĩ làm cho mình có đủ điều kiện để làm hay không. Tốt nhất người bệnh nên đến các cơ sở y tế uy tín để được thực hiện an toàn, hiệu quả, giảm nguy cơ biến chứng.
Dựa trên các kết quả nghiên cứu khoa học, cuốn sách Tâm hơn thuốc của tác giả Lissa Rankin chỉ ra rằng biện pháp cải thiện tâm lý, suy nghĩ tích cực có thể phòng tránh bệnh tật và giải quyết một số vấn đề về sức khỏe của con người. Cuốn sách cho thấy sự sáng tạo, thư giãn, sống thật với chính mình... là những phương pháp đơn giản giúp giảm căng thẳng trong công việc và cải thiện tình trạng sức khỏe.